Bình Phước những trang sử vẻ vang

BÀI 3
CÔNG NHÂN CAO SU BÌNH LONG, PHƯỚC LONG TRONG CHIẾN DỊCH NGUYỄN HUỆ

BPO - Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 diễn ra trên toàn chiến trường miền Đông Nam Bộ. Bên cạnh quân giải phóng, lực lượng tham gia chiến dịch còn có dân quân du kích, cư dân đô thị, nông dân vùng đồng bằng, rừng núi giáp biên giới và công nhân các đồn điền cao su. Công nhân cao su ở Bình Long, Phước Long không chỉ trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, mà còn tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh khác nhằm “chia lửa”, thu hút địch, hỗ trợ cho đòn tiến công của quân giải phóng giành thắng lợi.

Công tác chuẩn bị cho chiến dịch được chuẩn bị từ cuối năm 1971. Cao su ở Bình Long, Phước Long bao gồm các cơ sở trồng, khai thác, chế biến và viện nghiên cứu do tư bản Pháp thành lập từ những năm đầu thế kỷ XX. Đó là Công ty cao su Đất Đỏ (Terres Rouges, với các đồn điền Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch và một số đồn điền ở Campuchia); Công ty cao su Viễn Đông (CEXO, với các đồn điền: Xa Cát, Minh Thạnh, Lộc Ninh, Đa Kia); Công ty cao su Michelin (Michelin au Việt Nam, với các đồn điền Dầu Tiếng, Thuận Lợi, Phú Riềng); Công ty cao su Phước Hòa (Labbé, đồn điền Phước Hòa) và nhiều cơ sở cao su nhỏ khác của Pháp kiều và Hoa kiều. Từ sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, mặc dù hất cẳng thực dân Pháp, nhưng đế quốc Mỹ vẫn giữ nguyên và bảo hộ cho tư bản Pháp khai thác ngành kinh tế cao su tại miền Nam Việt Nam. Do chiến tranh, một bộ phận bỏ về đô thị hoặc các địa phương khác sinh sống, một bộ phận gia nhập lực lượng cách mạng, còn lại vẫn bám đồn điền, nhà máy, vừa sản xuất mưu sinh vừa tham gia kháng chiến.

Từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, cơ sở cách mạng, tổ chức đảng, lực lượng du kích trong các đồn điền cao su bị tổn thất nặng. Dù vậy, tổ chức đảng vẫn chủ động phối hợp với liên đoàn cao su các tỉnh Bình Long, Phước Long triển khai công tác chuẩn bị: quán triệt nhiệm vụ, lập kế hoạch hành động, tổ chức lực lượng đấu tranh trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, binh vận. Nhiệm vụ chính của tổ chức đảng và công đoàn trong các đồn điền cao su là phát động quần chúng, huy động công nhân, nắm thời cơ lúc quân giải phóng tiến công trên các mặt trận thì đẩy mạnh đấu tranh 3 mũi, bao vây bức rút, bức hàng đồn bốt, phá kìm, phá bình định, mở rộng thế làm chủ. Riêng Ban công vận tỉnh Bình Long thành lập một tiểu đoàn thanh niên xung phong công nhân cao su để tham gia phục vụ chiến dịch. Hàng trăm công nhân các sở cao su Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch, Brêlinh... được tổ chức thành từng đội dân công sẵn sàng làm nhiệm vụ tải đạn, tải lương thực phục vụ bộ đội chiến đấu.

Đầu năm 1972, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược đã hoàn tất. Ngày 12-3-1972, Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ban hành Chỉ thị số 01/CT72 phát động cuộc tiến công và nổi dậy nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ: “Thời cơ đã chín muồi, nắm vững quyết tâm của Trung ương, khẩn trương phát động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xốc tới giành thắng lợi lớn nhất… Đây là cuộc tấn công lớn nhất bằng cả quân sự, chính trị, binh vận trên cả 3 vùng với 3 quả đấm chiến lược, kết hợp chặt chẽ với tấn công ngoại giao, buộc địch phải chịu thua”. Thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Cục, cuộc tiến công chiến lược được triển khai trên khắp các chiến trường. Tại miền Đông Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Miền mở chiến dịch tiến công mang mật danh Nguyễn Huệ. Mục tiêu của Chiến dịch Nguyễn Huệ là giải phóng một phần địa bàn các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh làm nơi xây dựng trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tạo bàn đạp uy hiếp Sài Gòn từ hướng Bắc và Tây Bắc. Hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch: khu vực đường 13; địa điểm quyết chiến là địa bàn Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành, sau đó phát triển về Lai Khê, Dầu Tiếng.

