Các Bộ được yêu cầu góp ý một số vấn đề của Quy hoạch điện VIII
Văn phòng Chính phủ đề nghị các Bộ có ý kiến trước 12h ngày 28/7/2022 về các nội dung của Quy hoạch điện VIII được Bộ Công thương xin ý kiến Thường trực Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ ngày 26/7/2022 đã có gửi công văn đến các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Công an, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ đề nghị góp ý về một số nội dung liên quan Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) được Bộ Công thương gửi Thường trực Chính phủ tại văn bản số 4329/BCT-ĐL ngày 25/7/2022.
Cụ thể, căn cứ theo Khoản 5, Điều 30 Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành tại Nghị định 39/2022/NĐ-CP, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, đề nghị các Bộ/ngành có ý kiến về báo cáo của Bộ Công thương đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ/cơ quan, gửi về Văn phòng Chính phủ trước 12h00 ngày 28/7/2022 để tổng hợp báo cáo Thường trực Chính phủ theo quy định.
Trước đó, tại văn bản 4329/BCT-ĐL đã xin ý kiến Thường trực Chính phủ về loại bỏ một số dự án nhiệt điện than không còn phù hợp trong Quy hoạch điện VIII nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam tại COP26.
Với các dự án điện mặt trời, Bộ Công thương đề nghị tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 các dự án/phần dự án đã được quy hoạch, chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành với tổng công suất 2.428,42 MW. Việc đẩy lùi các dự án này ra sau năm 2030 sẽ gặp phải những rủi ro về mặt pháp lý và kinh phí đền bù cho các nhà đầu tư.
Dẫu vậy, các dự án này cũng được yêu cầu phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thu của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện; tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của dự án theo cơ chế được duyệt. Sau này, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện sau phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiệm trọng thậm chí rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Ngoài 2.428,42 MW được đề xuất bổ sung vào giai đoạn đến năm 2030, các dự án điện mặt trời chưa được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136,25 MW cũng được đề nghị xem xét giãn sang giai đoạn sau năm 2030 để đảm bảo tỷ lệ hợp lý của các nguồn điện năng lượng tái tạo trong hệ thống. Trường hợp cần thiết xem xét, báo cáo Chính phủ cho phép đẩy lên giai đoạn trước năm 2030 nếu các nguồn khác chậm tiến độ để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tranh thủ mức giá ngày càng rẻ của điện mặt trời.
Bộ Công thương cũng nhận thấy Quy hoạch điện VIII cơ bản phù hợp, không vi phạm với mục tiêu nêu tại Nghị quyết 55-NQ-/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2045 với 3 tiêu chí, nên cũng xin ý kiến Thường trực Chính phủ về vấn đề này.
Bộ Công thương cũng kiến nghị Thường trực Chính phủ xem xét thông qua đề án Quy hoạch điện VIII với cơ cấu nguồn đến năm 2030 trong cả 2 trường hợp là có hoặc không bổ sung 2.428.42 MW điện mặt trời vào vận hành trước năm 2030.