Bình Phước có 42 tổ chức hành nghề công chứng
Chiều nay 2-3, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền chủ trì hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 12-3-2021 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Phước và Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 20-5-2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định tiêu chí thành lập văn phòng công chứng, việc thay đổi địa chỉ trụ sở văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND,việc cung cấp, trao đổi thông tin trong hoạt động hành nghề công chứng theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ quá trình giải quyết vụ án cũng như yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước được các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện kịp thời. Các thông tin liên quan đến việc ngăn chặn tài sản hoặc giải tỏa ngăn chặn tài sản được các cơ quan có thẩm quyền cập nhật lên Cơ sở dữ liệu kịp thời. Việc cung cấp thông tin liên quan đến xác định vị trí đất, giá đất được các cơ quan thực hiện kịp thời theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
Đối với Quy định tiêu chí thành lập văn phòng công chứng, việc thay đổi địa chỉ trụ sở văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, sau 2 năm thực hiện thì số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã phát triển thêm được 12 văn phòng công chứng, nâng tổng số lượng trên địa bàn tỉnh là 42 tổ chức hành nghề công chứng, với 91 công chứng viên đăng ký hành nghề. Kết quả hoạt động hành nghề công chứng không chỉ giải quyết kịp thời các giao dịch dân sự của người dân, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động mà còn tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Năm 2021, tổng số hợp đồng, giao dịch được giải quyết là 336.242 hồ sơ, tổng doanh thu đạt khoảng 125 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 12 tỷ đồng. Năm 2022, tổng số hợp đồng, giao dịch được giải quyết là 470.210 hồ sơ, tổng doanh thu đạt khoảng 176 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 18 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay việc phân bổ tổ chức hành nghề công chứng chưa đồng đều, chưa gắn với địa bàn dân cư các xã vùng ven, vì đa số các văn phòng công chứng xin thành lập đều có trụ sở đặt tại các phường, thị trấn trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố. Nguyên nhân là do quy định về số lượng hợp đồng, giao dịch phát sinh trên địa bàn cấp huyện để là cơ sở cho phép thành lập thêm văn phòng công chứng nêu tại Điều 4 Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tế.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền ghi nhận những kết quả tích cực sau 2 năm thực hiện phối hợp công tác quản lý nhà nước về công chứng; đồng thời nhấn mạnh: Mỗi người, mỗi cấp làm tốt thì sẽ ra kết quả tốt, do đó để hoạt động công chứng đạt hiệu quả thì cần 3 yếu tố là nhân lực, công tác phối hợp và công tác quản lý. Vì vậy, mỗi ngành, địa phương, văn phòng công chứng, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, tùy theo lĩnh vực nỗ lực hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để nâng cao trách nhiệm xã hội.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền phát biểu kết luận hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đề nghị: Các ngành, địa phương tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về công chứng; Sở Tư pháp phối hợp với các ngành, địa phương, Hội Công chứng viên tỉnh rà soát các quy định, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung tiêu chí thành lập văn phòng công chứng trong thời gian tới.