Các gã khổng lồ công nghệ tại Silicon thi nhau giảm chi phí, nhiều dự án bỏ dở
Dù nhiều tham vọng nhưng hiện nay có rất nhiều dự án của các ông lớn công nghệ có tỷ lệ rủi ro lớn hoặc đòi hỏi sự kiên nhẫn quá cao sẽ bị thu nhỏ quy mô hoặc dừng hẳn…
Các ông lớn như Google, Meta, Microsoft hay Amazon đều có nhiều tham vọng với các dự án khác nhau gọi chung là “moonshots”, tức là những dự án hoạch định lâu dài với chu kỳ dài, đầu tư lớn và tiền chậm. Chẳng hạn như đầu tư vào công nghệ máy bay không người lái, kéo dài tuổi thọ của con người,... Tuy nhiên, do áp lực từ việc phải giảm chi phí nên nhiều ông lớn tại thung lũng Silicon đã buộc phải thu nhỏ quy mô hoặc dừng hẳn những dự án có rủi ro cao hay đòi hỏi sự kiên nhẫn lớn.
Tám năm trước, những người đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin thông báo rằng họ đã tách từng mảng thành công ty con và đặt tên cho công ty mẹ là Alphabet. Họ muốn tách hoạt động kinh doanh cốt lõi của Google là quảng cáo ra khỏi các dự án phụ cần nhiều thời gian để phát triển.
Tuy nhiên, đến nay những dự án phụ ấy vẫn chưa thành công và doanh thu của Google phần lớn vẫn dựa vào quảng cáo. Google đã phải đóng cửa gần hết các “moonshots” của mình, từ bóng bay internet tới kính áp tròng đo lượng đường trong máu. Đến cả Waymo, một dự án xe tự lái nổi tiếng và Verily, công ty khởi nghiệp y tế của Google cũng đang phải đứng trước rất nhiều áp lực.
Verily là một trong số ít các dự án liên quan đến chăm sóc sức khỏe mà công ty đã triển khai trong nhiều năm, bao gồm nhiều chủ đề, ví dụ nuôi muỗi vô trùng để giảm các bệnh do côn trùng truyền và giúp điều hành các trung tâm xét nghiệm vi-rút corona sớm trong đợt bùng phát. Khi Google thông báo sa thải vào tháng 1 năm nay, Verily đã bị ảnh hưởng rất nhiều, sa thải tới 15% lực lượng lao động.
Hay như Area 120, nơi từng được coi là “lò ấp” startup nội bộ của Google cũng gần như mất hết nhân sự và đóng cửa hoàn toàn. Bộ phận này từng được coi là một trong những dấu ấn của Google, vì nơi đây cho phép nhân viên dành thời gian cho các dự án ngoài công việc thường ngày của họ, thậm chí đôi khi ở lại với công ty để bắt đầu các công ty khởi nghiệp.
Mới đây, Waymo cũng công bố đợt sa thải thứ hai, với 8% nhân viên công ty bị buộc thôi việc. Đây có thể coi như là một ví dụ mới nhất về việc các công ty công nghệ lớn phải đối mặt với thực tế rằng thời đại “moonshots” sắp kết thúc.
Roger McNamee, một nhà đầu tư mạo hiểm kỳ cựu và là một trong những nhà đầu tư của Facebook, chia sẻ: “Các ông lớn công nghệ luôn nghĩ những gì mình thực hiện đều hữu ích, nhưng thực chất không phải vậy. Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc tiếp tục thua lỗ. Các khoản đầu tư cần thiết để chi tiêu cho dự án ngày càng khó kiếm hơn và các công ty lớn ấy đang cố gắng bảo vệ hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ, do đó bạn sẽ thấy họ đang lần lượt cắt giảm và loại bỏ các dự án moonshots”.
Có thể nói, việc từ bỏ những dự án ấy đồng nghĩa với việc bọn họ đang bước vào một giai đoạn khác trong hành trình. Đã hai thập kỷ trôi qua kể từ khi bước sang thiên niên kỷ mới, Google, Facebook và Amazon đều nhanh chóng phát triển từ những công ty mới thành lập vươn lên thành ông lớn công nghệ, vượt qua sự cân bằng của những người đi trước.
Nguyên tắc “phát triển nhanh và phá vỡ mọi thứ” cùng với hàng tỷ USD đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư tại thung lũng Silicon, đã giúp họ phát triển thành những gã khổng lồ đứng đầu ngành theo đúng nghĩa. Nhưng đối với họ, sự xuất hiện của những công ty khởi nghiệp mới luôn là mối đe dọa gián đoạn hiện hữu. Chính vì vậy, việc tạo thêm không gian phát triển các ý tưởng mạo hiểm là giải pháp hoàn hảo để tránh khỏi sự trì trệ của các công ty lớn.
