Các mô hình kinh tế mới là động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững

Chiều 6/10, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã đồng phối hợp chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023 (Vietnam New Economy Forum 2023), với chủ đề 'Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững'.

Tiềm năng của các mô hình kinh tế mới là rất lớn

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, những biến động lớn của thế giới cùng với thách thức từ biến đổi khí hậu, gia tăng nhiệt độ toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải đẩy nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.

Trong đó, các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang thể hiện vai trò tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững của các nền kinh tế trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu

Phát biểu tại diễn đàn, Viện trưởng CIEM - bà Trần Thị Hồng Minh cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể từ năm 2020, CIEM đã tham mưu các đề xuất chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế mới như các mô hình về kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn…

"Chúng tôi tâm niệm phát huy đồng bộ, tổng lực các mô hình này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để tạo thêm từng “điểm phần trăm” quý giá cho tăng trưởng kinh tế và tạo được văn hóa để cả các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp đều “không ngừng đổi mới, khẩn trương đổi mới, chung tay đổi mới” - bà Trần Thị Hồng Minh nói.

Lấy dẫn chứng về những tiềm năng to lớn từ các mô hình kinh tế mới đem lại cho các quốc gia, khu vực trên thế giới, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho hay, tại Mỹ, kinh tế xanh đã tạo việc làm cho 9,5 triệu lao động, đóng góp trên 7% GDP, tương đương 1,3 nghìn tỷ USD/năm. Trong khi đó, tại các nước OECD, con số tương ứng là 17,5 triệu lao động và 12% GDP, tương đương 2,9 nghìn tỷ USD/năm.

Còn với Việt Nam, theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” năm 2021, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với lợi ích, tiềm năng rất lớn từ các mô hình kinh tế mới và nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm phát triển bền vững, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đến năm 2030 phù hợp với bối cảnh mới và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều chiến lược nhằm thúc đẩy các mô hình kinh tế mới đã được ban hành trong thời gian gần đây.

"Những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, vừa tạo hành lang pháp lý để triển khai các mô hình kinh tế mới, vừa tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh và tình hình mới" - lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Mục tiêu kinh tế số đạt 30% GDP là một thách thức lớn

Tại diễn đàn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, những nội dung liên quan đến phát triển các mô hình kinh tế mới đã được Chính phủ đề cập trong nhiều văn bản, nghị quyết, chính sách quan trọng của Việt Nam.

Cụ thể như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại đây, đã xác định kinh tế số là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh đó là nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, chính phủ điện tử.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển

Dù vậy, báo cáo nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, kinh tế số Việt Nam trong năm 2022 ước khoảng 14,26% trong tổng GDP. Do đó, mục tiêu nền kinh tế số đạt 30% trong tổng GDP của Việt Nam là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

Hiện nay Việt Nam đã có nhiều định hướng chủ trương trong các ngành kinh tế nhưng vấn đề nhìn nhận tổng thể để gắn kết, đồng bộ vẫn chưa thực sự tiếp cận thực tế. Do đó, việc lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp tại diễn đàn sẽ tạo ra lộ trình thực hiện các chủ trương để thực hiện các kế hoạch một cách phù hợp và đi vào thực tế, ông Nguyễn Đức Hiển nhận định.

Nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung trong phát triển các mô hình kinh tế mới, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng các kế hoạch, chủ trương về các mô hình kinh tế mới cần được gắn kết một cách đồng bộ. Các lộ trình thực hiện cần được cụ thể, tránh việc chồng chéo về chính sách và bám sát với thực tiễn nền kinh tế.

“Các chính sách tại nhiều lĩnh vực mặc dù đã được ban hành nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của doanh nghiệp, để thúc phát triển kinh tế các yêu cầu về thể chế vẫn là vấn đề cần hoàn thiện” - ông Nguyễn Đức Hiển nhận xét.

Theo chương trình, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã trình bày các tham luận đề cập nhiều thông tin quan trọng về xu hướng chuyển dịch, phát triển các mô hình kinh tế mới trên thế giới và tại Việt Nam.

Đồng thời qua diễn đàn, các chuyên gia doanh nghiệp đã cùng trao đổi, chia sẻ các mô hình, cách làm mới trong sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy các nền kinh tế mới phát triển.

Ngay sau diễn đàn đã diễn ra lễ Khai mạc chương trình 20 năm thương hiệu mạnh Việt Nam (2003-2023), công bố và vinh danh Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022-2023.

TOP 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2023 công bố và vinh danh các thương hiệu: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Masan, Tập đoàn Trường Hải, Tập đoàn FPT.

Nhân kỷ niệm 20 năm chương trình, ban tổ chức cũng vinh danh 5 doanh nhân xuất sắc với các dấu ấn thành công nổi bật là: ông Nguyễn Đoàn Thăng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông; bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG; ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO; bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam; bà Lê Thị Thu Thủy - Tổng giám đốc VinFast toàn cầu.

D.A

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-mo-hinh-kinh-te-moi-la-dong-luc-cho-tang-truong-va-phat-trien-ben-vung-137148.html