Bỏ việc lương nghìn USD để nghỉ ngơi, học hỏi thêm

Với một số người, gap year sau nhiều năm đi làm là quãng thời gian cần thiết để học hỏi thêm, định hướng lại cuộc đời và sự nghiệp trong tương lai.

* Gap year kỳ nghỉ kéo dài khoảng 12 tháng, trong đó mọi người sẽ tạm gác các công việc, học tập để thực hiện những kế hoạch khác nhằm nâng cao kỹ năng kiến thức.

Ở độ tuổi 31, Hà Mạnh (làm việc tại TP.HCM) từ bỏ công việc trong ngành marketing và truyền thông sau 10 năm gắn bó. Lúc đó, anh nhận mức lương đáng mơ ước với nhiều người.

Mạnh không phải người duy nhất quyết định dừng chân khi sự nghiệp đang thăng hoa. Nhiều người gap year khi thấy cần nghỉ ngơi, học hỏi thêm và "nâng cấp" bản thân.

Hòa Trần cũng nhận ra đến lúc mình cần dừng lại nghỉ ngơi.

Gap year ở độ tuổi 30

Với Hà Mạnh, gap year được lên kế hoạch trước một năm. Anh nhận ra mình cần nghỉ ngơi kể từ ngày đi làm, anh luôn bận rộn với công việc, không đủ thời gian cho cuộc sống cá nhân.

Nguyễn Thành (29 tuổi) cũng rời vị trí giám đốc Sales & Marketing sau 5 năm gắn bó với công ty cũ ở TP.HCM. Anh quyết định ra đi vì nhận ra công việc, định hướng của công ty không còn phù hợp với mục tiêu của bản thân. Trước khi nghỉ, anh có khoản tiết kiệm đủ để tự tin gap year.

Hòa Trần (32 tuổi, ở TP.HCM) lại nghỉ việc sau 10 năm gắn bó. Ban đầu, anh không có ý định gap year. Sau khi về thăm gia đình, dành thời gian đi du lịch, anh quyết định kéo dài kỳ nghỉ bằng khoản tiền tiết kiệm.

Không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của gap year. Những người chọn tạm dừng một năm ở độ tuổi xây dựng sự nghiệp khó tránh khỏi sự phản đối từ gia đình cũng như định kiến từ bạn bè, người xung quanh.

Nguyễn Thành không tiết lộ chuyện anh gap year cho gia đình hay bạn bè bởi không muốn người khác can thiệp vào cuộc sống riêng. Anh sống một mình ở thành phố, hạn chế gặp gỡ mọi người.

Nhưng khó khăn nhất họ phải đối mặt là cảm giác hoang mang, lạc lõng của bản thân.

Hòa dành thời gian để tự học và đọc sách.

Một năm học thêm cái mới, làm điều mình thích

Bỏ qua cảm giác hoang mang thời gian đầu, họ tìm đến những thứ khác để cuộc sống vẫn phong phú và nâng cấp chính mình.

Trong thời gian gap year, Hà Mạnh vừa học vừa làm một số dự án cá nhân. Anh học trồng cây, pha cà phê, làm phim. Anh cũng chú trọng chăm sóc bản thân hơn sau nhiều năm bận rộn với công việc.

Nguyễn Thành lập thời khóa biểu tuần, đồng thời đặt mục tiêu cụ thể cho từng tháng. Anh vẫn bám sát khung giờ làm việc như trước để nhanh chóng thích nghi khi quay lại cuộc sống công sở. Lịch trình hàng tuần đều đặn của anh xoay quanh những việc như tập gym, đọc sách, viết blog, tự học.

Hòa Trần lại học thêm tiếng Thái, thiết kế, có thêm những trải nghiệm mới như leo núi, du lịch. Anh cũng dành thời gian đọc sách, nghe sách nói, podcast để nâng cao vốn hiểu biết.

Cả Mạnh, Hòa và Thành đều nhận công việc freelance trong thời gian gap year. Tuy nhiên, họ chỉ nhận công việc phù hợp, không đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu.

Cả 3 chọn chia sẻ hành trình của mình qua kênh nội dung cá nhân. Hòa Trần chia sẻ hành trình gap year tuổi 30 trên nền tảng xã hội. Hà Mạnh kể về những chuyến đi đến khắp mọi miền đất nước. Thời gian này anh bén duyên với việc làm phim tài liệu. Series phim Đi ăn một mình của anh nhận được sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Nguyễn Thành tập trung nhiều hơn vào việc viết blog với loạt bài chia sẻ trải nghiệm gap year của mình.

