Bộ Giao thông Vận tải: 8 địa phương ban hành 'giấy phép con' gây ùn tắc
Theo tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), vừa qua có 8 địa phương đã ban hành một số quy định mang tính chất 'giấy phép con' gây ách tắc lưu thông hàng hóa, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Việc yêu cầu phải có những giấy tờ chưa đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ gây ùn tắc giao thông ở nhiều nơi và gay tình trạng tụ tập đông người ở nơi cấp phát giấy tờ, không đúng quy định 5K của Bộ Y tế.
Cụ thể, theo Bộ này, đó là 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hải Dương, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang , Bạc Liêu, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc có ghi rõ: Yêu cầu “bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp…
Nhưng trên thực tế, theo báo cáo nhanh của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT và ý kiến của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, vừa qua, đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại một số chốt kiểm soát dịch trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố trên gây khó khăn, vướng mắc đối với vận chuyển, lưu thông hàng hóa hoặc gây bức xúc cho lái xe, doanh nghiệp.
Tình trạng ách tắc đó được cho là do các địa phương trên đã có quy định còn chưa thống nhất trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương.
Cụ thể, tại thành phố Cần Thơ, lãnh đạo thành phố này đã cho lập đội lái xe hỗ trợ để trung chuyển trong nội đô. Những doanh nghiệp nào không có lái xe vào thành phố này phải giao cho đội lái xe trên lái vào nhưng hiện không có đủ lực lượng để làm và tốn kém kinh phí. Các xe từ địa phương khác muốn vào TP Cần Thơ phải đăng ký trước.
"Tất cả các phương tiện đều phải tập trung tại điểm tập kết theo quy định của địa phương để trung chuyển giao nhận hàng hóa. Việc này gây ách tắc tại cửa ngõ và bức xúc của các lái xe, doanh nghiệp; chậm trễ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho thành phố Hồ Chí Minh của một số doanh nghiệp", báo cáo của Tổng cục Đường bộ cho hay.
Tại tỉnh An Giang, các lái xe khi vào tỉnh này phải tiến hành test nhanh cho tất cả các trường hợp, sau khi test xong ghi lại thông tin thì cho xe qua. Mặc dù không gây ách tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ nhưng gây bức xúc đối với lái xe, doanh nghiệp.
Theo báo cáo, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại chốt Km38 QL51, từ chiều ngày 24/8, Ban phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh này đã chỉ đạo test nhanh tại chỗ tất cả các trường hợp qua chốt kiểm soát dịch, kể cả trường hợp có giấy test nhanh đang còn hiệu lực.
Còn tại TP Hải Phòng, Tổng cục Đường bộ báo cáo thành phố này yêu cầu phải có PCR âm tính và tiêm hai mũi vắc xin đối với người vào thành phố công tác; xe có mã QR kiểm soát theo hướng dẫn của Bộ GTVT.
Các trường hợp vào thành phố Hải Phòng công tác phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCT có giá trị trong vòng 72 giờ, xét nghiệm tại địa phương xuất phát hoặc đi qua trước khi vào Hải Phòng; giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và văn bản đồng ý của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ, tỉnh Quảng Ninh lại có quy định tại văn bản số 5630/UBND-DL1 ngày 19/8, yêu cầu lái xe phải âm tính PCR trước 48 giờ, khuyến khích tiêm 2 mũi.
Người từ tỉnh khác về Quảng Ninh phải đủ cả 2 điều kiện là âm tính trước 48 giờ và tiêm 2 mũi vắc xin, trực tiếp khai báo y tế. Nếu ở tỉnh đang thực hiện Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ thì phải cách ly tập trung 14 ngày và 7 ngày tại nhà.
UBND Hà Tĩnh có ra thông báo số 175/TB-BCĐ ngày 20/8/2021 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, nêu rõ: Quy định khi đi vào địa bàn Tỉnh Hà Tĩnh phải có giấy xét nghiệm RT-PCR trong thời hạn tối đa 48 giờ.
Báo cáo ghi nhận tại tỉnh Bạc Liêu, địa phương này quy định, đối với các công ty, doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khi cấp giấy đi đường cho công nhân, nhân viên, người lao động phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cụ thể sau: Phải thuộc các loại hình được phép hoạt động và phải có “kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc Covid-19 ” được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Bạc Liêu cũng áp dụng biểu mẫu giấy đi đường và các yêu cầu, quy định khác của UBND tỉnh.
Còn tại tỉnh Hải Dương, tỉnh này đóng hoàn toàn quốc lộ 38 vì lý do liền kề với huyện Lương Tài của tỉnh Bắc Ninh đang áp dụng Chị thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; không cho xe qua lại 2 tỉnh.
Do tình trạng ách tắc nói trên nên ngay trong tối 25/8, Bộ GTVT có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thống nhất trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GTVT đảm bảo tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa.
Nội dung văn bản nhấn mạnh đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc: “Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp…”; văn bản của Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương đã hướng dẫn triển khai tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19.
Bộ GTVT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương thực hiện rà soát các văn bản do địa phương đã ban hành; thống nhất nội dung kiểm tra và quy trình kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19; tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19.
"Đối với phương tiện có giấy nhận diện, lực lượng kiểm soát sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng quét mã QR trên Giấy nhận diện để kiểm tra nhanh các thông tin về phương tiện, người trên phương tiện, hiệu lực của giấy xét nghiệm, hành trình vận chuyển", Bộ GTVT đề nghị.
Với phương tiện không có giấy nhận diện hoặc có giấy nhận diện nhưng đã hết hiệu lực, lực lượng kiểm soát yêu cầu, hướng dẫn xe di chuyển vào khu vực kiểm tra phương tiện tại chốt kiểm soát dịch (không để xe dừng đỗ trên đường) để kiểm tra các thông tin.