Bộ Y tế công bố kế hoạch phân bổ vaccine COVID-19 tại TP.HCM
Trong tổng số vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 đưa về Việt Nam đợt này, TP.HCM sẽ được phân bổ ít nhất 800.000 liều.
Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc cùng Sở Y tế TP.HCM về việc xây dựng kế hoạch và các công tác chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng 800.000 liều vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Ban Chỉ đạo tiêm chủng Quốc gia cũng chỉ đạo ngành y tế TP.HCM cần xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm chủng (trong thời gian 5-7 ngày). Kế hoạch tiêm chủng cần cụ thể về phân bổ số lượng, đối tượng tiêm chủng, lịch tiêm chủng, kế hoạch đảm bảo an toàn tiêm chủng, kế hoạch ứng trực cấp cứu…
Báo cáo về kế hoạch triển khai tiêm chủng tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ trước đó ngành y tế thành phố đã xây dựng các kế hoạch triển khai tiêm chủng với nhiều kịch bản khác nhau, dựa trên số lượng vaccine được phân bổ từ 500.000 liều cho đến 10.000.000 liều, nhằm sẵn sàng huy động nhanh chóng các lực lượng để thực hiện chiến dịch tiêm chủng phù hợp.
Đối với kế hoạch tiêm chủng 800.000 liều được phân bổ trong đợt thứ 4, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, thành phố dự kiến thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng như người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… với số lượng khoảng 1 triệu người.
Về việc tổ chức tiêm chủng, thành phố dự kiến tổ chức các điểm tiêm chủng trong cộng đồng, bao gồm các điểm tiêm chủng tại Trung tâm y tế, Trạm y tế, các điểm tiêm lưu động với khoảng 1.000 điểm tiêm/ngày. Tại mỗi điểm có thể thực hiện tiêm chủng cho 200 người/ngày, tổng công suất đạt mức 200.000 người/ngày.
Ngoài TP.HCM còn có 37 đơn vị khác được phân bổ vaccine đợt này, gồm CDC một số tỉnh, thành phố, các viện, bệnh viện, trường cao đẳng, các tổng công ty, công ty, trung tâm pháp y các vùng miền, lực lượng công an tại TP.HCM và Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng.
Trong số các bệnh viện được phân bổ thì Bệnh viện Bạch Mai nhiều nhất với 33.000 liều, Bệnh viện Nhi Trung ương 25.000 liều. Bệnh viện E 18.000 liều, Bệnh viện Hữu nghị 5.000 liều, Bệnh viện Việt Đức 3.000 liều. Ở lần phân bổ này, Viện Pasteur TP.HCM nhận 7.000 liều, Dự án tiêm chủng quốc gia 3.000 liều.
Cục Quân Y Bộ Quốc phòng được phân bổ 35.000 liều, lực lượng công an tại TP.HCM (bảo quản tại kho của CDC TP.HCM) 20.000 liều.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phải thực hiện tiếp nhận, bảo quản, gửi mẫu kiểm định chất lượng và vận chuyển ngay vaccine tới Dự án TCMR khu vực để phân bổ ngay cho các địa phương, đơn vị theo danh sách đã ban hành. Riêng với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cấp phát vaccine cho CDC nơi có đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn để tiếp nhận vaccine.
Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Tiêm chủng mở rộng khu vực, các đơn vị, địa phương tiếp nhận, sử dụng vaccine phải chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, báo cáo theo từng nguồn vaccine được phân bổ (bao gồm các vaccine đã điều phối giữa các đơn vị, địa phương) và báo cáo kết quả tiêm chủng về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng), các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo phân vùng quản lý.