Bộ GD&ĐT: 45% học sinh gặp vấn đề sức khỏe khi học trực tuyến
Theo Bộ GD&ĐT, học tập trực tuyến ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm lí, tình cảm, khả năng phát triển các kĩ năng xã hội của học sinh. Kết quả nghiên cứu, khảo sát đối với học sinh cho thấy, có 45% học sinh gặp vấn đề sức khỏe khi học trực tuyến như mỏi mắt, đau cổ, ù tai.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức khảo sát đánh giá quá trình tổ chức dạy học trực tuyến với 5.175 cán bộ quản lý, 95.359 giáo viên và 341.830 học sinh của các tỉnh/thành phố đối với tiểu học, THCS – THPT.
Kết quả, có khoảng 50% học sinh học trực tuyến từ 2 đến dưới 4 tiếng mỗi ngày. Tỉ lệ học sinh học trực tuyến từ trên 4 tiếng tăng dần theo cấp học. Điều này cho thấy thời lượng học trực tuyến mỗi ngày được các nhà trường xác định trên cơ sở tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh và đặc điểm của cấp, bậc học theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Trong đó, có trên 90% học sinh đã chủ động hoàn thành các bài tập thầy cô giao; duy trì sự tập trung trong quá trình học trực tuyến; tương tác tích cực với thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh phản hồi nhanh và hiệu quả trong quá trình học trực tuyến thấp hơn, chỉ khoảng 80%.
Về chất lượng giáo dục cho thấy, kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên và kiểm tra, đánh giá định kỳ của học sinh trong thời gian học trực tuyến là thấp hơn so với học trực tiếp.
Điều đáng nói, kết quả khảo sát cho thấy, việc học tập trực tuyến ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm lí, tình cảm, khả năng phát triển các kĩ năng xã hội của học sinh. Cụ thể có tới 45% học sinh cho biết, gặp vấn đề sức khỏe khi học trực tuyến như mỏi mắt, đau cổ, ù tai ...
Bộ GD&ĐT khẳng định, sau khi học sinh đi học trực tiếp, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục đã tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh; sử dụng hiệu quả thời gian còn lại của năm học để tiếp tục tổ chức dạy học các nội dung cơ bản, cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và các đối tượng học sinh.
Dẫu vậy, đơn vị vẫn khẳng định Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, rất cần thiết đối với các học sinh, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh được tiếp cận với công nghệ thông tin, phục vụ việc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục đôn đốc các địa phương đã được phân bổ bằng tiền khẩn trương mua sắm máy tính để trao cho học sinh bảo đảm đúng đối tượng và mục đích sử dụng.