Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất cấm buôn bán di vật, cổ vật ra nước ngoài
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đề xuất sửa đổi một số điều về quản lý và chuyển nhượng cổ vật, nhằm tránh tình trạng chảy máu cổ vật và chống buôn bán trái phép di sản văn hóa theo Công ước 1970 của Unesco.
Theo Bộ Tư pháp, Hồ sơ thẩm định dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được thẩm định.
Đáng chú ý, Điều 41 của dự thảo quy định di vật (hiện vật được lưu truyền lại), cổ vật (hiện vật được lưu truyền lại từ 100 năm tuổi trở lên), bảo vật quốc gia (hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước) thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp; không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho.
Trường hợp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế trong nước theo quy định của pháp luật. Trong đó, di vật và cổ vật được phép kinh doanh trong nước, còn bảo vật quốc gia không được kinh doanh.
Điều 42 của dự thảo quy định Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân, chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Việc chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự và các pháp luật khác liên quan.
Dự thảo có nhiều điểm cải thiện những hạn chế và bất cập trong Luật Di sản hiện hành. Đơn cử là quy định về quy hoạch khảo cổ; quy định đăng ký bảo vật quốc gia; quy định về cho phép, mua bán, trao đổi, tặng cho và kế thừa ở nước ngoài đối với di vật, cổ vật không thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để tránh tình trạng “chảy máu” cổ vật và chống buôn bán trái phép di sản văn hóa theo Công ước 1970 của Unesco.
Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009.
Qua hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, bên cạnh những thành tựu, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức.
Trước đó, tại Hội nghị - Hội thảo xin ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ VHTT&DL tổ chức hồi tháng 11, Cục trưởng Cục Di sản Lê Thị Thu Hiền cho biết, dự thảo có nhiều quy định mới được bổ sung như: Quy định biện pháp xử lý đối với các trường hợp di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam sau khi được đưa vào các danh sách của Unesco không thực hiện đúng Chương trình hành động bảo vệ di sản đã cam kết với Unesco; Bổ sung quy định liên quan đến loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng…
Bổ sung Quy định Khu vực Đô thị mang những giá trị tiêu biểu đặc trưng về các khía cạnh lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đối với dân cư địa phương, quốc gia, hoặc cộng đồng quốc tế... Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam...
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.