Bình Gia: Tích cực xây dựng vùng sản xuất tập trungTin khácĐa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sửLinh thiêng nguồn cội đất tổ Hùng Vương
Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua, UBND huyện Bình Gia xác định xây dựng vùng sản xuất tập trung là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, nhằm hình thành chuỗi liên kết, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 – 2020 tỉnh Lạng Sơn, huyện Bình Gia đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, huyện chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn căn cứ vào điều kiện thực tế, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để ưu tiên phát triển.
Điển hình như tại xã Hoàng Văn Thụ. Trước đây, người dân trên địa bàn đã trồng hồi để phát triển kinh tế, tuy nhiên, diện tích còn nhỏ lẻ, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác nên hiệu quả kinh tế thấp. Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, những năm gần đây, UBND xã đã tuyên tuyền, vận động người dân trên địa bàn xã mở rộng diện tích và hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất hồi tại 7/7 thôn. Ông Nông Ngọc Kính, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích, trồng thay thế những cây già cỗi. Đặc biệt, năm 2020, từ dự án phát triển hồi hữu cơ của huyện, chúng tôi đã vận động bà con nông dân tham gia. Nhờ đó, giá trị hồi tăng, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. Hiện nay, toàn xã có trên 680 ha hồi, năm 2021, sản lượng hồi đạt trên 1.317 tấn, đem lại giá trị trên 46,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (NN&PTNT) đã cân đối kinh phí, tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép về phát triển mô hình kinh tế từ 45 đến 50 lớp/năm cho người dân trên địa bàn. Từ đó, người dân nắm bắt quy trình, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Đến năm 2021, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 6/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM huyện Bình Gia. Theo đó, các cấp, ngành chức năng huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng, phát triển vùng sản xuất tập trung.
Nhờ đó, việc tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt được các xã tập trung triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung như: vùng hồi tập trung tại các xã: Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Hồng Thái, Hồng Phong, Tân Văn và thị trấn Bình Gia với 8.369 ha (sản lượng trên 3.100 tấn/năm); vùng trồng quýt với diện tích 160 ha tại các xã: Tân Văn, Hoàng Văn Thụ, thị trấn Bình Gia (sản lượng đạt trên 530 tấn/năm); vùng trồng quế trên 2.800 ha (đạt 70 tấn/năm); vùng trồng thạch đen với 800 ha (sản lượng 4.000 tấn/năm)…
Cùng với hình thành các vùng sản xuất tập trung, UBND huyện chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm. Đơn cử như đối với sản phẩm hồi, trong năm 2019 và 2020, huyện đã thực hiện mô hình sản xuất hồi hữu cơ tại các xã: Hoàng Văn Thụ, Quang Trung và thị trấn Bình Gia với tổng diện tích trên 150 ha. Nhờ đó, người dân nắm được các quy trình trồng, chăm sóc hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ, góp phần tăng năng suất hồi. Bên cạnh đó, trong năm 2021, huyện còn phối hợp với đơn vị liên quan tập huấn, cấp 16 mã số vùng trồng thạch đen tại ruộng, tương đương diện tích 63,01 ha cho người dân nhằm tạo điều kiện cho việc xuất khẩu, mở rộng thị trường…
Ông Hoàng Văn Đầm, thôn Thuần Như 2, xã Hoàng Văn Thụ cho biết: Gia đình tôi có 5 ha hồi trồng cách đây khoảng 30 năm. Trước đây, tôi chủ yếu chăm sóc hồi theo hướng truyền thống, cây kém phát triển, năng suất hồi không cao, thu nhập từ hồi thấp. Năm 2019, được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn xã, tôi đã trồng và chăm sóc toàn bộ hồi theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, năng suất hồi tăng và ổn định hơn, năm 2021, sản lượng đạt 10 tấn (tăng khoảng 4 tấn so với năm 2019), mang lại thu nhập cho gia đình trên 200 triệu đồng.
Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Việc hình thành, phát triển vùng sản xuất tập trung có ý nghĩa rất quan trọng, tạo vùng nguyên liệu, hàng hóa quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, làm cơ sở phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất. Thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp mở rộng diện tích vùng trồng, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Việc xây dựng và phát triển vùng sản xuất tập trung các cây trồng chủ lực góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân ở Bình Gia. Hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 38,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 còn 11,96%, giảm 16,65% so với năm 2018.