Bức 'tối hậu thư' Liên Xô từng gửi cho các nước cộng hòa và bí mật đằng sau
Khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga đã đưa ra vấn đề biên giới với các nước cộng hòa, tạo ra nhiều luồng dư luận xã hội khác nhau.
Tháng 8/1991, thư ký báo chí Pavel Vosachov của Tổng thống Liên bang Nga Boris Nikolayevich Eltsin cho đăng bài viết gây chấn động dư luận. Nội dung bài viết như sau:
“Trong những ngày gần đây, một số nước thuộc Liên Xô đã tuyên bố độc lập, rút khỏi Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, có thể nhiều nước khác nữa cũng sẽ làm như vậy, việc này sẽ làm mất cân bằng quan hệ trong Liên bang thống nhất. Trước tình hình trên, được sự ủy nhiệm của Tổng thống Nga, tôi xin tuyên bố: nước Nga không phản đối quyền tự quyết của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Thế nhưng vấn đề biên giới vẫn chưa được giải quyết, tình trạng này chỉ có thể được để nguyên hiện trạng, khi có một bản hiệp ước liên minh đi kèm, khi bản hiệp ước hết hiệu lực, nước Nga có quyền đưa vấn đề biên giới ra để xem xét lại. Đây là vấn đề liên quan tới tất cả các nước có chung đường biên giới với Nga, ngoại trừ 3 nước vùng Baltic đã được Nga công nhận độc lập đó là: Latvia, Litva và Estonia, vấn đề biên giới được giải quyết trên cơ sở song phương”.
Bức tối hậu thư do Pavel Vosachov soạn thảo chủ yếu ám chỉ 2 nước: Kazakhstan và Ukraine. Đối với trường hợp của Gruzia, vấn đề chủ yếu tập trung vào quy chế giành cho Abkhazia và Nam Ossetia – hai vùng đất đã được Nga và nhiều nước khác trên thế giới công nhận là quốc gia độc lập.
Kazakhstan và Ukraine là hai quốc gia hình thành do sự sụp đổ của Đế chế Nga. Vấn đề biên giới với hai nước này có thể giải quyết đơn giản hơn, vì cộng đồng người sống ở Crimea, ở Donbass, ở Bắc Kazakhstan đều là dân tộc Xla-vơ, có nhiều nét tương đồng, gần gũi. Đối với Gruzia, sự việc không đơn giản như vậy. Abkhazia và Nam Ossetia lại có truyền thống rất lâu đời với Gruzia.
Ngay chiều 27/8/1991, Pavel Vosachov tổ chức họp báo, không khí căng như dây đàn, mọi người đặt ra câu hỏi: phải chăng Nga đang chuẩn bị chiến tranh vì lãnh thổ với các quốc gia láng giềng? Pavel Vosachov giải thích về bài viết của mình: “Các quốc gia, mà Nga có yêu sách về lãnh thổ, được ám chỉ trong bức tối hậu thư, là Kazakhstan và Ukraine, nếu hai nước này ra nhập liên minh với Nga rồi, thì sẽ không có vấn đề gì, nếu không, chúng ta có trách nhiệm thông báo cho dân cư đang sinh sống trên những vùng đất đó, rằng: đây là đất đai do người Nga khai phá, nước Nga sẽ không dễ dàng để mất như vậy”.
Ngay ngày hôm sau, 28/8/1991, tại Alma - Ata nổ ra cuộc mít tinh phản đối với sự tham gia của hàng chục nghìn người, cùng với sự xuất hiện bất ngờ của Phó Tổng thống Nga Alexander Rutskoi. Rytskoi không chỉ lên án bài viết của Vosachov, mà còn tuyên bố: Boris Yeltsin nhất định sẽ có hình phạt thích đáng giành cho Vosachov.
