Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Nhiều sáng kiến tăng thu ngân sách, tạo dư địa 'khoan thư sức dân'

Phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Định cho biết, trong bối cảnh khó khăn, những năm qua, Bộ Tài chính liên tục đổi mới, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, trong công tác quản lý thu thuế, góp phần thu đúng, thu đủ, đúng pháp luật vào NSNN. Từ đó, có nguồn lực để khoan sức dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thông qua các giải pháp về thuế, phí.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Vừa tăng thu ngân sách vừa hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử (từ 1/7/2022) góp phần tăng thu về cho NSNN. Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp, tăng thu NSNN từ những nguồn thu mà trước đây chúng ta chưa thu được.

Năm 2022 cũng là năm Bộ Tài chính triển khai việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Nhờ đó, đã góp phần tăng thu ngân sách từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Ước thu cả năm 2022 từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã triển khai thu thuế qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thực hiện quay hóa đơn may mắn…

Thông tin đến các ĐBQH, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023 có nhiều khoản thu giảm như thu từ thuế xuất nhập khẩu, thu từ dầu thô giảm, dẫn đến giảm thu NSNN. “Đó là những nguyên nhân khiến tốc độ thu ngân sách năm 2023 không được như năm 2022” - người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.

Nhưng về phía Bộ Tài chính, trong bối cảnh thu khó khăn do áp lực đến từ cả trong nước và ngoài nước, Bộ đã nỗ lực tìm mọi giải pháp, biện pháp, nỗ lực để tăng thu ngân sách. Các giải pháp nhằm tăng thu NSNN nhưng không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nghĩa là phải tìm cách thu những khoản thu tiềm năng, những khoản trước đây chúng ta chưa thu được. Ví dụ như tăng thu từ chuyển nhượng bất động sản, thu từ sàn thương mại điện tử… Qua thống kê, có 94 nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Đã kê khai nộp thuế trên Cổng là 14.500 tỷ đồng.

Ứng dụng công nghệ mới trong quản lý thu thuế

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2024 là năm cơ quan thuế sẽ tiếp tục tập trung thu thuế qua sàn thương mại điện tử trong nước, mua bán online. Hiện đã kết nối cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế với Cơ sở dữ liệu về dân cư của Bộ Công an. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để kiểm soát thị phần thanh toán. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó thu được thuế trong lĩnh vực này. Theo người đứng đầu ngành Tài chính, vừa qua đã thu được 50 nghìn tỷ đồng từ các khoản này. “Đây là nỗ lực lớn của Bộ Tài chính, phải có sáng kiến, sáng tạo, đi đầu về công nghệ mới làm được” - Bộ trưởng nói.

Bộ Tài chính cũng đã xây dựng phần mềm kiểm soát hóa đơn điện tử, chống gian lận trong hoàn thuế GTGT. Cơ quan thuế đã phát huy tính sáng tạo của các cán bộ công chức, thi đua đưa ra các biện pháp, sáng kiến và viết phần mềm kiểm soát vấn đề này. Đồng thời, kết nối hóa đơn điện tử có mã xác thực với nhà hàng, doanh nghiệp, triển khai quay số hóa đơn may mắn để khuyến khích người dân lấy hóa đơn.

Mới đây, Bộ Tài chính đã triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với các cửa hàng xăng dầu trong toàn quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 100% các cửa hàng trên toàn quốc thực hiện, đã xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng, dữ liệu được kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Bộ Tài chính liên tục sáng tạo, áp dụng đúng pháp luật trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn để thu đúng, thu đủ vào NSNN. Bộ Tài chính, cơ quan thuế đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen thưởng khi thực hiện thành công phát hành hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán hàng.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, các chính sách tài khóa đã khoan sức dân, hỗ trợ doanh nghiệp. Năm nay Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các giải pháp về thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Trong 3 năm qua, mỗi năm giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trung bình khoảng 200 nghìn tỷ đồng/năm. Dự kiến, 6 tháng cuối tiếp tục giảm thuế GTGT 2% cho nhiều đối tượng như đang thực hiện. Đây là những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đồng thời tăng cường tập trung thu NSNN.