Quãng thời gian tạm dừng làm việc cho họ cơ hội tận hưởng kỳ nghỉ dài chưa từng có sau nhiều năm đi làm. Họ cũng tạo dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với gia đình, bạn bè.

Hòa Trần về sống cùng gia đình ở Hà Nội sau 10 năm sống riêng tại TP.HCM. Nguyễn Thành kết nối lại với bạn cũ có sự đồng điệu với mình, hạn chế những mối quan hệ xã giao. Điều đặc biệt quan trọng, họ có cơ hội trở về kết nối lại với chính mình, chăm sóc bản thân, định hướng lại chặng đường tiếp theo.

Hà Mạnh quyết định dành thêm một năm để gap year.

Lựa chọn sau một năm gap year

Sau thời gian tạm nghỉ, họ đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân hơn. Hà Mạnh quyết định dành thêm một năm gap year để thực hiện những dự án phim tiếp theo. Ngoài ra, anh cũng tham gia dự án startup về công nghệ trong mảng nội dung âm thanh. Dù nghỉ việc, anh thấy mình làm nhiều hơn trước.

Hòa Trần cũng quyết định kéo dài thêm một năm gap year vì nhận ra vẫn còn nhiều thứ muốn học và làm. Sau khi kết thúc 2 năm tạm nghỉ, anh sẽ đặt mục tiêu kiếm tiền trở lại.

Anh cho biết không quá lo lắng khi quay lại thị trường lao động sau thời gian nghỉ dài bởi trước đó, anh từng tự học, nâng cao kỹ năng để đi lên từ mức lương thấp. Hiện tại, với kiến thức, kinh nghiệm sẵn có, anh có thể rút ngắn quá trình.

Còn Nguyễn Thành sau một năm tạm nghỉ đã đến với ngã rẽ mới là trở thành biên tập viên sách. Đây là công việc phù hợp với năng lực và mục tiêu của anh ở thời điểm hiện tại. Sau một khoảng thời gian đi làm trở lại, anh hoàn toàn hài lòng với công việc mới.

"Mình được làm việc mình thích, yêu việc mình làm, thỏa mãn năng lực tiềm tàng của bản thân", anh Thành cho biết.

Hà Mạnh cho rằng gap year cần thiết với những ai gặp áp lực lớn trong cuộc sống hoặc cần thay đổi môi trường để có trải nghiệm mới. Anh làm trong lĩnh vực sáng tạo nên không thể ngồi một chỗ nghĩ ra mọi thứ.

Các chuyến đi, trải nghiệm, tiếp xúc với nhiều người đã cho anh ý tưởng mới. Trên hành trình của mình, anh gặp những bạn trẻ có trải nghiệm gap year. Hầu hết đều coi đó là liều thuốc quý cho sức khỏe tinh thần.

Với Hòa Trần, khoảng thời gian gap year như nút dừng cho người đang cắm đầu cắm cổ chạy đua trên con đường kiếm tiền. Đến lúc nào đó, họ cần dừng lại để nhìn nhận mọi thứ, xem mình thật sự cần gì, muốn gì, đi đúng hướng không.

Anh cho rằng việc nghỉ ngơi không cần đến cả năm vì không phải ai cũng đủ điều kiện tài chính cho việc đó. Đôi khi, người ta chỉ cần vài tháng, vài tuần hay thậm chí vài giờ, vài phút mỗi ngày gác lại tất cả công việc đang làm để dành thời gian cho bản thân. Với anh, gap year là khoảng thời gian cần thiết để hiểu bản thân, nâng cao kiến thức qua việc tự học, trải nghiệm.

Gap year đã cho Thành biết đến cảm giác tự do, dư giả thời gian, tự làm chủ cuộc sống theo cách của mình. Một năm nghỉ ngơi giúp anh thay đổi rất nhiều về nhận thức, tư duy, trở nên sâu sắc, chín chắn hơn.

Những thứ mơ hồ trước kia đã trở nên rõ ràng. Anh biết phải làm gì tiếp theo với đời mình, nên đi con đường nào, tập trung vào việc gì, dành thời gian để làm gì.

Hằng Nga

Ảnh: NVCC.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-viec-luong-nghin-usd-de-nghi-ngoi-hoc-hoi-them-post1308619.html