Bình Gia: Cần siết chặt quản lý hoạt động của các cơ sở chế biến gỗTin khácTrải thảm đón nhà đầu tưChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19
Trong năm 2021, số lượng cơ sở chế biến gỗ của huyện Bình Gia tăng nhanh chóng. Đối với huyện, đây là một trong những hướng đi để người dân phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, quá trình hoạt động của các cơ sở trên vẫn tồn tại nhiều vi phạm.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn huyện có khoảng 15 cơ sở chế biến gỗ mới đi vào hoạt động, nâng tổng số cơ sở trên địa bàn lên 28 cơ sở. Tuy nhiên, rất nhiều cơ sở trong số đó vi phạm các quy định trong quá trình hoạt động. Trong năm 2021, huyện Bình Gia xảy ra 66 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, tăng 42 vụ so với năm 2020. Trong đó, có 16 vụ xảy ra tại các cơ sở chế biến gỗ (tăng gấp 3 lần so với năm 2020) với các vi phạm chủ yếu như: thiếu hồ sơ quản lý lâm sản; mua bán, tàng trữ, chế biến lâm sản không có nguồn gốc.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do lực lượng kiểm lâm trên địa bàn còn quá mỏng. Có những cán bộ phải phụ trách công tác kiểm lâm trên địa bàn của 3 xã với diện tích rừng khoảng 20.000 ha. Trong khi đó, việc quản lý hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ gặp phải rất nhiều khó khăn do các cơ sở trên chủ yếu quy mô nhỏ, hoạt động không đều khiến lực lượng chức năng khó nắm bắt. Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên tại một số cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn các xã: Mông Ân, Thiện Thuật, nhiều cơ sở chỉ hoạt động khoảng 3 đến 5 tháng trong năm do phụ thuộc vào nguồn gỗ nguyên liệu và thời tiết.
Ông Cao Xuân Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Do hoạt động thất thường, lực lượng khó nắm bắt, một số cơ sở đã trà trộn lâm sản bất hợp pháp vào chế biến, kinh doanh. Một số cơ sở còn mua gỗ nguyên liệu trôi nổi từ người dân, không có nguồn gốc rõ ràng hoặc có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để gia công. Mặc dù đơn vị đã triển khai rất quyết liệt các biện pháp ngăn chặn nhưng do lợi nhuận, nhiều chủ cơ sở vẫn vi phạm.
Không chỉ riêng đối với lĩnh vực lâm nghiệp, trong quá trình hoạt động, các cơ sở trên còn vi phạm về quản lý đất đai, môi trường. Theo tìm hiểu từ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Bình Gia, hiện nay, hầu hết các cơ sở chưa đáp ứng được quy trình xử lý chất thải và để xảy ra tình trạng khói, bụi. Cùng đó, một số cơ sở xây dựng xưởng chế biến ngay trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, không ít cơ sở hoạt động theo hình thức “nay đây, mai đó” gây khó khăn cho công tác quản lý. Tại các khu vực có nhiều diện tích rừng đến độ tuổi khai thác, các chủ kinh doanh dựng tạm xưởng chế biến. Khi hết nguồn nguyên liệu, các cơ sở lại tháo dỡ máy móc, nhà xưởng và chuyển đi. Mặc dù đơn vị đã phối hợp với các lực lượng khác cùng chính quyền cơ sở để kiểm tra, nhắc nhở một số cơ sở chưa chấp hành đúng quy định. Tuy nhiên, ý thức chấp hành của nhiều chủ cơ sở chưa cao.
Trước thực trạng trên, hiện nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Bình Gia đang xây dựng kế hoạch nhằm siết chặt quản lý các cơ sở chế biến gỗ. Về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, ông Trần Nam Sơn, Trưởng Phòng TN&MT huyện cho biết: Hiện nay, đơn vị đang phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng tại các cơ sở. Dự kiến, đầu năm 2022, đơn vị sẽ cùng với chính quyền các xã yêu cầu toàn bộ các chủ cơ sở ký cam kết về việc thực hiện các quy định trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.
Về phía Hạt Kiểm lâm huyện, ngoài tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đơn vị đang kiến nghị Sở Kế hoạch – Đầu tư hướng dẫn, phối hợp để có phương án rà soát, đánh giá khả năng hoạt động ổn định của các cơ sở trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các cơ sở khi có nhu cầu. Từ đó, tạo tiền đề thuận lợi cho công tác quản lý các cơ sở chế biến gỗ trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Có thể nói, việc phát triển các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện Bình Gia đang là một trong những hướng đi đúng để phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại nông thôn. Tuy nhiên, để đảm bảo các cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện cần triển khai quyết liệt hơn các giải pháp nhằm chấn chỉnh các vi phạm xảy ra. Trong đó, việc đẩy mạnh phối hợp giữa các đơn vị như: Hạt Kiểm lâm, Phòng TN&MT… là điều cần thiết. Từ phía chính quyền cơ sở, cần tăng cường công tác giám sát, quản lý, kịp thời đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi phát hiện sai phạm để xử lý nghiêm minh theo quy định.