Bớt áp lực KPI bán hàng để tạo con đường lâu dài cho ngành bảo hiểm
Xoay quanh việc nhiều tổ chức tín dụng bị phản ánh 'ép' khách mua bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 'Hội nghị về hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng' ngày 24/2.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đoàn Thái Sơn đánh giá, những năm gần đây, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đã trở thành xu hướng nhờ tính thuận tiện, hiệu quả và lợi ích mang lại cho tất cả các bên tham gia.
Theo Phó Thống đốc, việc triển khai thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không chỉ mang lại những lợi ích về mặt kinh tế cho ngân hàng mà còn giúp đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu, nâng cao trải nghiệm sử dụng các dịch vụ/sản phẩm tài chính của khách hàng, hỗ trợ xây dựng nền tảng khách hàng trung thành…
Vì vậy, thời gian qua, NHNN cũng đã thường xuyên có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm. Thực tế, nhiều năm qua, từ Chính phủ đến Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cũng nhiều lần có ý kiến chấn chỉnh.
Phó Thống đốc cho biết, đường dây nóng mà Ngân hàng Nhà nước thiết lập vừa qua, chỉ sau hơn hai ngày cũng đã có tới 103 cuộc gọi phản ánh về vấn đề bảo hiểm. Trong đó, có hai điểm phản ánh chung: Khách hàng bức xúc vì vay vốn bị ép mua bảo hiểm nhân thọ; hai là ngân hàng bán bảo hiểm kèm sản phẩm đầu tư gây nhầm lẫn.
Đề xuất các giải pháp nhằm chấn chỉnh lại thị trường bảo hiểm
Trước thực trạng trên, tại cuộc họp, các ngân hàng thương mại cùng tham gia đã đề xuất một số ý kiến để thị trường bảo hiểm đồng lòng thực hiện, chấn chỉnh lại các hoạt động tại các tổ chức tín dụng.
Thứ nhất, tăng cường đào tạo nhân viên bán hàng đi cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ hơn trong quá trình vận hành.
Thứ hai, khi vận hành, khối hoặc bộ phận Bancassurance cần tách khỏi bộ phận giao dịch viên ngân hàng; tránh kiêm nhiệm để chuyên trách, chuyên sâu. Trong cơ cấu hoạt động ngân hàng, phòng bảo hiểm cũng cần tách biệt khỏi phòng dịch vụ khách hàng, tín dụng.
Thứ ba, cấm nhân viên bán bảo hiểm điền hộ thông tin cho khách hàng trong hợp đồng; đi cùng cần có bản cam kết khách hàng đã hiểu các quyền lợi, trách nhiệm trước khi ký hợp đồng.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra từ cơ quan quản lý, nhưng cần làm rõ nội dung thanh tra mở rộng như thế nào thay vì chủ yếu tập trung ở hai bước thanh tra là có hợp đồng đại lý và nhân viên ngân hàng có chứng chỉ hành nghề hay không.
Thứ năm, có thể xem là giải pháp quan trọng nhất, một số ý kiến đề xuất các ngân hàng không giao và ép chỉ tiêu (KPI) đối với cán bộ nhân viên làm Bancassurance. Việc giao, tăng và ép KPI được cho là một nguyên nhân khiến phát sinh những “con sâu” nói trên, và thậm chí khiến cán bộ nhân viên ngân hàng lơ là các nghiệp vụ chính, nhiệm vụ chính của ngân hàng, cả ở việc giữ gìn uy tín và thương hiệu.
Về phía NHNN, ông Sơn cũng nhìn nhận, việc ép chỉ tiêu KPI cho nhân viên ngân hàng cũng là thực trạng đáng lên án. Phó Thống đốc cho biết, cùng với các đề xuất siết lại các khâu vận hành, quản lý và giám sát nói trên, gỡ hoặc bớt áp lực KPI cho nhân viên có thể khiến ngân hàng giảm hoặc không đạt doanh số cao trước mắt, nhưng tạo chiều sâu cho ngành bảo hiểm với mục tiêu lâu dài và lớn hơn.
Nghiêm túc chấp hành quy định tại Luật các tổ chức tín dụng
Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn bộ hệ thống, không để xảy ra trường hợp “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm…
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.
Nhằm góp phần đảm bảo hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức này được thực hiện an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật, mang đến giá trị gia tăng cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức nghiêm túc chấp hành các quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác về hoạt động đại lý bảo hiểm.
Các tổ chức này phải cung cấp thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm... đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; Giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức; Không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.