Có thể khẳng định, chính sách tài khóa hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Nhờ có tăng thu NSNN đã có nguồn lực để đầu tư cho hệ thống đường cao tốc, các công trình trọng điểm, có tác động lan tỏa vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG (TP. HÀ NỘI): Thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp hiệu quả hơn

Tổng cầu trong nước còn yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%… Ngoài ra, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp); cầu nội địa và cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng trong nước cao.

Tôi cho rằng, cần tăng kích cầu trong nước, có chính sách tiếp tục miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí; có giải pháp cụ thể khơi thông hoạt động doanh nghiệp, để doanh nghiệp tin tưởng mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất… Hiện vẫn còn những rào cản liên quan đến thể chế còn tồn tại, do đó Quốc hội cần có nghị quyết cụ thể tháo gỡ vấn đề này. Chính phủ tiếp tục quan tâm tới áp lực về lạm pháp trong năm 2024, thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thực sự hiệu quả hơn.

* ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN (TP. HỒ CHÍ MINH): Ngành Tài chính đã nỗ lực tăng thu, giảm bội chi và nợ công

Phải khẳng định rằng, nhờ nỗ lực của ngành Tài chính, bội chi NSNN kéo giảm, thu NSNN năm 2023 là đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 8,2%. Sở dĩ GDP tăng mà thu NSNN thấp hơn có nguyên nhân từ giảm thu từ cân đối xuất nhập khẩu giảm, thu từ dầu thô giảm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã đảm bảo nguồn thu, tăng thu NSNN, kéo giảm bội chi ngân sách còn 3,5% GDP; kéo giảm nợ công, kiểm soát ở mức 37% GDP. Nhờ đó, đã có dư địa triển khai các giải pháp về tài khóa, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục tập trung 3 động lực và 3 khâu đột phá. 3 động lực đó là: xuất khẩu; đầu tư; tiêu dùng. 3 đột phá đó là: thể chế; hạ tầng và nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công.

* ĐBQH TRẦN CHÍ CƯỜNG (ĐÀ NẴNG): Doanh nghiệp gặp khó, liệu có nguyên nhân từ việc tiếp cận vốn?

Chính phủ cần phân tích, đánh giá một cách kỹ lưỡng về nguyên nhân và sự ảnh hưởng của số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn cả số lượng doanh nghiệp rút lui và ngừng hoạt động. Bởi thực tế các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cần thời gian để tiếp cận và mở rộng, tìm kiếm thị trường cho việc phát triển. Trong khi những doanh nghiệp đã có sẵn thị trường nhất định thì lại rút lui và ngừng hoạt động.

Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến Đề án phát triển 1 triệu doanh nghiệp của Việt Nam. Do đó, cần phân tích nhóm doanh nghiệp này tập trung ở lĩnh vực nào, ngành nghề nào? Nguyên nhân vì sao việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp không đạt được như kỳ vọng? Doanh nghiệp gặp khó, liệu có nguyên nhân từ việc tiếp cận vốn. Mặt bằng lãi suất đã kéo giảm, nhưng việc tiếp cận và vay vốn của doanh nghiệp thì lại thấp. Trong khi số lượng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn rất lớn.

* ĐBQH HÀ SỸ ĐỒNG (QUẢNG TRỊ): Giá vàng “nhảy múa” gây bất ổn ngoài dự tính

Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, đây là lần đầu tiên trong 5 năm, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm lại thấp hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Vậy, cần chính sách kích thích hỗ trợ cho doanh nghiệp như thế nào, đề nghị cần phân tích đánh giá để những chính sách kịp thời.

Một vấn đề quan trọng khác nổi lên thời gian qua là sự "nhảy múa" giá vàng, sự bất ổn của thị trường vàng gây tác động tiêu cực, ngoài dự tính. Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sao cho phù hợp và những giải pháp căn cơ hơn để giải quyết vấn đề này.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-ho-duc-phoc-nhieu-sang-kien-tang-thu-ngan-sach-tao-du-dia-khoan-thu-suc-dan-151466.html