Bùng nổ tranh cãi về việc 'trẻ lớp 7 đạt IELTS 8.0'

Bài viết của người mẹ chia sẻ về hành trình con gái (lớp 7) học và thi IELTS đạt 8.0 đã khiến nhiều người tranh cãi.

 IELTS là hệ thống kiểm tra Anh ngữ Quốc tế với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Ảnh: Telegraph.

IELTS là hệ thống kiểm tra Anh ngữ Quốc tế với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Ảnh: Telegraph.

Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước chia sẻ của một người mẹ (là giáo viên dạy IELTS) về hành trình giúp con gái sinh năm 2011 (học sinh lớp 7 tại một trường công lập ở ngoại thành Hà Nội) đạt 8.0 IELTS.

Con tiếp cận IELTS từ bậc tiểu học

Theo chia sẻ, phụ huynh này hướng con học IELTS mà không cản trở đến việc dùng các kỹ năng nói, viết hay sự sáng tạo ở người học.

"Mình nghĩ rằng các con vẫn có thể luyện, học IELTS nhưng không nhất thiết phải học gạo. Con cũng có thể vừa học vừa tận hưởng niềm vui của việc xem phim, đọc truyện, sách, báo tiếng Anh và làm những việc khác", người mẹ cho hay.

Theo đó, đầu lớp 3, con gái chị bắt đầu học tiếng Anh nghiêm túc thông qua Acellus (chương trình tự học kiến thức phổ thông của Mỹ). Người mẹ thường tải bài trên mạng về, yêu cầu con nói lại hoặc hướng dẫn con viết lại. Cùng lúc đó là cho con đọc sách khoa học dành cho trẻ em từ cơ bản đến nâng cao như Wimpy Kid, Dear Dumb Diary, Oxford Bookworm, Oxford Read And Discover...

Đến cuối lớp 4 và lớp 5, người mẹ cho biết con rất thích đọc truyện, là "máy xay sách" đúng nghĩa. Lúc này, con bắt đầu tiếp cận các loại bài Essays (người viết trình bày ý kiến, quan điểm, suy nghĩ về một chủ đề cụ thể) của IELTS.

Cũng giai đoạn này, phụ huynh lập hai nhóm học Khoa học Xã hội và Kinh tế để con và một số bạn tham gia. Các học sinh sẽ được tìm hiểu các chủ đề khoa học về muối, vi khuẩn, bệnh bạch tạng ở động vật, động vật lưỡng cư và linh trưởng, so sánh thủy tinh và kim cương...

Về Kinh tế, người mẹ giao cho trẻ tìm hiểu lý thuyết về cung, cầu, bàn tay vô hình, kinh tế học hình khuyên, rửa tiền, nguyên lý bàn tay vô hình, hiệu ứng cánh bướm, nền kinh tế thị trường…

Lúc này, con rất vui và hào hứng học, thường tìm hiểu qua Google, sách khoa học, kinh tế, xã hội cho trẻ nhỏ. Bắt đầu từ cuối lớp 5, con bắt đầu viết luận về các chủ điểm con đã học. Lúc này, con rất vui vẻ và hợp tác.

Giai đoạn này, để luyện nói, bé đã cày hết cuốn từ vựng IELTS và khá nhiều cụm từ khác, áp dụng các thành ngữ đã học vào nói chuyện hàng ngày và đưa các cụm từ vào môn Viết.

Ở giai đoạn lớp 6, phụ huynh hướng con tham gia các hoạt động như tranh biện, hội nghị mô phỏng Liên hợp quốc, ứng tuyển học bổng, các cuộc thi viết, hội thảo trực tuyến của trường nước ngoài...

Về IELTS, lúc này, trẻ học ít đi, chỉ tham gia 10 buổi với giáo viên người Canada. Tuy nhiên, con đã xem nhiều phim tài liệu của BBC, xem các thí nghiệm về tâm lý.

Đến năm lớp 7, để đánh giá việc học tiếng Anh theo cách của con chỉ hỗ trợ cho bài thi IELTS hay có thể hỗ trợ cả các bài thi khác, người mẹ cho con tham gia thi SAT. Con đạt 1.260/1.500 điểm (720/800 phần Verbal và 540/800 Math) chỉ bằng việc tìm hiểu về SAT trên Khan Academy (tổ chức giáo dục phi lợi nhuận tại Mỹ).

"Mình và con nhận ra việc tiếp cận các kỳ thi theo hướng vừa chậm rãi làm đề, vừa tham gia trải nghiệm những cuộc thi, đọc sách, xem phim, thả mình vào thú vui viết lách có thể giúp con tiếp cận các kỳ thi như IELTS và SAT dù không luyện nhiều", người mẹ chia sẻ.

Giai đoạn này, người mẹ cũng hướng dẫn con đọc, phân tích và làm bài nói về các thí nghiệm và nghiên cứu điển hình về Tâm lý học và Triết học. Con thích hơn rất nhiều và làm rất nhanh, có ôn IELTS nhưng khá ít.

Cuối lớp 7, bé 13 tuổi bắt đầu tham gia thi IELTS và đạt 8.0. Đáng chú ý, người mẹ chia sẻ rằng chỉ nói với con là thi thử và đây là "trải nghiệm đau thương nhất" của chị.

Người mẹ cho rằng do con nghĩ là thi thử nên tham gia với tâm thế thoải mái, "y như rằng chỉ được 8.5 ở kỹ năng đọc, vuột mất cơ hội làm tròn tổng điểm thành 8.5".

