Bước tiến từ quy định mới về lấy phiếu tín nhiệm
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định mới tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, không chỉ quan trọng với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, mà còn có thể tạo ra những tác động lâu dài đến đời sống chính trị ở nước ta.
Phiếu tín nhiệm
Cho dù ở bất kỳ hệ thống chính trị nào thì lá phiếu tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện sự đánh giá, quan điểm, thái độ chính trị đối với người đang đảm nhiệm vị trí nào đó trong cơ quan quyền lực Nhà nước.
Thông thường, các nước chỉ áp dụng hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm (hoặc bãi miễn) với Thủ tướng hoặc Tổng thống, và mỗi lá phiếu sẽ chỉ có hai lựa chọn: Ủng hộ hoặc Không ủng hộ. Quy trình bỏ phiếu bất tín nhiệm tuân thủ nguyên tắc đa số, và nếu người được đưa ra bỏ phiếu nhận được số phiếu bất tín nhiệm (Không ủng hộ) vượt quá quy định thì sẽ phải rời khỏi vị trí đang đảm nhiệm.
Ở nước ta, quy trình liên quan đến phiếu tín nhiệm cho thấy sự thận trọng hơn, có thể chia thành hai bước trước khi đi đến quyết định miễn nhiệm: lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Thực chất, lấy phiếu tín nhiệm là một động thái thăm dò uy tín chính trị, cho nên mỗi lá phiếu sẽ có ba mức đánh giá: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Theo Nghị quyết số 96/2023/QH15, nếu tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp ở bước 1 này vượt quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá thì sẽ trở thành một căn cứ để tiến hành bước thứ hai là bỏ phiếu tín nhiệm. Thủ tục tiến hành miễn nhiệm sẽ được thực hiện với những người có số phiếu tín nhiệm thấp tại bước 1 (lấy phiếu) vượt 2/3 hoặc những người nhận được quá 50% số phiếu không tín nhiệm tại bước 2 (bỏ phiếu).
Không thể phủ nhận trong những năm gần đây, Quốc hội nước ta đã có những nỗ lực đổi mới mạnh mẽ nhằm gia tăng chất lượng hoạt động. Trong đó, đáng chú ý nhất là hoạt động chất vấn công khai tại diễn đàn Quốc hội, từ lâu đã được coi là một điểm sáng trong đời sống chính trị.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, việc áp dụng những quy định mới về lấy phiếu tín nhiệm không chỉ khiến việc lấy phiếu trở nên “khắc nghiệt” hơn, mà còn có thể tạo thêm một điểm sáng mới cho Quốc hội, đó là thúc đẩy những bước tiến về thực hiện trách nhiệm giải trình, giám sát và thực hành dân chủ.
Theo đó, một khả năng dễ thấy nhất là các chức danh quyền lực Nhà nước sẽ không thể chỉ có “lên mà không xuống” như trước đây. Vì thế, một cách khách quan và công tâm, lấy phiếu tín nhiệm chính là một minh chứng mới về sự phát triển chính trị ở nước ta theo hướng dân chủ, minh bạch hóa. Cũng bởi thế, cần chú ý đến những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Những yếu tố ảnh hưởng
Mặc dù các đại biểu Quốc hội là những đại diện chính trị, phải hành xử theo ý chí và nguyện vọng của cử tri, nhưng việc ghi phiếu lại là hành vi cá nhân. Do đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thuộc về cá nhân, điều kiện thể chế và bối cảnh xã hội. Trong số đó, các yếu tố có thể có nhiều ảnh hưởng nhất, bao gồm:
Thứ nhất, sự thể hiện trong công việc của những người đảm nhận các chức danh được lấy phiếu. Thách thức đặt ra là các đại biểu có đầy đủ thông tin về kết quả công việc, đủ khả năng phân tích và đánh giá thấu đáo, và thực sự duy lý trong hành vi ghi phiếu hay không. Nếu đại biểu thiếu thông tin, thông tin không chính xác, hay coi nhẹ kết quả công việc dựa trên bằng chứng thì việc ghi phiếu dễ bị thiên lệch bởi những yếu tố ngoài công việc.
