Bóng đá Việt và lỗ hổng đào tạo

Vụ việc 5 cầu thủ CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sử dụng ma túy một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về quản lý, đào tạo cầu thủ tại Việt Nam.

Giới chuyên môn cho rằng, muốn giải quyết tận gốc vấn đề, cần các biện pháp căn cơ, trong đó cầu thủ phải được uốn nắn từ khi chập chững đến với bóng đá.

Nhiều vết gợn

Làng bóng đá trong nước vừa được phen rúng động khi 5 cầu thủ thuộc biên chế CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị cơ quan công an tạm giữ vì liên quan tới ma túy. Trong số này có tiền vệ Đinh Thanh Trung - đội trưởng, cựu Quả bóng Vàng Việt Nam và hậu vệ Nguyễn Ngọc Thắng - một trong những cầu thủ trẻ giàu tiềm năng, từng khoác áo U23 Việt Nam dự giải châu Á.

Đinh Thanh Trung trong màu áo CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.

Cùng thời điểm, hậu vệ Vũ Văn Thanh của CLB Công an Hà Nội trong trận đấu với CLB Quảng Nam gây phẫn nộ khi xúc phạm trọng tài bằng lời lẽ thô tục sau khi bị thổi phạt. Đáng nói, Văn Thanh trưởng thành từ lò đào tạo CLB HAGL, nơi vốn nổi tiếng coi trọng đạo đức cầu thủ.

Liên quan tới CLB Quảng Nam, hồi giữa mùa giải, đội bóng này cũng trở thành tâm điểm khi đẩy tiền đạo Nguyễn Đình Bắc xuống đội trẻ vì lý do vi phạm kỷ luật. Thời điểm đó, Đình Bắc đang nổi như cồn với những màn trình diễn xuất sắc trong màu áo U23 Việt Nam lẫn đội tuyển Việt Nam, là lựa chọn ưu tiên của HLV Philippe Troussier.

Thanh Trung, Ngọc Thắng, Văn Thanh hay Đình Bắc có điểm chung đều là những cầu thủ tài năng, có hoặc đã từng đóng góp cho các cấp độ đội tuyển lẫn CLB. Về lý thuyết, họ phải là tấm gương cho đồng đội, các cầu thủ trẻ nhưng vì nhiều lý do đã để lại những vết gợn không đáng có.

Không bất ngờ

Đáng nói hơn, suốt quãng thời gian kể từ khi bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, những sự việc tương tự không phải hiếm. Thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi nhiều cầu thủ bán độ, dàn xếp tỷ số và đánh mất luôn sự nghiệp.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng, việc cầu thủ Việt Nam dính tràm hay nhẹ hơn là hành xử thiếu văn hóa nếu đặt trong bối cảnh chung của cả nền bóng đá thì không bất ngờ: "Khi mọi thứ từ thượng tầng đến hạ tầng đều không có những tiêu chuẩn chặt chẽ, quản lý lỏng lẻo, đào tạo thiếu cân bằng, đương nhiên sẽ xuất hiện sai số. Ngoài những biểu hiện đã nêu, còn có việc cầu thủ vào sân đá rắn, đá bậy, tạo nên hình ảnh phản cảm".

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Thanh, nguyên Tổng giám đốc CLB SLNA nhận định, thực tế đây là câu chuyện chung của các nền bóng đá đang phát triển: "Cầu thủ giàu lên nhanh chóng, được tung hô dẫn tới ảo tưởng và kém hiểu biết đều có thể dẫn đến sa ngã. Nhẹ thì vi phạm kỷ luật, nặng thì vi phạm pháp luật, phải trả giá rất đắt".

Bịt lỗ hổng bằng cách nào?

Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, việc đào tạo và quản lý kém sẽ gây hại cho nền bóng đá. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán này lại không đơn giản. "VFF cần phải có những quy định siết chặt công tác đào tạo, quản lý cầu thủ; Cần những chế tài chặt chẽ, đủ sức ràng buộc đội bóng, cầu thủ vào khuôn khổ.

Về phần mình, các CLB, trung tâm đào tạo phải uốn nắn cầu thủ từ nhỏ, chú trọng việc đào tạo các sản phẩm toàn diện. Tôi biết vẫn có những HLV khi dạy cầu thủ trẻ còn dạy tiểu xảo, dạy cách lách luật. Như vậy làm sao các em có thể thành một cầu thủ tốt?", ông Hải phân tích.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Thanh cho rằng, bên cạnh vấn đề chuyên môn, hai yếu tố quan trọng cần được bổ sung cho cầu thủ là văn hóa và pháp luật: "Văn hóa là ứng xử trên sân với đồng đội, đối thủ, trọng tài, CĐV. Một cầu thủ không có văn hóa đương nhiên không thể trở thành cầu thủ tốt.

Còn pháp luật là những điều mọi công dân đều phải tuân thủ. Cá độ hay sử dụng ma túy đều là thứ pháp luật nghiêm cấm, vi phạm sẽ dẫn tới vướng vòng lao lý, ngồi tù. Văn hóa, pháp luật phải được bồi đắp thường xuyên, liên tục như một nhiệm vụ bắt buộc suốt quá trình phát triển của cầu thủ. Chỉ thế mới hình thành nên các sản phẩm tốt, chuẩn mực. Đáng tiếc là hiện nay đa phần các lò đào tạo, các đội bóng đều chưa chú trọng việc này".

HLV Triệu Quang Hà cho rằng, bản thân các cầu thủ khi mắc sai lầm đa phần đều không ý thức được hậu quả, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân, sự nghiệp và cả tương lai phía trước.

"Vì lẽ đó, các đội bóng rất cần đội ngũ pháp chế, các luật sư. Bên cạnh xử lý tranh chấp, bảo vệ quyền lợi CLB, còn phải tạo ra cho cầu thủ ý thức tuân thủ pháp luật trong sinh hoạt. Bản thân các nhà quản lý, HLV cũng cần trang bị kiến thức pháp luật để quản quân nghiêm ngặt hơn", ông Hà nói.

Bóng đá Việt Nam từng mất thần đồng vì cá độ

Tại SEA Games 23 diễn ra tại Philippines, nhóm cầu thủ 6 người của U23 Việt Nam gồm: Lê Quốc Vượng, Trần Hải Lâm, Lê Văn Trương, Lê Bật Hiếu, Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh đã tham gia dàn xếp tỷ số trận gặp U23 Myanmar tại vòng bảng.

Vụ việc được TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 25/1/2007 và phúc thẩm ngày 20/4/2007. Lê Quốc Vượng bị tuyên án tù (4 năm), các cầu thủ khác chỉ bị án treo do có các tình tiết giảm nhẹ.

Thời điểm dính tràm, Văn Quyến là thần đồng của bóng đá Việt Nam, nhận rất nhiều kỳ vọng. Việc phải nghỉ thi đấu quá lâu khiến anh dù sau đó trở lại cũng không tạo ra được nhiều dấu ấn trước khi giải nghệ năm 2015.

An Khuê

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bong-da-viet-va-lo-hong-dao-tao-192240513214648649.htm