Bỏng toàn thân vì dùng thuốc tắm trắng trị bệnh viêm da cơ địa

Da của người bị viêm da cơ địa (eczma) thường rất dễ bị tổn thương, kém mịn màng và màu da không tươi sáng. Do đó ngoài điều trị thì không ít người tìm đến các biện pháp giúp làn da trắng sáng hơn, và đã gặp phải hiểm họa sau khi dùng thuốc tắm trắng da không đúng cách..

1. Bỏng da sau 2 lần tắm trắng bằng thuốc không đúng cách

Chị Nguyễn Kim Thùy (38 tuổi – Thủ Đức, TP.HCM) bị viêm da cơ địa. Các đợt cấp tính khiến vùng da tổn thương bị nổi mụn nước nhỏ, nông, chảy dịch gây phù nề, vảy tiết, nóng rát và sưng đau. Nhưng sau đợt cấp tình thì làn da vẫn luôn khô, sần sùi, thô ráp, thâm sạm, dày sừng, nứt nẻ, ngứa âm ỉ đến dữ dội.

Nghe bạn khuyên sử dụng một loại thuốc pha với nước để tắm có thể vừa giúp điều trị được bệnh viêm da cơ địa lại vừa giúp da trắng mịn hơn, nên đã cạy cục nhờ mua bằng được. Theo hướng dẫn, chị pha một cốc bột nguyên liệu tẩy trắng vào bồn tắm với nước ấm, sau đó ngâm cả người vào đó trong 30 phút. Lúc đầu, chị cảm thấy hơi đau rát, nhưng triệu chứng không quá khó chịu nên bỏ qua. 3 ngày sau chị lại tiếp tục liệu trình như trên. Lần này triệu chứng đau, rát bỏng tăng lên, nhưng chị nghĩ chỉ cần chịu đựng sự mài mòn phần da sần sùi thâm sạm, sau đó trả lại làn da mới trắng trẻo mềm mại, cố gắng chịu đựng.

Liệu pháp tắm trắng trong điều trị viêm da cơ địa cần theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Tuy nhiên, sau lần thứ 2 tắm trắng này, Thùy cảm thấy người run rẩy, da bắt đầu phồng rộp, không thể đi lại được… Vì vậy người nhà đã phải gọi xe cứu thương đưa đưa đến bệnh viện. Sau 2 tuần điều trị, tình trạng chung về sức khỏe của Thùy đã không còn nguy hiểm, nhưng những tổn thương da toàn thân còn cần tiếp tục điều trị lâu dài, một số chỗ bị tổn thương nặng có thể để lại sẹo vĩnh viễn…

Sau khi nghe bác sĩ giải thích và tìm hiểu thêm qua các tài liệu, chị Thùy mới rõ hơn về loại thuốc đã dùng để tắm trắng. Đó là một loại thuốc chứa hoạt chất sodium hypochlorite (NaOCl). Đây thực chất là một loại thuốc tẩy, khi pha loãng với nồng độ đúng theo tiêu chuẩn, thuốc tẩy này có tác dụng giúp tiêu diệt vi khuẩn trên da, giảm ngứa, đỏ và vảy đóng trên da.

2. Tắm như thế nào để không bị bỏng da?

Theo BS. Hoàng Mai Phương (TTBSGĐ Hà Nội), viêm da cơ địa hay còn gọi là eczema là bệnh lý da mạn tính rất phổ biến. Trên thế giới có khoảng 230 triệu người bị viêm da cơ địa. Đặc biệt là ở những người có cơ địa dị ứng như bị hen phế quản, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Viêm da cơ địa gặp ở 20% trẻ sơ sinh, khoảng 80% trẻ em dưới 6 tuổi. Bệnh gặp ở người lớn thường là viêm da cơ địa mạn tính và thỉnh thoảng sẽ dấy lên các đợt bùng phát.

Biện pháp tắm bằng thuốc chứa hoạt chất sodium hypochlorite pha loãng là một trong những phương pháp đã được chứng minh hỗ trợ điều tri bệnh giúp làm giảm các triệu chứng của viêm da cơ địa.