Thứ hai, vấn đề lợi ích. Thách thức đặt ra là các đại biểu cần phải đặt lợi ích chung của cử tri, của đất nước lên trên các lợi ích cá nhân, Bộ/Ngành, địa phương khi ghi phiếu. Bất kỳ sự xuất hiện của tư duy lợi ích cá nhân thiển cận hay lợi ích nhóm nào đó cũng đều sẽ có thể chi phối, làm giảm tính chính xác và mức độ công tâm của kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Thứ ba, cảm xúc và định kiến cá nhân. Vấn đề đặt ra, liệu các đại biểu có gạt bỏ được những cảm xúc yêu, ghét hay định kiến cá nhân sẵn có với ai đó khi tiến hành ghi phiếu hay không. Nếu để cảm xúc và định kiến cá nhân chi phối thì kết quả lấy phiếu sẽ chỉ thuần túy thể hiện quan điểm, thái độ của người ghi phiếu, mà không hẳn đã có mối liên hệ hoặc không phản ánh khách quan sự thể hiện trong công việc gắn với các chức danh được lấy phiếu.
Thứ tư, dư luận xã hội. Để lá phiếu thực sự công tâm, khách quan thì các đại biểu cũng phải có khả năng phân biệt các luồng dư luận xã hội, vốn hình thành theo tâm lý đám đông cho nên không nhất thiết đồng nghĩa với quan điểm, thái độ đúng đắn về việc gì đó. Lá phiếu duy lý đòi hỏi khả năng thẩm định thông tin, quan điểm từ các luồng dư luận khác nhau trong xã hội.
Thứ năm, quy định thể chế. Việc tiến hành lấy phiếu đồng loạt với tất cả các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng đặt các đại biểu trước thách thức phải có khả năng phân định rõ sự khác nhau về tính chất công việc giữa các nhóm cán bộ (Lập pháp, Hành pháp, Chủ tịch nước, Tòa án và Viện kiểm sát). Trên cơ sở đó, lá phiếu công tâm phải căn cứ vào những tiêu chí đánh giá khác nhau, phù hợp với từng nhóm chức danh được lấy phiếu.
Tác động dài hạn
Về lâu dài, một tác động tiềm năng từ các quy định mới trong Nghị quyết số 96/2023/QH15 là lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ có thể trở thành phương tiện thể chế, giúp cân bằng hơn mối quan hệ giữa ba nhánh quyền lực Nhà nước, cũng như mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.
Trước hết, vị thế của Quốc hội trong cấu trúc quyền lực Nhà nước sẽ được khẳng định thêm. Quốc hội không chỉ phê chuẩn, qua đó bảo đảm tính chính danh cho các chức danh quyền lực Nhà nước, hay các quyết sách của quốc gia, mà rất nhiều trong đó, theo truyền thống, được đề xuất từ nhánh Hành pháp.
Thay vào đó, thông qua quy trình lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ có thêm căn cứ để xem xét, đánh giá, và thậm chí bãi miễn chức danh nào đó mà không cần đợi đến hết nhiệm kỳ. Đây là một bước tiến bộ nếu xét đến truyền thống chính trị và hệ thống chính quyền ở nước ta từ lâu nay.
Cùng với đó, các quy định mới về phiếu tín nhiệm cũng giúp gia tăng quyền lực cho các địa phương. Cấu trúc tập trung và thống nhất quyền lực ở nước ta cho phép chính quyền trung ương có thể kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực của quốc gia, cũng như hoạt động của chính quyền địa phương.
Quyền lực trung ương sẽ linh hoạt, cân bằng hơn trong quan hệ với các địa phương, trong việc phân bổ các cơ hội và nguồn lực, trong phân cấp, phân quyền cho các chính quyền địa phương.
Nhìn về tương lai dài hạn, những quy định mới về lấy phiếu tín nhiệm sẽ có thể có những tác động tích cực đến đời sống chính trị ở nước ta. Quan trọng nhất, với hai tác động trong dài hạn nêu trên đây, lấy phiếu tín nhiệm có thể khiến cả cấu trúc quyền lực Nhà nước, từ trung ương xuống tới các địa phương, phải từng bước điều chỉnh hoạt động theo hướng hài hòa hơn, giảm bớt nguy cơ lạm quyền, gia tăng mức độ dân chủ.
Cũng nhờ đó, hệ thống quản trị quốc gia ở nước ta sẽ có thể từng bước hiện đại hóa, vận hành nhịp nhàng và ổn định hơn.