Bùi Thị Phương Huyền: Sống cuộc đời ý nghĩa

Đến với cuộc thi viết cảm nhận về sách năm 2022 do Thành đoàn Đồng Xoài phát động, em Bùi Thị Phương Huyền, lớp 11D1 Trường THPT Nguyễn Du (Đồng Xoài) không nghĩ rằng mình sẽ đoạt giải nhất. Trong suy nghĩ của nữ sinh mê đọc sách này, đó chỉ là một trải nghiệm nhỏ về những điều em đã được sách trao tặng.

Những cuộc đời ý nghĩa

Cuộc thi viết cảm nhận sách năm 2022 dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Đồng Xoài. Cuộc thi yêu cầu thí sinh tham gia viết bài cảm nhận giá trị, ý nghĩa của các tác phẩm: Tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky; Nhật ký “Đặng Thùy Trâm” do nhà lý luận phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập; Nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” do Đặng Vương Hưng giới thiệu và biên tập. Mỗi thí sinh tự chọn một trong 3 quyển sách mà mình cảm thấy yêu thích và tâm đắc để viết bài cảm nhận về nội dung, ý nghĩa quyển sách; bài học mang lại cho bản thân theo hướng tích cực, qua đó rút ra những bài học hữu ích, chia sẻ, giới thiệu quyển sách đến mọi người cùng đọc.

Phương Huyền cho biết, 3 tác phẩm cuộc thi yêu cầu “review” em đều may mắn là đã đọc. “Thép đã tôi thế đấy là tác phẩm tinh thần cho bao thế hệ thanh niên với nhân vật chính Pavel Korchagin; Nhật ký Đặng Thùy Trâm của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm lôi cuốn bởi ý văn trong trẻo, thể hiện những mong muốn của tuổi trẻ. Mãi mãi tuổi hai mươi là sự trăn trở, cống hiến và hy sinh để hướng đến lẽ sống cao đẹp của anh Nguyễn Văn Thạc. Tuy nhiên, vì thích tác phẩm Thép đã tôi thế đấy nên em chọn làm bài thi” - Phương Huyền chia sẻ.

Bùi Thị Phương Huyền đoạt giải nhất cuộc thi viết cảm nhận về sách do Thành đoàn Đồng Xoài phát động

Có kỹ năng đọc sách nên Phương Huyền không quá khó khăn khi thực hiện bài thi. Em dành một buổi để đọc lại tác phẩm Thép đã tôi thế đấy. Bắt được cảm xúc và hiểu những giá trị tác phẩm mang lại, Phương Huyền thực hiện bài viết trong một buổi tối. Trong bài thi, em viết: “Đã bao giờ ta tự hỏi, ta sẽ sống bình thản như một hạt cát bé nhỏ, vô danh giữa muôn vàn hạt cát trên sa mạc đời rộng lớn, như một giọt nước bé lu mờ giữa đại dương mênh mông hay vươn mình chạm tay đến bầu trời tinh tú lấp lánh giữa bầu trời đen huyền ảo…”. Phương Huyền trải lòng qua bài dự thi: “Trên đường băng sân bay mỗi đời người. Có những kẻ đang chạy đà và cất cánh. Tôi, bạn, chúng ta - trên đường băng cuộc đời, hãy chạy đà và cất cánh chứ? Đôi khi chính những thử thách, khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống là nơi tôi luyện bản thân mỗi con người trở nên mạnh mẽ, dũng cảm, tự tin để khẳng định giá trị của bản thân trước cuộc đời”.

Sống khác biệt: Giá trị của người trẻ

Bùi Thị Phương Huyền là học sinh khá, giỏi từ năm lớp 1 đến nay. “Bén duyên” với môn Văn chỉ từ năm lớp 9 nhưng do có phương pháp học phù hợp nên năm 2022, Phương Huyền đạt giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn. Vào học lớp chọn của các khối, Phương Huyền biết cách biến áp lực thành động lực. Phát hiện được năng lực của cô trò nhỏ, các thầy cô đã động viên Phương Huyền tham gia bồi dưỡng môn Văn và tham dự các kỳ thi. Bí quyết đoạt giải của Phương Huyền cũng hết sức đơn giản: “Học nhiều không nhớ hết nên em chỉ học những gì quan trọng nhất để dễ nhớ. Những kiến thức liên quan và áp dụng vào bài thi đều được em tích lũy từ sách. Những cảm xúc, suy nghĩ từ sách khiến em cảm thấy mình cần phải sống có giá trị hơn”.

Những cuốn sách đã ảnh hưởng đến Phương Huyền như: 999 lá thư gửi cho chính mình, Tony buổi sáng, Trên đường băng, Thép đã tôi thế đấy… Chính vì đọc sách nên suy nghĩ của em cũng dần trưởng thành hơn, làm bài tốt hơn. Sách còn giúp Phương Huyền giải quyết những hoang mang tâm lý hay học cách đối mặt, vượt qua những thách thức của cuộc sống. Trái ngược với những ý kiến cho rằng văn hóa đọc đang bị công nghệ 4.0 lấn át, Phương Huyền vẫn “trung thành” với việc đọc sách, làm quen với sách điện tử để giúp bản thân có thêm nhiều điểm chạm với văn hóa đọc thời nay. Lựa chọn nghề báo và công an cho tương lai nhưng Phương Huyền cho rằng việc theo đuổi đam mê của em tùy thuộc vào sự phù hợp thực tế và thực sự mang lại giá trị cho bản thân, xã hội. Vì vậy, em vẫn nuôi dưỡng những ước mơ, hiểu thêm về chính mình và quyết định khi đã cảm thấy tự tin.

Nhà giáo dục Xukhomlinxki từng nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến như hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”. Từ bài học vô cùng sâu sắc về cuộc sống mà nhân vật Pavel đã để lại cho bao thế hệ độc giả, Phương Huyền cho rằng: “Hành trình mỗi người sống trong cuộc đời là hành trình khẳng định giá trị bản thân, in đậm cái tôi sắc nét trong cuộc đời và sống khác biệt chính là một cách đem lại những giá trị ấy, nhất là đối với người trẻ”.

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/134780/bui-thi-phuong-huyen-song-cuoc-doi-y-nghia