Bức tranh quê, ngó sen, bóng nắng
Theo bố tôi, phố Nguyễn Thái Học ban đầu là con đường Tràng Thi kéo dài theo quy hoạch phố 'Tây' (trước năm 1900). Ông giải thích phố 'Tây' theo cả hai nghĩa, xây dựng khu phố mới về phía tây và chủ yếu cho người Pháp ở (quận Ba Đình). Dọc phố tới nay còn giữ được hàng chục ngôi biệt thự đẹp và các nhà công sở, bệnh viện cùng các đại lộ rộng từ 12 đến 14 mét. Riêng phố Nguyễn Thái Học dài 1.688 mét (từ ngã năm Cửa Nam-Tràng Thi tới bến xe Kim Mã).
Hoài niệm Hàng Đẫy phố xưa
Trước khi người Pháp chiếm thành Hà Nội (1882), đoạn đầu phố sau chợ Cửa Nam (kéo dài gần ngõ Thanh Miến) hình thành dãy làm nghề may túi đẫy đựng hàng khô, bị, tay nải, túi xách nên phố được đặt tên là Hàng Đẫy.
Dân kẻ chợ từ mạn ngược hay dưới xuôi đều về đây buôn bán làm ăn bên chợ Cửa Nam hoặc vào chợ Đông Kinh. Họ mua đẫy (vải thô) đựng hàng, rồi những học trò tới Văn Miếu thi cử cũng dừng chân mua túi xách (vải sồi hay vải trơn).
Phố Văn Miếu ngày đó còn gọi là Hàng Cơm chuyên bán đồ ăn thức uống cho sĩ tử. Xưa có anh học trò còn dỗ dành người đẹp trên phố: “Nào về Hàng Đẫy cùng tôi/ Tìm mua chiếc túi vải sồi làm quen/ Theo tôi Văn Miếu dầu đèn/ Túi hoa lều chõng cùng em căng dù”. Câu chọc ghẹo đó còn truyền mãi sau này. Hồi đó chung quanh vùng từ đầu phố tới Văn Miếu và Sinh Từ còn nhiều hồ ao đầy bèo và cỏ dại. Khi người Pháp cho lấp hồ ao, làm đường nối từ Tràng Thi tạo nên trục đường dài tới tận Cầu Giấy. Mỗi lần mở đường, những ngôi nhà lớn được xây dựng theo kiến trúc Gothic.
Song song, họ còn làm đường tàu điện khá sớm (1900). Các nhà quy hoạch có ý định làm đường tàu điện từ Hà Nội lên tận Sơn Tây (nhưng sau chỉ dừng lại tới Cầu Giấy, dài 5.450 mét). Tên phố Hàng Đẫy được giữ mãi tới năm 1900 mới thay tên của những quan chức Pháp. Khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945) phố đổi thành Phan Chu Trinh. Nhưng chỉ bốn năm sau, phố thay tên Nguyễn Thái Học và giữ cho đến nay.
Ngôi nhà đáng kể nhất mà người Pháp xây bề thế và sang trọng đó là khu nhà số 66 Nguyễn Thái Học. Trước khi trở thành Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tòa nhà lớn trong khuôn viên chừng gần 5.000 mét vuông này nguyên là nơi ăn ở cho con gái các quan chức Pháp (trên toàn Đông Dương về học tại Hà Nội). Sau đó, ngôi nhà được sửa chữa dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1962 cho tới nay.
Kế bên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhiều anh em văn nghệ sĩ một thời thường lui tới gia đình nhà thơ Lưu Trọng Lư (cũng mang số nhà 66). Nhà thơ Lưu Trọng Lư (1911-1991) lừng danh trong phong trào Thơ mới với tập thơ "Tiếng thu". Sinh thời, ông từng làm Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu. Ông có ba người con trai nổi tiếng trong làng sân khấu điện ảnh và văn chương báo chí như Lưu Trọng Văn, Lưu Trọng Ninh và Lưu Trọng Hải. Nhà thơ Lưu Trọng Lư đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT (năm 2000).
Hiện ngôi nhà của gia đình trở thành bảo tàng lưu niệm Lưu Trọng Lư do người con gái duy nhất của nhà thơ là Lưu Ý Nhi quản lý. Chị vẫn giữ nguyên các di sản của bố để lại. Đó là chiếc bàn làm việc, tủ sách lớn cùng những vật dụng mà nhà thơ Lưu Trọng Lư dùng hàng ngày và khi làm việc. Chị kể, nơi đây đã ra đời những bài thơ mà cha mình viết tặng cho mẹ. Trong đó có bài “Cung đàn mùa xuân”, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã viết ca ngợi tiếng đàn tranh của vợ mình. Vợ ông là bà Lệ Minh dạy đàn tranh từ khi còn trẻ ở Cung đình Huế. Bài thơ đã được nhạc sĩ Cao Việt Bách phổ nhạc (1975) và trở thành nổi tiếng và được hát cho tới ngày nay.
Phố Tranh - chuyện mới, chuyện cũ
Phải nói, hiện nay phố Nguyễn Thái Học được coi là phố “Hàng tranh” với hơn 50 cửa hàng buôn bán nhộn nhịp. Tại đây, những ông chủ đều có họa sĩ vẽ chép tranh để bán. Cùng với đó họ còn có đội ngũ chuyên đóng và thiết kế khung tranh tại chỗ. Đây là thị trường bán tranh nội ngoại thất trong các gia đình, công sở và nhà hàng rất sôi động.
