Các hành vi sẽ bị xử phạt hành chính ở vùng biển, đảo và thềm lục địa

Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 105/2022/TT-BQP hướng dẫn thực hiện một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam; xử phạt VPHC trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các hành vi vi phạm quy định về treo Quốc kỳ

Cụ thể, Thông tư 105/2022/TT-BQP hướng dẫn cụ thể về hành vi vi phạm các quy định về treo Quốc kỳ Việt Nam và treo cờ quốc tịch quy định tại Điều 7 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 23/2017/NĐ-CP là hành vi không thực hiện đúng các quy định về treo cờ đối với tàu thuyền tại cảng biển theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Nghị định 58/2017/NĐ-CP (quy định về quản lý hoạt động hàng hải); về treo Quốc kỳ trên tàu biển Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Nghị định 58/2017/NĐ-CP và treo cờ quốc tịch và treo Quốc kỳ Việt Nam đối với tàu thuyền nước ngoài khi hoạt động trong khu vực biển giới biển theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 71/2015/NĐ-CP.

Về các hành vi vi phạm các quy định về đi qua không gây hại trong lãnh hải quy định tại Điều 5 Nghị định 162/2013/NĐ-CP, Thông tư quy định: hành vi dừng lại, neo đậu trái phép trong lãnh hải Việt Nam là hành vi của tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam nhưng dừng lại hoặc neo đậu trong lãnh hải Việt Nam mà không phải do gặp sự cố hàng hải, sự cố bất khả kháng, gặp nạn hoặc vì mục đích cứu giúp người, tàu thuyền hay tàu bay đang gặp nạn.

Hành vi đi vào vùng cấm hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam là hành vi của tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam đã đi vào vùng cấm hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam do Chính phủ Việt Nam thiết lập để bảo vệ chủ quyền, quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia hoặc an toàn hàng hải, bảo vệ tài nguyên, sinh thái biển, chống ô nhiễm, khắc phục sự cố, thảm họa môi trường biển, phòng chống lây lan dịch bệnh mà chưa được Nhà nước CHXHCN cho phép. Vùng cấm, vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam được quy định tại Luật biển Việt Nam năm 2012, Nghị định 16/2018/NĐ-CP, Nghị định 71/2015/NĐ-CP, Thông tư 162/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng.

Đồng thời, Thông tư cũng hướng dẫn rõ hành vi vi phạm các quy định về xâm phạm vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam quy định tại khoản 3 Điều 8, Điều 9, Điều 11, khoản 6 Điều 13 Nghị định 162/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 27/2022/NĐ-CP là các hành vi của cá nhân, tổ chức nước ngoài sử dụng, điều khiển tàu thuyền hoặc phương tiện khác đi vào và thực hiện các hoạt động điều tra, thăm dò, nghiên cứu khoa học tài nguyên biển; hoạt động du lịch; khai thác, mua, bán thủy sản; xây dựng, lắp đặt, sử dụng các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trong vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chưa được Nhà nước CHXHCN Việt Nam cho phép theo quy định của pháp luật.

Thuyền viên không mang theo chứng chỉ chuyên môn

Đối với nhóm hành vi thuyền viên làm việc trên tàu, thuyền không có hoặc không mang theo các loại chứng chỉ chuyên môn theo quy định tại Thông tư 03/2020/TT-BGTVT và các văn bản pháp luật có liên quan, Thông tư hướng dẫn: Về hành vi vi phạm về sổ thuyền viên là hành vi thuyền viên làm việc trên tàu thuyền không có hoặc không đầy đủ sổ thuyền viên theo quy định tại Thông tư 23/2017/TT-BGTVT quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.

Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ hành vi vi phạm các quy định về an toàn sinh mạng trên biển; vi phạm các quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ đối với tàu biển quy định tại Điều 18 Nghị định 162/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 37/2022/NĐ-CP và Nghị định 162/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 37/2022/NĐ-CP.

Theo đó, các trang thiết bị an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển (bao gồm các phương tiện cứu sinh, phòng cháy, phát hiện và chữa cháy) được lắp đặt trên tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa được quy định tại Quyết định 59/2005/QĐ-BGTVT quy định về trang thiết bị an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển lắp đặt trên tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa. Hành vi không bố trí đủ định biên an toàn tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 162/2013/NĐ-CP là hành vi không bố trí đủ định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam theo quy định tại Thông tư 03/2020/TT-BGTVT và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Thông tư 105/2022/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/2/2023.

Thương Thương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cac-hanh-vi-se-bi-xu-phat-hanh-chinh-o-vung-bien-dao-va-them-luc-dia-post464733.html