Bình Lục phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện Bình Lục đã được tỉnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) tại xã Đồng Du - thị trấn Bình Mỹ có tổng diện tích hơn 121 ha (xã Đồng Du 96,2 ha, thị trấn Bình Mỹ 25,5 ha). Hiện nay, dự án đầu tư của Hợp tác xã (HTX) sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Thường Tín – Hà Nội) đã được triển khai và đi vào hoạt động với diện tích 17,74 ha. Sản xuất NNƯDCNC tại đây đã phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác.
Sau gần 2 năm được đầu tư, hạ tầng sản xuất theo hướng CNC của HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đã dần được hình thành. Toàn bộ hệ thống đường giao thông, kênh mương tại vùng sản xuất được đào đắp đồng bộ, tạo sự chủ động, thuận lợi trên từng thửa ruộng. HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đã tiến hành xây dựng bể chứa nước có mái che rộng 600 m2 (chuyên phục vụ tưới rau trong hệ thống nhà màn), kho lạnh và máy sấy bảo quản nông sản sau thu hoạch. Đặc biệt, 3 khu nhà màn CNC được xây dựng có tổng diện tích 1 ha, chuyên sản xuất giống rau và một số loại rau ăn lá; đồng thời, trên diện tích 8 ha được quy hoạch sản xuất rau, củ, quả thực phẩm đất được cải tạo bằng phân hữu cơ, lắp đặt hệ thống tưới tự động…
Hiện nay, phần lớn diện tích đất trong Khu NNUDCNC Đồng Du – thị trấn Bình Mỹ của HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đã được khai thác. Trong đó, cùng với 8 ha sản xuất các loại rau, củ, quả, có 2 ha sản xuất các loại cây ăn trái (ổi, khế, quất…), diện tích còn lại được khai thác theo hướng nông nghiệp sinh thái (trồng các loại hoa sen lấy hoa và phục vụ khách đến tham quan, trải nghiệm...). Trên diện tích sản xuất rau, củ, quả, HTX bố trí trồng đa dạng các loại từ dòng rau baby (cải ngồng, cải ngọt, cải mơ…), rau gia vị (húng quế, mùi tàu…) đến củ, quả (hành, tỏi, ớt, đậu xanh, đậu đỏ, đậu Hà Lan…). Các loại rau, củ, quả đều đạt tiêu chuẩn Viet GAP, có chứng nhận của cơ quan chức năng.
![Sản phẩm rau của HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà được sơ chế, đóng gói đưa ra thị trường.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_427_51423693/53975ba762e98bb7d2f8.jpg)
Sản phẩm rau của HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà được sơ chế, đóng gói đưa ra thị trường.
Nhờ đầu tư đồng bộ theo hướng NNUDCNC giúp HTX nâng cao hiệu suất lao động, năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiện, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà thu hút khoảng 20 lao động địa phương làm việc thường xuyên, tập trung chính ở khâu gieo trồng, thu hoạch, sơ chế sản phẩm… Mỗi ngày HTX thu hoạch bình quân 300 kg rau, củ, quả thực phẩm các loại cung cấp ra thị trường. Hoa sen và trái cây được thu theo mùa đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất trên diện tích canh tác. Theo ông Mai Hữu Đoan, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, các sản phẩm do HTX sản xuất đều bảo đảm chất lượng, mẫu mã, được cung cấp vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch (chủ yếu tại Hà Nội). Giá trị sản xuất trên diện tích canh tác cao gấp 3 – 4 lần so với cấy lúa trước đây. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư và đưa toàn bộ khâu sản xuất về Khu NNUDCNC Đồng Du – Bình Mỹ, gồm cả sản xuất rau mầm (hiện đang được thực hiện tại Thường Tín, thành phố Hà Nội).
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất tại Khu NNUDCNC Đồng Du – thị trấn Bình Mỹ, HTX đang gặp phải một số khó khăn, đó là: cốt đất tại đây khá thấp; hệ thống thủy lợi chung trước đây được xây dựng chủ yếu phục vụ cây lúa gặp khó khăn khi chuyển đổi sang trồng rau, củ, quả. Mặc dù đã được cải tạo, nâng cấp nhưng khi gặp những trận mưa lớn, trong thời gian ngắn dễ gây ngập úng ảnh hưởng đến diện tích sản xuất.
Cùng với HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, hiện một số doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu đầu tư vào Khu NNUDCNC Đồng Du – thị trấn Bình Mỹ. Đây là cơ hội, nhưng đòi hỏi có sự đầu tư đồng bộ hơn về cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi để đáp ứng yêu cầu khi chuyển đổi từ trồng lúa sang rau, củ, quả và các loại cây trồng khác…
Sản xuất đem lại hiệu quả tại Khu NNUDCNC Đồng Du – thị trấn Bình Mỹ giúp tạo bước đột phá mới trên đồng ruộng của huyện Bình Lục. Việc tập trung ruộng đất xây dựng Khu NNUDCNC tạo điều kiện thuận lợi giúp lao động địa phương có điều kiện chuyển đổi ngành nghề. Hiện, phần lớn lao động trẻ trước đây làm nông nghiệp sau khi cho thuê đất đã chuyển sang làm công nhân cho các doanh nghiệp, tham gia vào các hoạt động thương mại - dịch vụ với thu nhập ổn định ở mức cao. Tại Khu NNUDCNC đã thu hút lao động cao tuổi không đủ điều kiện chuyển đổi làm các ngành nghề khác vào làm việc. Tại HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà trong Khu NNUDCNC Đồng Du – thị trấn Bình Mỹ lao động đều là người địa phương, có độ tuổi từ trên 50, đạt thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào Khu NNUDCNC được xác định là hạt nhân để liên kết sản xuất với những HTX, tổ hợp tác và cá nhân bên ngoài có nhu cầu, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để Bình Lục phấn đấu được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2025.