Bức tường tưởng niệm chiến tranh ở Washington: Tiếng vọng từ đá
Tháng 5/2025, tôi có chuyến công tác tại Washington. Tôi tranh thủ tìm đến bức tường tưởng niệm cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
Tháng 5/2025, tôi có chuyến công tác tại Washington. Tôi đã tranh thủ tìm đến bức tường tưởng niệm cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, nơi khắc tên 58.000 lính Mỹ đã chết, mất tích. Người ta gọi đây là bức tường đắt nhất hành tinh bởi cái giá của mất mát, đau thương. Còn tôi ghi thêm được những tiếng vọng từ ký ức tới tương lai sau mặt đá đen trầm tĩnh.

Bức tường đá đen tại Quảng trường quốc gia ở Washington, D.C
Bức tường đen giữa lòng nước Mỹ
Tại Quảng trường quốc gia ở Washington, D.C - nơi những tượng đài trắng ngà vươn mình kiêu hãnh giữa trời xanh, có một công trình khác biệt hoàn toàn. Không cao vút, không đồ sộ, không phô trương, chỉ là một dải đá đen hình chữ “V”, dài 150 mét, nằm chìm dưới mặt đất, âm thầm và bi tráng với hướng đi sâu vào lòng đất. Đó là Đài tưởng niệm Cựu chiến binh chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Bức tường được thiết kế bởi Maya Lin, một sinh viên kiến trúc người Mỹ gốc Hoa, khởi công năm 1982 và hoàn thành cùng năm, với kinh phí hoàn toàn do các cựu binh và người dân quyên góp.

Tác giả tại bức tường đá đen
Tôi đứng lặng trước mặt đá lạnh, nơi từng cái tên như còn vọng ra tiếng thì thầm. Dưới mặt đá đen, tôi bắt gặp người ta để lại bức thư tay gửi người đã chết, bên cạnh là lọ mù tạt chưa từng mở nắp. “Chúng tôi đặt lọ ấy lên bàn mỗi dịp Giáng sinh, để em ấy luôn hiện diện cùng gia đình mình” - thư ghi tâm sự người anh trai.
Câu chuyện về William Arkins, người lính Mỹ chết ngày 2/3/1968 tại Tây Ninh là một trong hàng ngàn mảnh ghép tạo nên bức tranh đầy xúc cảm tại đài tưởng niệm này. Những vật nhỏ bé như lọ mù tạt, chú gấu bông hay bức thư tay của cô bé Emma gửi cho ông ngoại chưa từng gặp, đều khiến ta thấy chiến tranh không kết thúc khi tiếng súng dừng lại. Nó còn ám ảnh trong ký ức của người ở lại.

Giới trẻ đến tham quan, học tập
Tiến sĩ Stephen Maxner thuộc Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ Sam Johnson, Đại học Kỹ thuật Texas gửi lại bức tường một bài diễn văn, có đoạn viết về ngày 2 tháng 3 năm 1968, 28 lính Mỹ thuộc Đại đội C, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 9, Sư đoàn 25 Bộ binh Hoa Kỳ đã tham gia một trận chiến khốc liệt gần ấp Trảng Dầu, tỉnh Tây Ninh và không thể trở về. Bài diễn văn có đoạn viết: “Khi đứng trước Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam, được bao quanh bởi hàng nghìn cái tên khắc trên đá hoa cương đen, chúng ta được nhắc nhở về cái giá của chiến tranh và giá trị của hòa bình. Những cái tên và câu chuyện phía sau đó là lời nhắc nhở mạnh mẽ về tổn thất nhân sinh từ chiến tranh. Chúng thôi thúc chúng ta phải ghi nhớ, phải học hỏi và phải cố gắng hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn”.
Tiếng vọng từ đá
Dưới chân bức tường, nhiều tranh, ảnh, hiện vật do nhóm cựu binh tại Ohio mỗi năm đều đặt lại vật phẩm tưởng niệm như một nghi lễ trung thành với đồng đội đã mất. Có những bức ảnh màu ảnh xám xanh, hậu cảnh là vùng rừng rậm Việt Nam. Có khung ảnh gia đình, có thể là ảnh bố mẹ - vợ con - hoặc bạn thân chụp cùng người lính đã mất.
Có một bài thơ, tác giả ký tên bằng chữ viết tay: M.G, có đoạn:
Tôi thấy tên bạn khi một người mẹ dừng chân,
Đọc to tên bạn, bàn tay run rẩy,
Đặt xuống một bông hoa
Và đôi dòng lệ không thể ngăn lại.
Bên trong bức tường ấy là trái tim bà
Và trái tim chúng ta.
....
Tôi thấy tên bạn - nhưng lần này,
Tôi thấy bạn là một người chồng trẻ,
Một người cha chưa kịp gặp con,
Một giấc mơ còn dang dở.
Tôi chợt nhận ra, dù là người lính ở bên nào, bên gây ra cuộc chiến hay bên buộc phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc như Việt Nam, chiến tranh đều tước đoạt đi ước mơ đẹp đẽ và bình dị của họ. Và để lại nỗi đau khôn nguôi.
Việt Nam - nỗi đau và khát vọng
Nếu người Mỹ có một bức tường khắc tên 58.000 chiến sĩ thì ở Việt Nam, nỗi đau và mất mát còn lớn hơn gấp bội với không chỉ một bức tường mà có hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ rải khắp dải đất hình chữ S. Chỉ riêng Nghĩa trang Trường Sơn đã có gần 60.000 ngôi mộ, lớn hơn cả bức tường tưởng niệm ở Washington. Hàng triệu người Việt đã hy sinh, hàng chục vạn người vẫn chưa xác định được danh tính.

