Ca trực nơi hỏa thiêu người mất vì Covid-19, 'ai cũng về đúng nhà'

Chăm lo tro cốt cho bà con mất vì Covid-19, ngoài việc xác định là nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ còn làm bằng tình thương và niềm tin tâm linh. Ai cũng quyết tâm đảm bảo không xảy ra bất kỳ nhầm lẫn nào.

Sợ đến không dám mở mắt ra nhìn

9h30 sáng ngày cuối năm 2021, đoàn xe chở thi thể nạn nhân tử vong vì Covid-19 đỗ trước khu vực hỏa táng ở nghĩa trang chính sách TP.HCM (huyện Củ Chi). Trung úy Nguyễn Tấn Lộc, Đội công tác đặc biệt, Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh TP.HCM chỉ huy kíp trực tiếp nhận thi thể.

Anh kiểm tra sổ sách, đối chiếu tên nạn nhân trước khi đồng ý cho các chiến sĩ trẻ đưa thi thể vào chiếc áo quan đã được chuẩn bị sẵn. Khi các thông tin đều trùng khớp, 5 chiến sĩ đưa thi thể người quá cố vào áo quan.

Các chiến sĩ tiếp nhận thi thể người mất vì Covid-19 để lo hỏa táng. Ảnh: Thanh Tùng

Các chiến sĩ tiếp nhận thi thể người mất vì Covid-19 để lo hỏa táng. Ảnh: Thanh Tùng

Bằng những động tác nhanh gọn, thuần thục, các chiến sĩ đóng nắp quan tài, bọc lại bằng một lớp bao nilon rồi cùng ghé vai, khiêng áo quan đến khu lò thiêu. Trong khi những đồng đội đẩy chiếc quan tài vào lò thiêu, một chiến sĩ đứng ghi tên tuổi, địa chỉ của người mất lên tờ giấy và dán trước lò để tránh nhầm lần.

Lò thiêu đóng sập cửa, các chiến sĩ trở về lán trại của mình. Họ lặng im, chờ đợi quá trình hỏa thiêu kết thúc. Công đoạn tiếp theo là lấy tro cốt đưa vào hũ sành, đặt vào hộp giấy có ghi đầy đủ thông tin người mất và thành kính thắp một nén nhang.

Thời kỳ cao điểm dịch của TP.HCM, những container này được dùng để bảo quản thi thể khi việc hỏa thiêu không kịp. Ảnh: Thanh Tùng

Thời kỳ cao điểm dịch của TP.HCM, những container này được dùng để bảo quản thi thể khi việc hỏa thiêu không kịp. Ảnh: Thanh Tùng

Ít tháng trước, khi TP.HCM ở vào thời kỳ đỉnh dịch, không khí ở đây nặng nề, lo sợ bao trùm khuôn viên nhà hỏa thiêu. Hầu hết, các chiến sĩ đều sợ hãi trước công việc quá đặc biệt này.

Trung úy Lộc kể: “Anh em lúc đầu có biểu hiện sợ, không dám mở mắt ra nhìn. Sau nỗi sợ vô hình là cảm giác đau buồn, thương tâm. Khi thấy đồng bào mình tử vong quá nhiều, số lượng thi thể được các bệnh viện chở đến quá lớn, ai cũng đau xót, rơi nước mắt”.

“Lúc đó, những ai chưa thể ổn định tâm lý sẽ được giao nhiệm vụ đứng bên ngoài ghi sổ sách hoặc phụ giúp các công việc khác. Những chiến sĩ gan dạ hơn sẽ chủ động tiếp cận thi thể, vào trong các container lạnh bảo quản thi thể kiểm tra…”, anh nói thêm.

Trung úy Nguyễn Tấn Lộc là người chỉ huy trực tiếp công việc tại khu hỏa táng, sẵn sàng lăn xả cùng các chiến sĩ để lo hậu sự cho bà con. Ảnh: Thanh Tùng

Trung úy Nguyễn Tấn Lộc là người chỉ huy trực tiếp công việc tại khu hỏa táng, sẵn sàng lăn xả cùng các chiến sĩ để lo hậu sự cho bà con. Ảnh: Thanh Tùng

Thời điểm dịch căng thẳng, là người chỉ huy trực tiếp, Trung úy Lộc cũng dấn thân thực hiện nhiệm vụ để cổ vũ, động viên tinh thần các chiến sĩ trẻ. Khi xe chở thi thể đến, Lộc và ca trực xịt khuẩn kỹ lưỡng rồi đưa người đã khuất vào container lạnh bảo quản, chờ đến lượt hỏa táng.

Đó là giai đoạn cam go nhất. Các cán bộ, chiến sĩ của đội dẫu đã chia ca để trực nhưng vẫn gần như không được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Lực lượng cán bộ, chỉ huy luôn phải quan tâm, cổ vũ, quán triệt tinh thần các chiến sĩ.

Các chiến sĩ chuẩn bị đồ bảo hộ nhanh gọn để chuẩn bị xử lý thi thể được chuyển đến. Ảnh: Thanh Tùng

Các chiến sĩ chuẩn bị đồ bảo hộ nhanh gọn để chuẩn bị xử lý thi thể được chuyển đến. Ảnh: Thanh Tùng

Trung úy Lộc chia sẻ: “Mỗi đêm, sau khi các chiến sĩ hoàn thành ca trực, cán bộ, chỉ huy thường quan tâm, nắm bắt tinh thần, tâm tư của anh em. Sau những lần như thế, chúng tôi không thấy chiến sĩ nào mất ngủ cả”.

