Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Tranh thủ từng giây, từng phút để giải ngân
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị tập trung giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm, đảm bảo tiến độ được Chính phủ giao.
Sớm trình đề án thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư
Phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT ngày 10/7/2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 37% là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, để có thể giải ngân hết 63% còn lại (tương đương gần 60.000 tỷ đồng) trong 6 tháng cuối năm là cả một vấn đề.
“Phải quyết liệt, tranh thủ từng giây từng phút, nỗ lực giải ngân. Lãnh đạo Bộ đã quyết liệt đi thị sát từng dự án, phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn. 6 tháng cuối năm cần tập trung tối đa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh hơn nữa đi hiện trường và làm việc với các địa phương để kịp thời gõ khó cho các nhà thầu, từ đó mới hi vọng hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư tham mưu có chế tài xử lý với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án giải ngân không đạt tiến độ.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các chủ đầu tư bám sát công trường, tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu, đảm bảo nhà thầu có đủ năng lực tài chính; tranh thủ thời tiết thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án cao tốc đúng yêu cầu; kịp thời báo cáo Bộ tháo gỡ những vấn đề vượt thẩm quyền của ban quản lý dự án và chủ đầu tư; Điều chuyển các dự án giải ngâm chậm...
Vụ Tài chính cần sớm hoàn thiện và trình đề án thu phí đường bộ cao tốc do ngân sách Nhà nước đầu tư, xử lý tồn tại bất cập của các dự án BOT cũng như đẩy nhanh việc đấu thầu đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ cao tốc giai đoạn 1…
Nhiều nhiệm vụ lớn trong 6 tháng cuối năm
Theo Bộ trưởng Thắng, 6 tháng đầu năm nay dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, nỗ lực cố gắng của tập thể toàn ngành, Bộ GTVT cơ bản hoàn thành các mặt công tác đề ra.
Để hoàn thành các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm nay, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, tham mưu kịp thời các nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, tiến độ về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Đi sâu từng lĩnh vực, Bộ trưởng chỉ đạo các cục chuyên ngành cần tăng cường thanh kiểm tra quản lý về đường thủy nội địa; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; kiểm soát chặt chẽ slot (điều phối giờ cất, hạ cánh) của các hãng hàng không. Sở GTVT địa phương tăng cường thanh kiểm tra, thông qua công nghệ có chế tài xử lý nghiêm vi phạm hoạt động vận tải.
Cục Đường bộ VN cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường phòng chống tham nhũng tiêu cực, triển khai thanh kiểm tra đào tạo lái xe... Cùng đó, cần tăng cường bảo trì đường bộ, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, khắc phục những bất cập về hạ tầng, tổ chức giao thông; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Phía Cục Đăng kiểm VN có trách nhiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, lãng phí. Rà soát các quy định liên quan đến cơ chế tài chính, giá dịch vụ, phí, lệ phí kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Cơ quan này cũng cần khẩn trương xây dựng Đề án “Đổi mới công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm”, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ, phân cấp quản lý đến địa phương; đẩy mạnh việc phân cấp cho địa phương trong công tác quản lý hoạt động kiểm định trên địa bàn theo hướng rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, ngăn ngừa sự can thiệp vào hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp…