Bịt 'lỗ hổng' trong quản lý y, dược tư nhân - Bài cuối
ĐỪNG ĐỂ “MẤT BÒ MỚI LO LÀM CHUỒNG”
BPO - Tính đến nay, Bình Phước đạt 8,5 bác sĩ/vạn dân. Năm 2021, toàn tỉnh thiếu 135 bác sĩ, trong đó tuyến huyện thiếu 71 bác sĩ. Dự báo đến năm 2025, ngành y tế thiếu 282 bác sĩ, trong đó tuyến huyện thiếu 170 bác sĩ. Thực trạng thiếu bác sĩ đang là bài toán khó trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Trong khi cơ sở y tế công lập còn thiếu và yếu, việc phát triển y tế tư nhân là rất cần thiết. Vấn đề đặt ra hiện nay là ngành y tế cần có những giải pháp quản lý hữu hiệu để các cơ sở y, dược tư nhân vận hành đúng “quỹ đạo”.
Nhân lực thiếu và yếu
Huyện Lộc Ninh có 128 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Địa bàn rộng, số lượng cơ sở hành nghề y, dược tư nhân nhiều, trong khi lực lượng quản lý “mỏng” dẫn đến gặp không ít khó khăn.
Theo ông Hồ Quang Khánh, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, khó khăn nhất là từ khi giải thể Phòng Y tế huyện, công tác quản lý nhà nước về y tế chuyển về Văn phòng HĐND và UBND huyện. Lúc này, UBND huyện điều chuyển 2 biên chế từ Phòng Y tế về nhận nhiệm vụ tại Văn phòng HĐND và UBND huyện. Tuy nhiên, đến năm 2020, 1 phó chánh văn phòng phụ trách lĩnh vực y tế nghỉ hưu theo chế độ, chuyên viên phụ trách lĩnh vực y tế chuyển công tác. Đến nay, huyện vẫn chưa tìm được người thay thế.
“Văn phòng HĐND và UBND là cơ quan tham mưu, giúp việc, do đó khối lượng công việc nhiều. Trong khi công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược đòi hỏi người làm tham mưu phải có chuyên môn để phục vụ việc quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề theo quy định nên đã ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ” - Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hồ Quang Khánh cho biết thêm.
Tương tự, tại thành phố Đồng Xoài, giai đoạn 2018-2020, thực hiện tinh giản biên chế, hợp đồng lao động, Phòng Y tế chỉ còn 2 cán bộ, công chức. Trong đó, 1 công chức không có chuyên môn, nghiệp vụ về ngành y; 1 công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý. Thực hiện chủ trương của cấp trên, cuối năm 2020, UBND thành phố quyết định giải thể Phòng Y tế, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Văn phòng HĐND và UBND thành phố. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của cấp trên về chức năng, nhiệm vụ của văn phòng trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước về y, dược tư nhân.
Sau khi giải thể Phòng Y tế, 1 công chức đã xin nghỉ việc, 1 công chức là trưởng phòng đang chờ nghỉ hưu trước tuổi. Văn phòng HĐND và UBND thành phố được giao tham mưu về lĩnh vực y tế nhưng chỉ có 1 công chức văn phòng phụ trách khối văn hóa - xã hội, không có chuyên môn nghiệp vụ về y tế. Điều này phần nào gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Ông Ngô Hồng Khang,
Phó chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài
Hiện nay, đa số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều không có phòng y tế. Việc tham mưu triển khai nhiệm vụ quản lý y, dược tư nhân chủ yếu do chuyên viên văn phòng HĐND và UBND đảm nhiệm. Trong khi đó, nhiều người không có chuyên môn, nghiệp vụ ngành y nên còn lúng túng trong công tác tham mưu, quản lý.
Tại buổi giám sát công tác quản lý nhà nước đối với hành nghề y, dược tư nhân giai đoạn từ năm 2018 đến nay tại Sở Y tế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Anh Dũng cho rằng, việc quản lý đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân vẫn còn những kẽ hở. Đồng thời, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Anh Dũng đề nghị: Sở Y tế có giải pháp căn cơ để sớm tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, củng cố, bổ sung lại phòng y tế cấp huyện nhằm nâng cao năng lực quản lý. Bởi thực tế cho thấy, hiện nay công tác quản lý, thanh, kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh đang phụ thuộc vào cơ quan quản lý thị trường. Rõ ràng vai trò của cơ quan chuyên môn, nhất là ở tuyến huyện vẫn chưa thật sự đậm nét.
Cần đồng bộ các giải pháp
Theo lãnh đạo Sở Y tế, những năm gần đây, Chính phủ và Bộ Y tế đã có những chính sách khuyến khích sự phát triển của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Do đó, Sở Y tế đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở hành nghề được củng cố và phát triển để cùng với hệ thống y tế công lập chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn. Thực tế cho thấy, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở y, dược tư nhân đã hỗ trợ đắc lực cả về vật chất lẫn con người để sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn nhất định trong công tác quản lý. Đơn cử như việc cấp chứng chỉ hành nghề y, dược, nhiều trường hợp có thời gian thực hành ngoài tỉnh, Sở Y tế phải xác minh quá trình thực hành lại nên mất rất nhiều thời gian. Việc quản lý hành nghề y, dược của các cá nhân chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong cả nước, chủ yếu mang quy mô cấp tỉnh. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm quản lý chung để cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề quy mô toàn quốc không mang tính bắt buộc, phần mềm thường xuyên bị lỗi, do đó các thông tin được cập nhật không được kịp thời, đầy đủ.
Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 37/2021/TT-BYT ngày 31-12-2021 về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phòng y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, đối với đơn vị cấp huyện không tổ chức riêng phòng y tế thì chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về y tế do văn phòng HĐND và UBND cấp huyện thực hiện. Do đó, các địa phương đề nghị UBND tỉnh sớm có hướng dẫn cụ thể đối với biên chế thực hiện công tác tham mưu quản lý nhà nước về y tế tại văn phòng HĐND và UBND cấp huyện và tương đương để đảm bảo nhân lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý nhà nước lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân hiện nay còn nhiều bất cập, tồn tại. Công tác kiểm tra, hậu kiểm gặp không ít khó khăn do nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu. Bất cập trong phân cấp cấp phép hoạt động, quản lý, thanh, kiểm tra cơ sở y, dược tư nhân từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Do đó, để các cơ sở y, dược tư nhân vận hành đúng “quỹ đạo” vốn có của nó, ngoài phải đồng bộ hệ thống quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ sở quản lý thông tin khám, chữa bệnh, cần đặc biệt ưu tiên siết chặt quản lý, chấn chỉnh tình trạng khám bệnh, kê đơn và bán thuốc. Muốn làm được điều này trước hết phải phân cấp, phân quyền rõ ràng, cụ thể để phát huy hơn nữa tính hiệu quả, vai trò của các địa phương trong công tác phối hợp quản lý.