Bình Thuận thông qua nghị quyết về Quy hoạch tỉnh tầm nhìn đến năm 2050

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Thuận sẽ không ngừng nâng cao đời sống cho người dân và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Ngày 29/6, thông tin từ Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã thông qua Nghị quyết của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tăng trưởng xanh, trọng tâm phát triển 3 trụ cột

Nghị quyết có mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ không ngừng nâng cao đời sống cho người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững.

Trọng tâm là phát triển 3 trụ cột đó là công nghiệp, với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành. Dịch vụ, với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển; dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ logistics; nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến…

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết. Ảnh:TTD

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết. Ảnh:TTD

Đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế... Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Bình Thuận đến năm 2050 sẽ trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ, có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với các đô thị biển hiện đại...

Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,5 - 8,0%. Về cơ cấu kinh tế: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 44 - 48%; ngành dịch vụ chiếm 31 - 34%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 15 - 16%, thuế sản phẩm 5 - 6% trong GRDP của tỉnh. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 6,5 - 7,5%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 36 - 38% so với GRDP giai đoạn 2021 - 2030. Thu nhập bình quân đầu người năm 2030 tăng gấp 2,7 - 3,5 lần so với năm 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,4 - 0,6%/năm…

Thanh long của Bình Thuận. Ảnh: Đắc Phú

Thanh long của Bình Thuận. Ảnh: Đắc Phú

6 tháng đầu năm GRDP của tỉnh tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước

Ngày 28/6, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội nghị lần thứ 27 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác thu, chi ngân sách; công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu, chi ngân sách, qua đó đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 12,99%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,61%. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, toàn tỉnh đón hơn 4,59 triệu lượt du khách, tăng 5,01%; doanh thu đạt hơn 11.800 tỷ đồng.

Hoạt động du lịch ở tỉnh Bình Thuận phát triển mạnh trong những tháng đầu năm 2024. Ảnh: Đắc Phú

Hoạt động du lịch ở tỉnh Bình Thuận phát triển mạnh trong những tháng đầu năm 2024. Ảnh: Đắc Phú

Các sở, ngành, địa phương đã tăng cường thực hiện các giải pháp thu ngân sách Nhà nước và tập trung vào các nguồn thu trọng điểm, đẩy mạnh xử lý nợ đọng. Kết quả ước thực hiện thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 là khoảng 5.600 tỷ đồng, đạt 56,34% dự toán và tăng 1,11% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp huy động, bồi dưỡng, khai thác tốt các nguồn thu, tăng thu tiền sử dụng đất. Triển khai thực hiện tốt đề án phát triển ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt tiêu chuẩn hạng I, giai đoạn 2023 - 2028. Lãnh đạo nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Triển khai thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương; tổ chức tốt việc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện năm 2024. Cùng với đó là đảm bảo công tác an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Đắc Phú

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-thuan-thong-qua-nghi-quyet-ve-quy-hoach-tinh-tamnhin-den-nam-2050-a670797.html