Theo Học viện da liễu Hoa Kỳ, khi thêm khoảng 6% thuốc tẩy hòa vào nước tắm để tắm có thể làm giảm các triệu chứng một số bệnh ngoài da. Tạp chí The journal of Dermatology cũng đã đăng tải một vài nghiên cứu khoa học chứng minh phương pháp tắm tẩy trắng làm giảm đáng kể về diện tích eczema và về mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Nhưng điều gì có thể xảy ra khi dùng phương pháp tắm trị liệu này? Đó là do sử dụng mà không biết đến liều lượng và cách sử dụng ra sao cho đúng. Dù trị liệu tắm tẩy trắng là một liệu pháp điều trị hợp pháp, nhưng phải được bác sĩ chuyên khoa da liễu khuyên dùng. Trên thực tế lâm sàng, đã ghi nhận không ít trường hợp khi pha 1/2 cốc nguyên liệu tắm tẩy trắng đã đủ để gây tổn hại nghiêm trọng cho da.

Hơn nữa, thời gian ngâm thuốc cho lần đầu chỉ khoảng từ 5 đến 10 phút cho một lần tắm tẩy trắng, nếu ngâm lâu hơn khoảng thời gian này sẽ làm gia tăng nguy cơ tổn thương da.

Bệnh viêm da cơ địa ảnh hưởng đến khoảng 230 triệu người trên thế giới.

Theo BS.Hoàng Mai Phương, tốt nhất nên thực hiện phương pháp này tại các cơ sở dịch vụ hợp pháp, có uy tín và được thực hiện bởi các chuyên gia có trình độ chuyên môn. Không nên tự ý thực hiện tại nhà hoặc tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện chuyên môn.

Trường hợp bác sĩ cho phép thực hiện tại nhà, cần chú ý tuyệt đối những yêu cầu sau:

- Chỉ sử dụng dung dịch sodium hypochlorite có nồng độ 6%, không sử dụng những loại có nồng độ đậm đặc.

- Sử dụng ly hoặc muỗng có vạch chia chuyên dụng, lấy đủ lượng thuốc tẩy để pha với nước tắm. Nếu lấy nhiều hơn lượng thuốc cần pha có thể làm kích ứng da. Nếu lấy một lượng quá ít thuốc tẩy thì có thể sẽ không có hiệu quả điều trị.

- Cần tính toán lượng thuốc tẩy và lượng nước để được dung dịch vừa đủ. Ví dụ: Một bồn tắm đầy nước theo quy chuẩn khoảng 150 lít nước thì cần một lượng khoảng 118ml (nửa ly) thuốc tẩy. Nếu chỉ tắm nửa mức nước nêu trên thì sử dụng khoảng ¼ ly thuốc tẩy (khoảng 59ml).

- Pha thuốc với nước ấm để tắm, không dùng nước nóng vì gây khô da, khiến da càng dễ bị kích ứng.

- Không ngâm tắm cả vùng đầu, chỉ ngâm từ vùng cổ trở xuống hoặc chỉ ngâm tắm vùng da bị thương tổn và chỉ ngâm trong khoảng từ 5-10 phút.

- Thấm khô da bằng khăn tắm sạch mềm sau khi tắm. Bôi thuốc bôi được bác sĩ kê toa (nếu có) và kem dưỡng ẩm ngay sau đó.

- Bệnh nhân phải hạn chế không nên tắm trắng quá hai lần trong một tuần.

- Nếu thấy da có phản ứng khó chịu trong hoặc sau khi ngâm tắm thì cần dội sạch cơ thể lại bằng nước thường và thấm khô bằng khăn tắm.

Khi gặp phải tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng phương pháp này như: Khô da, nổi ban đỏ, khởi phát cơn hen, kích ứng niêm mạc mũi… Cần ngừng lại và thông báo cho bác sĩ điều trị biết để có phương pháp xử lý hiệu quả hơn.

Nguyễn Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bong-toan-than-vi-dung-thuoc-tam-trang-tri-benh-viem-da-co-dia-169231226122657038.htm