Những hiện vật gửi người không trở về
Việt Nam đã hy sinh tất cả vì ba chữ “hòa bình”, “độc lập”, “tự do” vô giá. Trong chiến tranh, chúng ta mất mát không chỉ về con người, mà còn cả thế hệ, bao gia đình không còn trụ cột, bao đứa trẻ lớn lên không có cha, bao vùng đất biến thành hoang tàn.
Nhưng giữa đau thương ấy, người Việt không chọn thù hận. Chúng ta chọn đứng dậy, chọn khép lại quá khứ, chọn bắt tay với cả những người từng nắm tay súng đối đầu.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã nói: “Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể quyết định được tương lai”. Đó không chỉ là một câu nói mang tính ngoại giao mà là thông điệp chung.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng ký ức vẫn sống động, vẫn đau đáu, vẫn thôi thúc chúng ta phải làm nhiều hơn, sâu sắc hơn để không một thế hệ nào phải lặp lại mất mát ấy.

Giới trẻ đến tham quan, học tập
Ngày 27/7 này, khi những vòng hoa lại nghiêng mình trước nghĩa trang liệt sĩ trên đất Việt, tôi biết, đâu đó, bên kia bán cầu, tại Washington, cũng có người cúi đầu trước một dòng tên khắc đá. Còn ở Việt Nam, nghĩa trang, đài tưởng niệm kết hợp lễ nghi, truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ về giá trị lịch sử và lòng tự hào dân tộc.
Ở Mỹ, tôi biết, không ít cựu chiến binh mắc phải hội chứng PTSD (stress sau chấn thương) - là hậu quả tâm lý nghiêm trọng từ chiến trường. Các chương trình như Honor Flight đã trở thành biểu tượng chữa lành: Đưa cựu binh đến Washington D.C., để họ được ôm tên bạn trên tường, khóc, chia sẻ và nhận lại sự tri ân từ xã hội. Họ tìm được bình yên - ít nhất trong khoảnh khắc chạm tay vào tên người bạn đã ngã xuống.
Viết tiếp câu chuyện hòa bình
Còn nhớ vào tháng 9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu tại sự kiện kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ ở New York, Mỹ, có đoạn: “Cách đây 30 năm, có lẽ người lạc quan nhất cũng không thể hình dung được bằng cách nào đó mà Việt Nam và Mỹ có thể vượt qua nỗi đau của chiến tranh để xây dựng và phát triển một mối quan hệ mạnh mẽ và tích cực như hiện nay. Chúng ta đã chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ chưa từng thấy, từ cựu thù chúng ta trở thành bạn...”.

Tác giả tại Quảng trường quốc gia ở Washington, D.C
Trong 3 chuyến công tác tại Mỹ gần đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhiều lần nhắc đến thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm, về không có gì là không thể làm được khi hai nước đã vượt qua chặng đường rất dài từ cựu thù trở thành đối tác chiến lược toàn diện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhiều lần nêu rõ: Với định hướng trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2035, Việt Nam xác định Mỹ là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu và mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại theo hướng cân bằng, bền vững và cùng có lợi. Bộ trưởng đề nghị Mỹ cùng Việt Nam nỗ lực giải quyết vấn đề tồn tại trong kinh tế thương mại hiện nay, sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách D1, D3 hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao. Điều này sẽ góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước và cải thiện cán cân thương mại theo hướng công bằng, hài hòa, bền vững.

Giới trẻ đến tham quan, học tập
Chiến tranh đã qua, nhưng ký ức và bài học từ đó vẫn ở lại. Những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định rằng từ ký ức đau thương có thể xây đắp niềm tin, và từ niềm tin có thể xây dựng quan hệ hợp tác vững chắc, phát triển thịnh vượng. Đây cũng là lời kêu gọi tới các thế hệ trẻ hãy tiếp tục nhận thức đúng về ký ức chiến tranh và nuôi dưỡng khát vọng hòa bình gắn với trách nhiệm dân tộc và thời đại.