Người mẹ cũng chia sẻ thêm rằng nếu cô giáo tiếng Trung của con và bạn bè không an ủi, có lẽ chị đã mắng con một trận vì con nói "đấy là chiến lược á mẹ, thi thử mà, phải thử mới biết có tác dụng hay không?

Từ kinh nghiệm của mình, chị khuyên các bậc phụ huynh thi thật thì cứ bảo thật. Cuối cùng, chị kết luận việc cho con tham gia các kỳ thi tranh biện, viết, thi ý tưởng... đều rèn cho con thể hiện tốt hơn trong bài thi IELTS.

 Mức điểm IELTS nữ sinh lớp 7 đạt được. Ảnh: NVCC.

Mức điểm IELTS nữ sinh lớp 7 đạt được. Ảnh: NVCC.

Phụ huynh chia phe

Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, bài viết nhanh chóng nhận về nhiều ý kiến. Bên dưới phần bình luận, không ít phụ huynh ngưỡng mộ, xuýt xoa khi nữ sinh còn nhỏ tuổi nhưng đã đạt mức điểm IELTS cao, có hiểu biết về nhiều lĩnh vực, tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi...

Bên cạnh đó, nhiều người cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với phụ huynh khi đã định hướng và kiên nhẫn đồng hành cùng con.

"Rất ngưỡng mộ bé và cách chị đồng hành cùng con. Mỗi bé đều khả năng khác nhau nhưng mẹ định hướng cho con, con cũng hợp tác và tỏ ý muốn học thì quá tốt", một người chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều người dùng cũng bày tỏ sự lo ngại khi trẻ còn quá nhỏ đã phải học khối lượng kiến thức khổng lồ, bị "uốn" theo lộ trình của mẹ. Người mẹ có lẽ cũng đã kỳ vọng nhiều khi bày tỏ tiếc nuối vì con nghĩ là thi thử nên chỉ đạt 8.0 IELTS thay vì 8.5.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, chị Nguyễn Xuân (phụ huynh tại Hà Nội) cho rằng sẽ không ai hiểu con bằng mẹ. Tất cả phụ huynh đều mong muốn con mình trở thành người ưu tú.

"Khách quan thì cả hai mẹ con trong câu chuyện trên đều quá giỏi khi đạt được thành tích như vậy. Nếu đúng như chia sẻ, người mẹ đã định hướng tốt, bạn nhỏ chắc hẳn ham học, có khả năng tiếp thu nhanh và đã rất chăm chỉ, cố gắng", chị Xuân nói.

Theo chị Xuân, rất có thể, người mẹ muốn đặt con vào các thử thách khác nhau để mài giũa bởi tiềm năng trẻ là vô hạn, quan trọng cha mẹ có biết khai thác hay không.

Dù vậy, chị Xuân vẫn cảm thấy khối lượng kiến thức mà người mẹ hướng con học ngay từ cấp 1 để thi IELTS như vậy là quá lớn. Có 2 con lớp 3 và lớp 7, mới bắt đầu học các thì trong tiếng Anh và viết theo chủ đề, chị Xuân đã nhận thấy các con phải học khá nhiều.

Với việc học IELTS sớm như câu chuyện trên, chị e rằng trẻ sẽ phải chịu những áp lực, căng thẳng không đáng có. Theo hiểu biết của chị, việc luyện thi IELTS sớm nhất cũng nên từ lớp 9 trở đi. Vì vậy, chị khuyên các phụ huynh khác có thể đọc để tham khảo chứ đừng vội áp dụng vào con mình bởi không phải trẻ nào cũng giống nhau.

Tương tự, chị Phạm Nhi (phụ huynh tại Hà Nội) cũng cho rằng ở độ tuổi tiểu học, trẻ chưa cần thiết phải học thi IELTS. Học tiếng Anh là tốt nhưng ở tuổi này, các em cần được phát triển năng lực giao tiếp và nuôi dưỡng niềm say mê, động lực học tiếng Anh thay vì "gò ép con vào một khuôn và hoạt động theo lộ trình lập sẵn".

Chị Nhi cảm nhận bạn nhỏ trong bài viết có sự "chín ép", nhất là ở những đoạn chia sẻ như mới lớp 4, con đã cày hết cuốn từ vựng IELTS. Chị tự hỏi ở độ tuổi đó, bao nhiêu bé sẵn sàng ngồi làm bài tập IELTS như vậy? Phải chăng, người mẹ đang thần thánh hóa chứng chỉ ngoại ngữ?

"Kể cả con vừa học, vừa tận hưởng niềm vui nhưng với độ tuổi của con, chắc chắn con chưa đủ trải nghiệm thực tế cũng như kiến thức khoa học và xã hội để học và thi IELTS", chị Nhi nói.

Dù vậy, chị Nhi cũng cho rằng cộng đồng mạng cũng không nên từ một bài chia sẻ kinh nghiệm dạy con trong một trường hợp cụ thể mà chỉ trích, phán xét người mẹ bởi không phải là người trong cuộc. Một bài viết cũng không thể hiện toàn diện quan điểm hay góc nhìn của người mẹ.

IELTS là viết tắt của International English Language Testing System, tạm dịch là hệ thống kiểm tra Anh ngữ Quốc tế với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết, dùng chủ yếu để ứng tuyển đại học, định cư hoặc xin việc.

Theo IDP (nơi tổ chức thi IELTS ở Việt Nam), không có quy định nào về độ tuổi nhưng thí sinh được khuyên đăng ký khi đã trên 16 tuổi. Hiện tại, ở Việt Nam, chuẩn đầu ra của một sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ Anh phổ biến ở mức 6.5-7.0.

Phương Lam

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bung-no-tranh-cai-ve-viec-tre-lop-7-dat-ielts-80-post1482425.html