'Bước đệm' thu hút FDI hậu COVID-19

Việc Việt Nam nằm trong tốp 20 nền kinh tế dẫn đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xem là 'bước đệm' để chúng ta chuẩn bị từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tới hệ thống chính sách nhằm hấp dẫn dòng vốn này khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Mới đây, báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố cho thấy lần đầu tiên, Việt Nam lọt tốp 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới.

Vẫn chờ "làn sóng" đầu tư mới từ Mỹ, EU

Trong năm 2020, dẫn đầu tốp thu hút vốn FDI là Mỹ với 156 tỷ USD, Trung Quốc xếp vị trí thứ 2 với 149 tỷ USD, Hồng Kông (Trung Quốc) 149 tỷ USD, Singapore 94 tỷ USD... Việt Nam ở vị trí 19, tăng 5 bậc so với năm 2019 và cao hơn Nhật Bản ở vị trí thứ 20.

Việt Nam cần chuẩn bị tốt nhất để đón dòng vốn FDI dịch chuyển hậu COVID-19.

Dòng vốn FDI toàn cầu dự kiến sẽ chạm đáy vào năm 2021 và phục hồi một phần với mức tăng khoảng 10-15%. Điều này sẽ khiến vốn FDI thấp hơn khoảng 25% so với mức của năm 2019 và hơn 40% so với mức đỉnh gần đây vào năm 2016. Các dự báo hiện tại cho thấy sự gia tăng hơn nữa vào năm 2022 có thể đưa FDI trở lại mức năm 2019 là 1.500 tỷ USD.

Phân tích dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, đánh giá điểm sáng thu hút vốn FDI là lĩnh vực chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt 476 triệu USD, đứng thứ 4 trong số lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI. "Chúng tôi kỳ vọng đây là điểm tích cực trong thu hút FDI nhằm tái cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành có hàm lượng tri thức, chất xám cao hơn", ông Bình nhìn nhận.

Song vị chuyên gia này cũng cho rằng, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA - điều này góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Thông thường, triết lý thị trường đi trước sau đó đến đầu tư, nhưng điều này có độ trễ lớn trong tác động của FTA với đầu tư của Việt Nam. Theo đó, đến nay, Việt Nam vẫn chưa thấy có làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ khu vực EU, Mỹ tới Việt Nam.

Ông Bình cho biết, nhóm nghiên cứu của ông tính toán toàn bộ tổng vốn đầu tư nước ngoài từ các nước EVFTA, Mỹ, Anh chưa bằng tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay với hơn 1 tỷ USD.

Số liệu trên cho thấy, mục tiêu thu hút được vốn FDI chất lượng cao, công nghệ hiện đại từ các nền kinh tế phát triển trên thế giới là điều mà Việt Nam cần phải đẩy mạnh trong bối cảnh trong và sau đại dịch COVID-19.

Chuẩn bị để chớp thời cơ

Thực tế, ngay trong đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư châu Âu cho biết luôn có niềm tin lớn vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam. DN châu Âu vẫn tính tới việc duy trì hoặc tăng số lượng nhân viên cũng như kế hoạch đầu tư của họ.

Theo đó, 56% DN châu Âu dự đoán hiệu suất lao động sẽ được giữ nguyên hoặc cải thiện trong quý III/2021. 80% có kế hoạch duy trì hoặc gia tăng số lượng nhân viên và kế hoạch đầu tư của họ. Điều này cho thấy rằng, bất chấp những thách thức ngắn hạn, các DN châu Âu vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam.

Tuy nhiên, một trong những vướng mắc mà các nhà đầu tư châu Âu nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài phản ánh hiện nay đó là thời gian cách ly với chuyên gia nước ngoài quá lâu. Ông Nguyễn Hà Long, đại diện công ty Diana Unicharm, cho hay công ty này chuẩn bị lắp đặt dây chuyền mới nên cần chuyên gia sang để thực hiện và muốn giảm thời gian cách ly. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại cần phải cách ly tập trung 14 ngày, sau đó cách ly tại khách sạn 14 ngày nữa mới được đi làm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quỹ thời gian làm việc.