Chẳng hạn như khi Google ra mắt công chúng vào năm 2004, Page và Brin đã gửi thư tới các nhà đầu tư tiềm năng và nói với họ rằng không nên chỉ tập trung vào tài chính như phần lớn các công ty đại chúng khác. Đồng thời hai nhà sáng lập cũng tạo ra Google X, một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu những ý tưởng kỳ lạ nhất và mạo hiểm nhất.
Những gã khổng lồ công nghệ thực sự đã gặt hái được thành công trong việc giữ vững vị thế, nhưng không phải lúc nào sự đổi mới sáng tạo của họ cũng nảy sinh từ trong nội bộ. Các ông lớn như Apple, Google, Facebook và Amazon đều đã thực hiện hàng trăm thương vụ mua lại trong hơn 20 năm qua, nhằm mục tiêu vào cả những đối thủ cạnh tranh tiềm năng lớn và triển vọng. Từ hệ điều hành Android của Google, mảng kinh doanh quảng cáo di động của Facebook tới đế chế sách nói của Amazon đều được bắt đầu bằng việc mua lại.
Vào tháng 10/2022, một tháng trước khi thông báo sa thải, Amazon bắt đầu đóng cửa vườn ươm khởi nghiệp nội bộ, Grand Challenges. Trưởng nhóm Babak Parviz, người đã rời Google X và gia nhấp Amazon vào 2014 cho biết, hầu hết các dự án đều bị bỏ dở, bao gồm cả Amazon Glow, một thiết bị máy chiếu dành cho trẻ em hay Amazon Explore, một sản phẩm du lịch ảo. Ngoài ra, Amazon cũng đã đóng cửa Amazon Care trong vườn ươm Grand Challenges vào tháng 8/2022, chuyển sang mua lại công ty khởi nghiệp One Medical.
Dù cho nhận được nhiều khoản đầu tư lớn nhưng một số dự án đầy tham vọng của Amazon vẫn thất bại. Bezos đã gây chú ý vào năm 2013 khi ông thông báo rằng Amazon đã thử nghiệm máy bay giao hàng không người lái. Nhưng 10 năm sau, Bezos rời vị trí và hoạt động kinh doanh máy bay không người lái của Amazon bị cản trở bởi thủ tục hành chính quan liêu và hầu như không cung cấp bất kỳ dịch vụ giao hàng thực tế nào.
Hiện nay, các công ty khởi nghiệp như OpenAI và Stability AI đã giới thiệu sản phẩm của họ ra công chúng, thu hút một làn sóng chú ý về tiếp thị và khiến mọi người ngạc nhiên với những công cụ mới này. Nhưng trên thực tế, hầu hết công nghệ đằng sau những công cụ này đều đến từ những ý tưởng trước đó của các công ty công nghệ lớn.
Microsoft đã ký một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với OpenAI để sử dụng công nghệ của OpenAI trong chatbot tìm kiếm Bing của mình. Google và Facebook cũng đang gấp rút triển khai các công nghệ tương tự của riêng họ và vượt qua các rào cản đã được đặt ra trong quá khứ để đảm bảo công nghệ mạnh mẽ này an toàn để sử dụng trước khi phát hành ra công chúng.
Về phần Meta, công ty mẹ của Facebook, họ vẫn đang đặt cược đầu tư hàng tỷ USD vào xây dựng thế giới ảo Metaverse, mặc dù nó đã không còn thu hút sự chú ý như trước. Mặc dù vậy, Zuckerberg cũng buộc phải cắt giảm chi phí và tập trung vào đội ngũ nhân viên với các mục tiêu kinh doanh hàng đầu. Trong năm qua, Meta đã cắt giảm đầu tư hoặc thậm chí ngừng hỗ trợ phát triển hoàn toàn cho một số sản phẩm và dịch vụ
Đầu năm nay, Zuckerberg tuyên bố năm 2023 là "năm hiệu quả", hứa hẹn sẽ hợp lý hóa hoạt động quản lý và tăng tốc quá trình ra quyết định của công ty.
Đây có thể coi như một sự thay đổi lớn trong văn hóa của ngành công nghệ. Trong ngành công nghệ, nhân viên nhảy việc từ những công việc được trả lương cao tại các công ty công nghệ lớn sang những công ty khởi nghiệp rủi ro hơn, coi đó là điều hiển nhiên rằng họ có thể quay lại nếu các công ty nhỏ hơn không hoạt động tốt.