“Các cấp trên quán triệt tinh thần, anh em cũng hiểu vấn đề, suy nghĩ tích cực trong lúc thực hiện nhiệm vụ nên không ai bị ảnh hưởng về tâm lý. Chỉ sau ít thời gian, cơ bản anh em đều nhanh chóng thích nghi với công việc, đảm bảo không để xảy ra sai sót", Trung úy Lộc nói thêm.

Đảm bảo không xảy ra sai sót với bà con

Trước khi nhận nhiệm vụ đặc biệt này, cũng như nhiều chiến sĩ khác, Trung úy Lộc chỉ biết sự khốc liệt của đại dịch qua báo đài. Anh xót xa với những câu chuyện các bé mất cả cha lẫn mẹ vì dịch bệnh, người ra đi không có ai bên cạnh tiễn đưa…

Khi đến nghĩa trang làm việc, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào ra đi vì dịch quá nhiều, Lộc xót xa đến rơi nước mắt. “Đó là những em nhỏ vì có bệnh nền, cơ thể yếu nên không vượt qua được. Thương tâm nhất là các trường hợp thai phụ không thể thắng được cuộc chiến nghiệt ngã, cả mẹ lẫn con đều ra đi”, anh tâm sự.

Mỗi khi lo xong phần tro cốt, các chiến sĩ lại thắp nén nhang cho bà con.

Mỗi khi lo xong phần tro cốt, các chiến sĩ lại thắp nén nhang cho bà con.

Thế rồi, Lộc và các chiến sĩ trẻ quyết tâm biến những đau thương thành sức mạnh ý chí. Các thành viên Đội công tác đặc biệt đều ý thức được tính chất quan trọng của công việc mình đang làm.

Ai cũng tâm niệm rằng mình đang thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, thiêng liêng. Thế nên, toàn đội luôn làm việc bằng cả cái tâm, xem việc lo tro cốt cho các nạn nhân như chăm lo cho chính người thân của mình.

Trung úy Lộc nói: “Chúng tôi nhận nhiệm vụ tại đây từ 23/8 và chắc chắn bàn giao chính xác tro cốt người đã khuất về cho gia đình, không có sự nhầm lẫn. Bởi, ngoài việc xác định đây là nhiệm vụ phải hoàn thành, anh em chiến sĩ còn làm bằng tình thương và niềm tin tâm linh".

Khu hỏa thiêu nghĩa trang chính sách TP.HCM hiện có 12 lò thiêu. Mỗi ca thực hiện khoảng 2 tiếng. Ảnh: Thanh Tùng

Khu hỏa thiêu nghĩa trang chính sách TP.HCM hiện có 12 lò thiêu. Mỗi ca thực hiện khoảng 2 tiếng. Ảnh: Thanh Tùng

Chia sẻ về những băn khoăn "liệu có sự nhầm lẫn", Trung úy Lộc một lần nữa nhấn mạnh: "Với niềm tin tâm linh, không ai muốn và dám để xảy ra sai sót với bà con, với người đã khuất. Thế nên, dù phải xử lý một lượng lớn thi thể ở thời điểm đỉnh dịch, cán bộ, chỉ huy Đội công tác đặc biệt khẳng định, không có bất kỳ sai sót, nhầm lẫn nào trong việc hỏa táng các nạn nhân”.

Các chiến sĩ trực tiếp thực hiện công việc này cho biết, trước khi chở thi thể đến, bệnh viện đã có mã định tên. Khi tiếp nhận, đội tiếp tục vừa ghi tên nạn nhân, ngày mất thủ công bằng bút lông vừa quét mã code.

Việc lưu tên tuổi các nạn nhân được thực hiện tỉ mỉ, bằng cả thủ công và công nghệ nên các chiến sĩ khẳng định không có chuyện nhầm lẫn. Ảnh: Thanh Tùng

Việc lưu tên tuổi các nạn nhân được thực hiện tỉ mỉ, bằng cả thủ công và công nghệ nên các chiến sĩ khẳng định không có chuyện nhầm lẫn. Ảnh: Thanh Tùng

Lúc tiến hành đưa thi thể đi hỏa thiêu, ca trực kiểm tra, đối chiếu lại một lần nữa. Trên các lò thiêu cũng ghi tên thi thể chuẩn bị được đưa vào. Công tác hỏa thiêu chỉ bắt đầu khi các thông tin trên áo quan, lò thiêu và trong sổ trùng khớp.

“Không có chuyện thiếu tên tuổi hay không trùng khớp mà vẫn được đưa vào lò hỏa thiêu. Do đó, việc nhầm lẫn rất khó xảy ra. Hiện tại, có thể đảm bảo 100% người đã khuất được hỏa táng đã về đúng nhà mình”, Trung úy Lộc khẳng định.

Cũng theo anh, hiện nay, TP.HCM đã qua đỉnh dịch, mỗi ngày đội tiếp nhận và hỏa thiêu khoảng 20-30 nạn nhân. Cơ bản, đội không phải thực hiện quy trình trữ lạnh thi thể, mà tiếp nhận, xử lý chu toàn trong ngày.

Nguyễn Sơn - Thu Anh - Tùng Tin

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ca-truc-noi-hoa-thieu-nguoi-mat-vi-covid-19-ai-cung-ve-dung-nha-802687.html