Đồng thời, các nhà đầu tư vẫn phản ánh so với nhiều nước thì Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố kém cạnh tranh như thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển...

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế đặt vấn đề về chiến lược thu hút FDI, cần gắn với việc nâng cao giá trị gia tăng cho Việt Nam. Xuất khẩu tăng nhưng giá trị gia tăng mà DN Việt Nam được hưởng không nhiều. "Samsung xuất khẩu điện thoại di động từ Việt Nam nhưng giá trị gia tăng ở lại ra sao, tỷ lệ này có nằm trong tay DN nội địa hay là ở các công ty sản xuất linh phụ kiện theo chân tập đoàn này vào Việt Nam", ông nói.

Đồng thời, chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam cũng đối mặt nhiều nguy cơ như Mỹ xem xét đưa Việt Nam vào danh sách nền kinh tế thao túng tiền tệ... Tất cả điều này cho thấy chúng ta cần có phân tích, nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng ứng phó của nền kinh tế trước các cú sốc, khu vực trong nước cần có sự liên kết chặt chẽ với khối FDI.

Theo các chuyên gia kinh tế, để chuẩn bị đón sóng FDI dịch chuyển tới Việt Nam hậu COVID-19 thì ngay lúc này chúng ta cũng cần tạo điều kiện để các nhà đầu tư, chuyên gia đến Việt Nam nắm bắt cơ hội, quyết định rót vốn để xây dựng nhà máy.

Mặt khác, đây cũng là thời điểm để Việt Nam chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, khu công nghiệp, hạ tầng... để thu hút được dòng vốn chất lượng cao. Ông Võ Sơn Điền, Giám đốc đầu tư nước ngoài Becamex IDC, cho rằng người nước ngoài đến Việt Nam, ban ngày họ là chuyên gia, chủ DN, nhưng ban đêm họ cũng là người bình thường. Do vậy, chúng ta phải đáp ứng được các điều kiện sống cho họ như chỗ ở, khu mua sắm, trường học cho con của họ.

Theo ông Điền, đó là phải xây dựng được hệ sinh thái thu hút FDI. Hiện nay, đa số DN đầu tư khu công nghiệp vì áp lực tài chính nên chủ yếu đầu tư hạ tầng cứng, còn hạ tầng xã hội thì không có. Khu công nghiệp không có quỹ đất làm chợ, bến xe, trường học, bệnh viện... Bởi vậy, khái niệm hạ tầng mềm và hạ tầng xã hội vẫn là câu hỏi hóc búa cần phải giải quyết để thu hút FDI trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Bích Lâm

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Trên cơ sở tham khảo cách thức thu hút dòng vốn FDI của các quốc gia khác trong bối cảnh đại dịch, Chính phủ cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút FDI và ngành lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện. Đặc biệt, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và thật sự có năng lực.

GS.TS. Nguyễn Mại

Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài

Việt Nam hiện nay chưa đáng lo ngại về khả năng giảm thu hút vốn FDI như vấn đề của một số quốc gia khác, nhưng phải có nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa để nâng cao chất lượng vốn nước ngoài. Muốn vậy, Việt Nam cần nâng cao trình độ nhân sự của các ban quản lý khu công nghiệp vì đây là cơ quan tham mưu và tư vấn cho các địa phương ra quyết định lựa chọn dự án đầu tư.

Ông Đỗ Nhất Hoàng

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT)

Nguyên nhân làm giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trong 6 tháng đầu năm là các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và các nước đối tác đang bị tạm dừng, hoặc nếu có vào được thì thủ tục cũng rất phức tạp nên phần nào hạn chế các nhà đầu tư mới vào Việt Nam để khảo sát, đưa ra quyết định đầu tư. Theo đó, hậu đại dịch COVID-19, những ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể nghiên cứu, chú ý là công nghiệp chế biến chế tạo, phát triển dịch vụ chất lượng cao, logistics.

Lê Thúy

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/buoc-dem-thu-hut-fdi-hau-covid-19-1079893.html