Bốn động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm
Thừa nhận mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 là nhiệm vụ rất nặng nề, song theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương, Việt Nam vẫn có những thuận lợi nhất định với bốn động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua 2/3 chặng đường của năm 2023 với tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương, trước kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 3,72%, mức thấp hơn nhiều so với các mục tiêu đề ra, nhiệm vụ cho những tháng cuối năm là rất nặng nề. Muốn đạt được mục tiêu đã đề ra thì mức tăng trưởng quý III và IV phải đạt khá cao, từ 7 - 9%.
Đây là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế trong bối cảnh hậu Covid-19 kéo dài; cạnh tranh địa chính trị giữa các nước ngày càng gay gắt. Kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi chậm, lạm phát có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn neo ở mức cao; tổng cầu và tổng cung suy yếu, nhiều thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.
Ở trong nước, nền kinh tế cũng chịu tác động kép từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và các hạn chế nội tại kéo dài nhiều năm, bộc lộ rõ hơn trong khó khăn. Khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.
Vận hội lịch sử của Việt Nam trước bước ngoặt kinh tế thế giới
Về giải pháp đột phá gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, ông Phương cho biết, bên cạnh những khó khăn, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn có những thuận lợi nhất định như bối cảnh kinh tế vĩ mô được kiểm soát khá tốt từ đầu năm đến nay. Chỉ số CPI theo xu thế giảm dần và ở mức thấp; chính sách tài khóa tiền tệ được thực hiện rất tốt.
Bốn động lực của tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng là dịch vụ, nông nghiệp, tiêu dùng trong nước và đầu tư công.
Theo đó, trước hết là sự phục hồi khá tốt của khu vực dịch vụ. Theo ông Phương, đây là điểm nhấn để tập trung hơn nhằm đóng góp cho tăng trưởng, đặc biệt là du lịch. Ngành du lịch của Việt Nam trong những tháng qua phục hồi và phát triển rất tốt.
Thứ hai là tập trung củng cố và phát triển khu vực nông nghiệp - trụ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh căng thẳng lương thực trên thế giới. Đây là ngành luôn được chú trọng khi kinh tế gặp khó khăn.
Điểm thuận lợi của Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản tốt. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là Việt Nam cần cân đối để vừa phục vụ tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an ninh lương thực nội địa.
Động lực thứ ba là thị trường tiêu dùng trong nước. Thủ tướng đã có chỉ đạo phải kích thích thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là liên quan đến kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Việc phát triển thị trường trong nước sẽ giúp tạo sức cầu lớn cho các doanh nghiệp khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất hướng tới thị trường trong nước. Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội để duy trì cũng như mở rộng sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Đó là những động lực cần tập trung nhiều hơn để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất từ nay đến cuối năm.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thường xuyên nắm bắt tình hình, tận dụng cơ hội để tăng thêm các đơn hàng quốc tế nhằm tăng cường xuất khẩu, duy trì các hoạt động sản xuất, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo cho các doanh nghiệp trong nước, ông Phương nhấn mạnh.
Về giải ngân vốn đầu tư công, mặc dù còn chậm nhưng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 8/2023 là cao nhất so với cùng kỳ tháng 8 năm trước và trong vòng 5 năm trở lại đây. Đây chính là điều khiến Việt Nam có thể có niềm tin về việc đạt được mục tiêu cao trong giải ngân từ nay đến cuối năm 2023.
Theo đó, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023 đạt 299.447 tỷ đồng, 39,6% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 42,35% thì tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng kế hoạch năm 2023 tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022, cùng kỳ năm 2022 đạt 29,74% kế hoạch.
Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh tiến độ và triển khai nhanh các thủ tục giải ngân. Hiện nay, toàn bộ hệ thống phục vụ cho công tác giải ngân và thủ tục hành chính đã sẵn sàng. Từ nay đến cuối năm, ông Phương tin tưởng mức 95% giải ngân vốn đầu tư công mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sẽ đạt được trong năm 2023.