Bộ Y tế đề xuất tăng thuế với thuốc lá theo lộ trình để chiếm 75% giá bán lẻ

Bộ Y tế đề xuất chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp và tổng mức thuế phải đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng. Đồng thời, tăng thuế theo lộ trình đều đặng để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo.

Ngày 20/9, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phối hợp với các bên liên quan tổ chức hội thảo: "Sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe" để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường vì lợi ích sức khỏe cộng đồng.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

“Ở Việt Nam có một nghịch lý, sữa cho trẻ thì quá đắt mà thuốc lá lại quá rẻ. Thuế thuốc lá của Việt Nam chỉ bằng 1/6 của Thái Lan. Thuốc lá rẻ dẫn đến người dân và trẻ em dễ dàng tiếp cận, lựa chọn. Do đó, cần tăng thuế thuốc lá để giảm bệnh tật và tử vong", bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Dẫn chứng bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm cho biết, trong giai đoạn từ 2010 - 2020 (mặc dù có các lần tăng thuế 2016, 2019), giá/thuế thuốc lá tăng hầu như không đáng kể. Trong khi đó, thị trường sản phẩm quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, khiến người mua có thể dễ dàng lựa chọn thay thế để giữ nguyên mức chi.

Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Cụ thể, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị phương án thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam ở mức: Mức 5.000 đồng/gói năm 2026; mức 7.500 đồng/gói vào năm 2027; mức 10.000 đồng/gói năm 2028; mức 12.500 đồng/gói năm 2029; mức 15.000 đồng/gói năm 2030.

Theo phương án khuyến nghị này (đạt mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao thuốc và giữ nguyên mức thuế tỷ lệ 75% vào năm 2030) sẽ giúp tỷ lệ hút thuốc giảm tương đối 13%. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam và nữ sẽ giảm xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam.

Phương án này cũng sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, ước tính giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020. Các mức này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế hàng thực, đã điều chỉnh theo lạm phát, hàng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế từ thuốc lá so với năm 2020.

Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, một số mặt hàng như thuốc lá là sản phẩm có hại. Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã đưa mặt hàng này vào, đây là tín hiệu đáng mừng. Dự kiến tháng 10 tới, Dự thảo sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội và thông qua vào tháng 5/2025. Bộ Y tế đã liên tục nhận được thư kiến nghị về việc giảm thuế, giãn lộ trình tăng thuế với thuốc lá; tuy nhiên Bộ cũng nhận được đề nghị của WHO và nhiều tổ chức về việc cần tăng mức thuế hơn nữa đảm bảo tiệm cận được với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bà Thủy nêu rõ, Bộ Y tế cũng đề xuất bổ sung tuyệt đối cùng với thuế theo tỷ lệ để chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp và tổng mức thuế phải đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng. Đồng thời, tăng thuế theo lộ trình đều đặng để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiến 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo.

Hà Linh

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bo-y-te-de-xuat-tang-thue-voi-thuoc-la-theo-lo-trinh-de-chiem-75-gia-ban-le-d52196.html