Bộ sách về nguồn gốc chữ quốc ngữ
Tuy sử dụng tiếng Việt hằng ngày nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc chữ quốc ngữ. Bộ sách 'Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919)' và '100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ' sẽ đưa bạn đọc đến với hành trình sáng tạo và phát triển của văn tự này từ lúc khởi thủy đến giai đoạn hiện tại.
Ngày 27-7, tại Hà Nội, Omega Plus tổ chức buổi tọa đàm ra mắt hai cuốn sách của tác giả Phạm Thị Kiều Ly: "Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919)" và “100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ”.
Các tác phẩm được phát triển từ chính luận án tiến sĩ của TS. Phạm Thị Kiều Ly đã được trao giải thưởng luận án xuất sắc năm 2020 của GIS Asie (Groupement d’intérêt scientifique Études asiatiques - Nhóm nghiên cứu khoa học về châu Á). Sau khi bảo vệ luận án, tác giả đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung và xuất bản ở Pháp năm 2022 dưới tựa đề “Histoire de l’écriture romaniseé du vietnamien (1615-1919)” (Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919”).
Với tâm niệm “góp một viên gạch nhỏ vào việc làm sáng tỏ tiến trình lịch sử 400 năm qua” của chữ quốc ngữ và mang những kiến thức này đến với đại chúng, năm 2023, tác giả Phạm Thị Kiều Ly đã xuất bản cuốn truyện tranh về lịch sử chữ quốc ngữ dành cho trẻ em. Và năm 2024, nhân kỷ niệm 400 năm giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Maiorica đến Việt Nam, ấn bản tiếng Việt của công trình “Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919” chính thức được xuất bản.
Có thể nói, đây là một thành tựu nghiên cứu đầy đủ nhất từ trước cho đến nay về lịch sử chữ quốc ngữ với khung thời gian trải dài hơn 300 năm. Kế thừa và tiếp bước các thế hệ học giả tiền bối, TS. Phạm Thị Kiều Ly đã dày công trang bị kiến thức về tiếng La-tinh, tiếng Bồ Đào Nha và về cổ văn châu Âu để có thể tiếp cận, sưu tầm và phân tích các văn bản được viết bằng tiếng La-tinh, Bồ Đào Nha, Italia nằm rải rác ở văn khố Roma, Paris, Lisbon, Ávila và Madrid.
Tác giả chia sẻ: “Các học giả trước tôi thường nghiên cứu lịch sử chữ quốc ngữ và liên tưởng tới quá trình văn tự La-tinh hóa tiếng Nhật, tiếng Trung. May mắn thay, nhờ được nhiều thầy dẫn dắt, tôi đã hiểu được rằng, quá trình các thừa sai ghi các âm tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh nằm trong trào lưu chung của “ngữ học truyền giáo” từ thế kỷ XVI. Tuy nằm trong một trào lưu chung, nhưng việc chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam dưới tác động của bối cảnh chính trị, xã hội lại là một trường hợp đặc biệt ở Đông Á”.
Do đó, bên cạnh việc đúc kết lịch sử chữ quốc ngữ, tác giả Phạm Thị Kiều Ly còn lồng vào cuốn sách “Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919” những câu chuyện về lịch sử truyền giáo, lịch sử - chính trị Việt Nam từ phong kiến tới thời thuộc địa và bảo hộ, và phần nào đó là những câu chuyện về lịch sử báo chí, văn hóa, giáo dục ở Việt Nam một thời đoạn.
Bên cạnh đó, với mong muốn giới thiệu lịch sử chữ quốc ngữ một cách bình dị, dễ hiểu tới bạn đọc, tác giả cũng đồng thời ra mắt tác phẩm “100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ” với một cách tiếp cận khác về chữ quốc ngữ dưới dạng hỏi đáp.
Tác giả đã cố gắng đặt mình vào vị trí của độc giả để “tự vấn mình những vấn đề xoay quanh lịch sử chữ viết mà chúng ta dùng hằng ngày nhưng lại ít được đề cập đến trong chương trình giáo dục ở bậc phổ thông”: Vì sao mẫu tự La-tinh lại du nhập vào Việt Nam? Các thừa sai học tiếng Việt theo cách nào? Ai là người đầu tiên ghi đủ dấu thanh và nguyên âm của tiếng Việt? Vì sao bảng chữ cái tiếng Việt không có chữ “z”?, Chữ quốc ngữ chính thức được công nhận là văn tự của Việt Nam từ khi nào?...
Qua trả lời cho 100 câu hỏi này, tác giả giải thích được hoàn cảnh ra đời của chữ quốc ngữ, quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện của lối viết này đối với tiếng Việt. Việc đặt câu hỏi và đưa ra câu trả lời nhằm giúp độc giả nếu có tò mò về một vấn đề nào đó xoay quanh chữ quốc ngữ, nhưng lại không có thời gian đọc cả một cuốn sách hàn lâm thì có thể sẽ tìm thấy câu trả lời trong cuốn sách này.
Bộ đôi tác phẩm này thuộc Tủ sách “Hiểu Việt Nam qua các tư liệu Pháp ngữ” của Omega Plus.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bo-sach-ve-nguon-goc-chu-quoc-ngu-673167.html