Ngày 29/8/1991, tại Kiev người dân Ukraine giận dữ xuống đường biểu tình phản đối, đốt hình nộm của thư ký báo chí Pavel Vosachov. Alexander Rutskoi cũng bất ngờ xuất hiện trên diễn đàn, kịch liệt lên án Pavel Vosachov và hứa sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Bài viết của Pavel Vosachov cũng tác động mạnh đến tầng lớp tri thức tự do của thủ đô, họ đã viết thư ngỏ, yêu cầu chính quyền làm rõ vấn đề: nước Nga đang được xây dựng theo mô hình nào? Một nhà nước có chủ quyền, một nhà nước quân sự hóa, hay là một cộng đồng các quốc gia tự do dân chủ? Không những vậy, họ còn bày tỏ sự hân hoan, đón chào sự tan vỡ của Liên Xô, yêu cầu nước Nga không đưa ra yêu sách về lãnh thổ và tài sản đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô.
Theo luật pháp, những trường hợp của Pavel Vosachov sẽ buộc phải thôi việc ngay. Nhưng mãi đến tháng 2/1992, Vosachov mới thôi giữ chức thư ký báo chí cho Tổng thống Nga, và vì một nguyên nhân không liên quan gì đến bài viết đầy tai tiếng kia. Điều đặc biệt nữa là, Boris Yeltsin không có một lời giải thích trước toàn dân về việc làm của Pavel Vosachov, và người đứng ra làm công tác hòa giải ở Kazakhstan và ở Ukraine lại chính là Phó Tổng thống Alexander Rutskoi.
Ai đứng sau “tối hậu thư”?
Theo Pavel Vosachov, mùa hè 1991, lãnh đạo các nước vùng Baltic đã đạt được thỏa thuận với Boris Yeltsin về tuyên bố độc lập của mình. Tổng thống Yeltsin chưa có kế hoạch công nhận độc lập của Ukraine. Ngày 25/8/1991, Yeltsin chỉ thị cho Pavel Vosachov đưa ra tuyên bố, trong đó đặc biệt nhấn mạnh chi tiết: “Các nước muốn tách ra khỏi liên bang, sẽ phải giải quyết yêu sách về lãnh thổ với Nga”.
Trở về sau khi tham dự các cuộc tuần hành ở Kazakhstan và ở Ukraine, Phó Tổng thống Alexander Rutskoi giữ thái độ hoàn toàn bình thản, khác hẳn với sắc thái mà ông đã thể hiện ở các cuộc mít tinh. Phó Tổng thống Nga gặp Pavel Vosachov và trấn an: “Đừng bận tâm về những lời chỉ trích của tôi đối với anh trong các cuộc mít tinh ở Kazakhstan và Ukraine”.
Một tuần sau khi xảy ra các sự việc trên, Boris Yeltsin giao nhiệm vụ chuyển vùng lên các tỉnh phía Bắc, không hề đề cập tới bản tuyên bố kia.
Như vậy, đây chính là kịch bản do Boris Yeltsin dựng lên, với sự chuẩn bị và phân vai rất kĩ lưỡng. Đặc biệt là vị thế của của Rutskoi được nâng cao đáng kể. Dưới con mắt của những nhà quan sát, Alexander Rutskoi trở thành nhà lãnh đạo của phe bảo thủ đầy tiềm năng, chính Rutskoi sẽ thu hút những cử tri bảo thủ, không nằm trong Đảng cộng sản cho Yeltsin.
Tổng thống Boris Yeltsin vì lo lắng cho tương lai của nước Nga và các nước cộng hòa nên đã phải hành động như vậy. Thực chất, Yeltsin rất muốn thay đổi Liên Xô thành một nhà nước liên minh do Nga lãnh đạo. Ngay từ tháng 12/1990, Yeltsin đã đàm phán với lãnh đạo Ukraine, Belarus về việc ký kết một nhà nước liên minh. Có những nguồn tin cho rằng, Yeltsin muốn đưa cả Kazakhstan vào liên minh này.
Dư luận xã hội vẫn không hiểu, khi thực sự lo lắng việc Nga có thể sẽ thiệt hại một phần về lãnh thổ nếu Liên Xô tan rã, tại sao Tổng thống Yeltsin không sử dụng bộ luật liên bang để giải quyết các trường hợp rút khỏi Liên Xô của các nước cộng hòa, mà phải dùng kịch bản để đe dọa?