Nhiều họa sĩ trẻ tới đây kiếm cơm bằng vẽ lại những tác phẩm của tác giả nổi tiếng hoặc tranh nước ngoài. Chủ yếu thể loại mà khách hàng cần là cảnh đồng quê, núi non, sông suối, các loại hoa bốn mùa. Tranh đủ loại kích cỡ, sắc màu hợp với phong thủy của từng chủ nhân. Thậm chí trên phố còn có cửa hàng chuyên vẽ truyền thần ảnh chân dung lãnh tụ để thờ lễ trong các đình chùa hoặc phòng họp.
Một trong những nguyên nhân phố khởi sắc nghề “Hàng tranh” hai mươi năm nay xuất phát từ kiến trúc đô thị đang phát triển rầm rộ. Hơn nữa, không gian nghệ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng tạo nên một tiền đề thú vị. Những địa chỉ đóng khung tranh trên phố đã cung cấp hàng cho Bảo tàng khá nhiều năm. Hàng trăm họa sĩ trẻ lần lượt ra trường cũng bắt đầu bằng công việc chép tranh để mưu sinh và rèn luyện tay nghề.
Điều thú vị liên quan tới thị trường tranh trên phố Nguyễn Thái Học còn được nhiều người nhắc tới ngôi nhà số 65. Đó là một biệt thự cổ kính được chia thành nhà tập thể cho một loạt họa sĩ từ năm 1954. Những họa sĩ đầu tiên về đây ở như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm, Song Văn, Mai Văn Hiến, Văn Giáo. Sau mới tới gia đình nhạc sĩ Đỗ Nhuận, các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam. Họ trở thành công dân phố Nguyễn Thái Học và gắn bó với những ký ức nơi đây cho tới nay.
Tính ra đã có 20 hộ gia đình văn nghệ sĩ đã sinh sống tại số nhà 65. Biệt thự được đóng biển di tích cùng với những tên tuổi lớn trong sự nghiệp VHNT cách mạng ở nước ta. Hiện nay trụ lâu nhất tại đây phải kể đến gia đình nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận). Hiện anh là Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Vợ nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là NSƯT Chiều Xuân, một giai nhân nổi tiếng trên sân khấu và điện ảnh nước nhà.
Nhưng có lẽ, không mấy người còn nhớ tới câu chuyện tình “Người đẹp áo đen” đặc sắc đã diễn ra tại số nhà 67 Nguyễn Thái Học. Đây là ngôi biệt thự gia đình nhà tư sản nổi tiếng Đỗ Lợi (1893-1961). Ông có tới hơn chục người con, trong đó cô Bính (sinh năm 1915) nổi bật nhan sắc hoa khôi nức tiếng Hà thành. Với vẻ đẹp kiêu sa cùng nước da trắng ngần, người đẹp Đỗ Thị Bính càng xinh tươi trong những bộ đồ màu đen thường mặc.
Bính “Hàng Đẫy” là biệt danh của cô được xướng lên trong bốn người đẹp nhất Hà Nội ở tuổi đôi mươi. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (nổi tiếng với bài thơ “Em đi chùa Hương”) ngày đó rất mê cô Bính. Ngày nào nhà thơ cũng tìm cách đi qua để ngắm người đẹp. Nhưng e ngại phận nghèo nên nhà thơ không dám chính thức ngỏ lời trăm năm. Thật tình, người đẹp cũng rất có cảm tình, tỏ lòng yêu thương thi sĩ tài hoa này và luôn có ý đợi chờ. Nhưng không ngờ chỉ hai năm sau, nhà thơ yểu mệnh mất sớm (1914-1938) để lại nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng người đẹp.
Cung đường Kẻ chợ
Nguyễn Thái Học là con phố nằm trên tuyến Quốc lộ 32 nên tàu xe nhộn nhịp suốt ngày đêm. Phố in đậm dấu của kẻ chợ Thăng Long một thuở với phố “Hàng tranh” mới cùng với trung tâm buôn bán vàng đá quý ở đầu phố. Ấy là chưa kể tới những quán hàng ăn, giải khát và dãy hàng thợ chữa khóa và làm chìa khóa bằng máy. Họ tập trung từ cổng sau trường học Lý Thường Kiệt tới gần chợ Cửa Nam. Là trục đường giao thông cửa ngõ phía Tây thành phố Hà Nội, phố Nguyễn Thái Học còn là đầu mối cho những chuyến hàng đi về phương Nam.
Hơn nữa, phố cũng nằm trên tuyến đường tàu điện trên cao đi từ Hà Nội về ga Nhổn (dài 14km). Hình ảnh những toa tàu điện xưa lại hiển hiện trong tâm tưởng và ký ức của người dân Thủ đô về phố Hàng Đẫy xưa. Một nét duyên dáng thanh xuân với sắc màu trên phố qua những bức tranh quê. Tiếng chuông tàu leng keng ngày nào luôn âm vang hồ hởi bên tường đền Văn Miếu trầm lắng. Và, đâu đó vẫn hiện về: “Đôi mắt nón đòn cong vai gánh/ Sắc phố hương bên hồ liễu trong/ Bức tranh quê, ngó sen, bóng nắng/ Cốm Vòng thơm nhẹ bước gót hồng”. ("Phố Tranh" - Mai Vũ).
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/buc-tranh-que-ngo-sen-bong-nang-i747548/