Ngày 1-4-1972, Chiến dịch Nguyễn Huệ mở màn. Sư đoàn Bộ binh 5 chủ lực Miền tiến công cụm cứ điểm Lộc Ninh, sau đó tiến xuống bao vây, cô lập Bình Long, tổ chức chốt chặn trên đường 13 ở khu vực Tàu Ô. Lực lượng vũ trang Bình Long, Phước Long liên tục phối hợp với lực lượng chủ lực Miền đánh chiếm hàng chục mục tiêu nhỏ lẻ của địch ở ngoại vi thị trấn và đường 13, tiểu khu Phước Long, chi khu quân sự Phước Bình, Bù Đăng, Đồng Xoài, trung tâm truyền tin trên đỉnh Bà Rá. Công nhân các đồn điền cao su Lộc Ninh, Bù Đốp, Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch, Phú Riềng nổi dậy, vừa đấu tranh chính trị, binh vận vừa phối hợp với lực lượng vũ trang tiến công tiêu diệt, bức rút hàng loạt bốt, đồn, giải phóng Tân Khai, Đức Vinh, Xa Trạch, Xa Cát, Văn Hiến, Phú Miêng, Phú Lố, Phú Lạc, Đồng Đế và các cứ điểm độc lập Cần Lê, Cần Đâm. Các huyện Lộc Ninh - Bù Đốp, Bù Gia Mập được hoàn toàn giải phóng, Lộc Ninh sau đó trở thành thủ phủ của cách mạng miền Nam.

Sau Chiến dịch Nguyễn Huệ, Trung ương cục miền Nam chỉ đạo tiến hành ngay công tác xây dựng, bảo vệ và củng cố vùng giải phóng nhằm tạo thành vùng hậu phương chiến lược cho giai đoạn cách mạng tiếp theo, đồng thời ban hành Chính sách 10 điểm đối với vùng giải phóng, trong đó có vùng giải phóng ở các đồn điền cao su miền Nam. Liên đoàn cao su miền Đông Nam Bộ ra chỉ thị về công tác quản lý vùng cao su giải phóng với 3 công tác quan trọng trước mắt: Đoàn kết tương trợ nhau, trấn áp bọn phản cách mạng phá hoại vùng giải phóng; Đoàn kết sản xuất lương thực chống đói; Tham gia đấu tranh chính trị chống bắn pháo, khủng bố; tham gia du kích chiến tranh bảo vệ vùng giải phóng. Tiếp đó, đầu năm 1973, Trung ương cục miền Nam thành lập Ban cao su Nam Bộ do Trần Mão làm Trưởng ban, Phan Trọng Hiến (Năm Thành) và Hoàng Thiện Tâm (Tư Mỹ) làm Phó Trưởng ban.

Ban cao su Nam Bộ có nhiệm vụ phối hợp với Tỉnh ủy Bình Long, Phước Long chỉ đạo khôi phục lại vườn cây, nhà máy chế biến ở Lộc Ninh, Bù Đốp; xây dựng Lộc Ninh thành hậu phương tại chỗ vững mạnh, thủ phủ của cách mạng miền Nam. Công nhân trở lại đồn điền (do Ban tự quản công nhân điều hành) khôi phục vườn cây, nhà máy, tháo gỡ bon mìn, mua sắm dụng cụ và hóa liệu để canh tác, khai thác và chế biến mủ. Kết quả, trong năm 1973, cán bộ, công nhân kỹ thuật, công nhân cạo mủ cao su Lộc Ninh, Bù Đốp đã khôi phục 4.000 ha vườn cây và 3 dàn máy cán mủ, sơ chế được 300 tấn mủ khô (mủ crêpe). Năm 1974, sản xuất được 2.100 tấn mủ crêpe, vượt chỉ tiêu do Trung ương Cục giao. Số mủ này dùng một phần bán sang Campuchia để lấy tiền mua hóa liệu, dụng cụ đầu tư tái sản xuất, số còn lại đóng gói chuyển ra hậu phương miền Bắc, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy cao su Sao Vàng (Hà Nội) và các cơ sở công nghiệp khác như là một đóng góp về kinh tế của đồng bào miền Nam.

Có thể nói rằng, kết quả hoạt động của công nhân cao su Bình Long, Phước Long trong Chiến dịch Nguyễn Huệ đã góp phần tạo nên bước phát triển mới cả về thế và lực cho công cuộc kháng chiến, kết thúc hoàn toàn giai đoạn khó khăn kể từ sau cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968. Cùng với lực lượng vũ trang 3 thứ quân và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, công nhân các đồn điền cao su đã kết hợp đẩy mạnh nhuần nhuyễn 3 đòn tiến công quân sự, chính trị và binh vận. Hoạt động của công nhân cao su trong chiến dịch đã nêu một mẫu mực về sự kết hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận; phát huy cao độ các lực lượng của 2 chân, 3 mũi, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đồng bộ trong tiến công và nổi dậy vùng các đồn điền cao su, góp phần tạo nên bước phát triển mới cả về thế và lực cho công cuộc kháng chiến ở Đông Nam Bộ và toàn miền nói chung, các tỉnh Bình Long, Phước Long nói riêng!

Hồ Sơn Đài

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171615/binh-phuoc-nhung-trang-su-ve-vang