Các cổ đông lớn cần gì ở PV Machino (PVM)?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vừa tổ chức, CTCP Máy và thiết bị dầu khí (PV Machino, mã PVM) đã bầu lại Hội đồng quản trị với sự tham gia của 2 thành viên mới đều là cổ đông lớn: CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ và điều này đã gây chú ý.

Trả lời cổ đông xung quanh dư luận thị trường về việc “công ty của bầu Hiển tham gia vào Hội đồng quản trị PVM”, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc SHS nói rằng, đây là khoản đầu tư của SHS, không phải của cá nhân ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty và cho biết, SHS nhận thấy tiềm năng của PVM nên mong muốn đóng góp vào sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Tiến không đề cập đến dự định của SHS tại PVM, nhất là các thông tin liên quan tới các khu đất, dự án bất động sản của công ty này.

Được biết, PVM có vốn điều lệ 386 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ đông, Nhà nước nắm giữ 51,6% vốn do Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) làm đại diện, SHS nắm giữ 10,6% và Bảo Việt Nhân thọ sở hữu 17%.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính, PVM có 2 lợi thế đáng kể bao gồm ưu thế về đất đai và phần góp vốn liên doanh. Về đất đai, PVM đang quản lý và sử dụng 1.827,69 m2 đất tại số 8 Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) và 1.500 m2 đất tại 25 đường Hùng Vương - Trần Phú - Móng Cái - Quảng Ninh (Trung tâm thương mại và dịch vụ Móng Cái).

Khu đất tại số 8 Tràng Thi đã hết hạn từ tháng 10/2016. Do Hà Nội đang trong quá trình rà soát lại quỹ nhà chuyên dùng nên Công ty chưa ký được gia hạn hợp đồng thuê nhà, đất. PVM đang bám sát Công ty TNHH Quản lý và phát triển nhà Hà Nội để ký tiếp hợp đồng.

Khu đất 2,36 ha tại Đông Anh, Hà Nội đã có dự án từ năm 2013, nhưng bị kéo dài do việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. PVM hiện đang cho thuê khu đất này và đã có chủ trương chấm dứt hợp tác với CTCP Đầu tư tài chính Thành Việt để nghiên cứu phương án đầu tư phù hợp hơn.

PVM cũng có 10% cổ phần trong dự án HH3 tại Nam An Khánh (cổ đông chi phối là PVComBank) và một số miếng đất nhỏ, được gán nợ khi thu hồi công nợ.

PVM có 3 liên doanh gồm Công ty TNHH FCC Việt Nam, Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki, Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô Showa Việt Nam. Các liên doanh này hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ, chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, xe chuyên dụng và các loại máy khác, hàng năm mang lại cho Công ty số cổ tức tiền mặt khoảng từ 70 - 100 tỷ đồng.

Sự có mặt của SHS và Bảo Việt Nhân thọ trong Hội đồng quản trị PVM khiến cổ đông càng quan tâm đến kế hoạch thoái vốn Nhà nước. Trả lời cổ đông, ông Phạm Văn Hiệp, người đại diện 15,58% vốn cho PV Power nói rằng: “Việc thoái vốn đề nghị hỏi PV Power, tôi không được biết và không có quyền nói”.

Các đại diện khác của PV Power cũng phát biểu tại Đại hội, nhưng đều không nhắc đến câu chuyện thoái vốn. Theo Bản công bố thông tin IPO của PV Power khi cổ phần hóa năm 2018, Công ty mẹ PV Power sẽ thoái toàn bộ vốn tại PVM. Tuy nhiên, PV Power vẫn chưa lựa chọn được thời điểm thoái vốn để được mức giá tốt.

Ngoài hoạt động kinh doanh, câu chuyện thu hồi công nợ tiếp tục là tâm điểm của PVM. Chủ tịch Hội đồng quản trị PVM Phạm Văn Hiệp cho biết, trong những năm qua, Công ty đã thu hồi khoảng 50% số nợ phải thu khó đòi.

PVM từng trải qua giai đoạn khó khăn khi công nợ khó đòi lên tới khoảng 500 tỷ đồng. Sau đó, Công ty dần trích lập dự phòng và tích cực thu hồi nợ. Theo báo cáo tài chính năm 2019, tính đến 31/12/2019, PVM có 237 tỷ đồng trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.

Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Hiệp cho biết khoảng 2 năm nay, việc thu hồi công nợ gặp khó khăn hơn. Thứ nhất là khoản nợ khoảng 40-50 tỷ đồng trong ngành dầu khí không có bảo lãnh. Thời gian tới, có thể phải đưa vụ việc ra tòa án để giải quyết. Về công nợ có bảo lãnh, có 2 khoản lớn nhất tổng cộng gần 130 tỷ đồng được bảo lãnh bởi 2 ngân hàng. Công ty đã khởi kiện dân sự nhưng tòa án còn chờ kết quả giải quyết hình sự, nên Công ty cũng phải chờ.

Cổ đông chốt việc PVM chuyển sàn

Kết thúc năm 2019, PVM đạt gần 1.771 tỷ đồng tổng doanh thu và 43 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 40% và 24% so với thực hiện năm 2018. Công ty trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 8% bằng tiền mặt.

Năm 2020, PVM đặt mục tiêu đạt 1.500 tỷ đồng tổng doanh thu và 42 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 15% và 4% so với kết quả năm 2019. Giảm chỉ tiêu kinh doanh, nhưng PVM dự kiến tăng mức trả cổ tức lên 10% trong năm nay.

Về các nội dung trình đại hội, chủ trương chuyển giao dịch cổ phiếu từ sàn UPCoM sang niêm yết trên sàn HOSE nhanh chóng được 100% cổ đông thông qua, nhưng nội dung về bổ sung ngành nghề thủy điện, điện gió lại nhận được ý kiến e ngại từ cổ đông. Một cổ đông cho rằng, PVM cần cẩn trọng khi đầu tư vào lĩnh vực mới, đặc biệt là thủy điện vốn có nhiều rủi ro về thời tiết.

Bùi Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cac-co-dong-lon-can-gi-o-pv-machino-pvm-post240593.html