Bình Dương vững bước tương lai
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại, phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh. Với hạ tầng giao thông liên tục được xây dựng và ngày càng đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại, cùng với nền tảng công nghiệp vững mạnh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Bình Dương đang vươn mình mạnh mẽ, vững bước trong tương lai.
Trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại
Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, diện mạo của Bình Dương thay đổi toàn diện trên nhiều phương diện. Từ một tỉnh nghèo, nay Bình Dương đã trở thành tỉnh công nghiệp năng động, có tốc độ đô thị hóa nhanh, được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước lựa chọn gắn bó để đầu tư lâu dài.
KCN VSIP 2 được đầu tư đồng bộ, hiện đại
Bình Dương có quy mô GRDP tăng từ 3.900 tỷ đồng vào năm 1997 lên hơn 487.000 tỷ đồng vào năm 2023 (gấp gần 125 lần sau gần 30 năm). GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 172,5 triệu đồng, gấp 1,7 lần bình quân chung cả nước và xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất tích cực (tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm gần 90% vào năm 2023). Tỉnh có ngành công nghiệp phát triển mạnh; kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 30,6 tỷ USD, chiếm 8,5% cả nước. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 85% và xếp thứ 2/63 tỉnh thành. Đồng thời, Bình Dương là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu Việt Nam. Tính đến cuối tháng 8 năm 2024, Bình Dương có hơn 4.300 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 41,8 tỷ USD, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Bình Dương là tỉnh rất năng động, sáng tạo, là động lực phát triển lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trong gần 30 năm qua, Bình Dương đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào thành tựu của công cuộc đổi mới của đất nước, khẳng định hiệu quả việc “Trung ương mở đường, địa phương kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia” trong quá trình phát triển.
Không nằm ngoài xu thế, Bình Dương cũng đang tập trung thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới, hướng tới trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh.
Bình Dương xác định công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, chú trọng vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu, tăng tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2030, tỉnh Bình Dương có 42 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 18.600ha -21.000ha.
Dây chuyền sản xuất Công ty TNHH CICOR Việt Nam
Trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương tập trung xây dựng mô hình công nghiệp thế hệ mới, thu hút đầu tư giá trị cao; phát triển KCN khoa học công nghệ, công viên kinh doanh - công nghệ thông tin, công viên khoa học. Đồng thời, tỉnh tạo môi trường cho nhân lực chất lượng cao, thâm dụng kỹ năng và công nghệ hội tụ. Việc thành lập KCN VSIP III, khu công nghệ thông tin tập trung cũng là một cách tuyên bố về quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới - hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao.
Tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bình Dương thực hiện 3 tiên phong. Thứ nhất, kết nối kinh tế, kết nối giao thông xanh với các tỉnh với vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế. Thứ 2, chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; đặc biệt là số hóa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Thứ 3, chủ động xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, tập trung vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ 4.0, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Động lực phát triển
Bình Dương phát triển gắn kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là Đông Nam bộ. Hạ tầng giao thông của tỉnh liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện; luôn có định hướng kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua các tuyến đường Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn... Hầu hết các KCN trên địa bàn tỉnh đều được quy hoạch, định hướng xây dựng hiện đại, chất lượng cao.
Để tạo động lực phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, trong giai đoạn mới, tỉnh tích cực xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại gồm cao tốc, đường sắt đô thị, cảng sông, cảng biển và logistics thông minh để khai thác tối đa tiềm năng phát triển của vùng.
Quy hoạch tỉnh đề ra tổ chức không gian kinh tế - xã hội của Bình Dương theo mô hình vùng đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo, gồm: 1 trục phát triển; 2 hành lang sinh thái; 3 vành đai liên kết; 4 trung tâm động lực; 5 phân vùng phát triển.
Bình Dương tập trung hoàn thiện hạ tầng, làm động lực phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư
Cụ thể: 1 trục phát triển là trục đổi mới sáng tạo, lấy Quốc lộ 13, đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn; cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên - Bàu Bàng … làm trục liên kết, phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.
2 hành lang sinh thái (gồm hành lang sinh thái phía Đông gắn với sông Đồng Nai và hành lang sinh thái phía Tây gắn với sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng) phát triển dựa trên bảo vệ và phát huy các giá trị sinh thái, phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải đường thủy, phát triển các khu đô thị dịch vụ sinh thái, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khu nông nghiệp sinh thái kết hợp hỗ trợ du lịch.
3 vành đai liên kết: phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 3 vành đai (Vành đai 3, Vành đai 4, Vành đai 5 của vùng TP.Hồ Chí Minh). Mở rộng tuyến giao thông kết nối với địa phương lân cận để mở ra các không gian phát triển mới cho Bình Dương như đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và một số tuyến đường quan trọng khác…
4 trung tâm động lực: Trung tâm sáng tạo Thành phố mới Bình Dương; HUB, Dĩ An; Khu phức hợp Bàu Bàng; Trung tâm văn hóa Thủ Dầu Một.
5 phân vùng phát triển gồm: Vùng đô thị phía Nam (TP.Thuận An và TP.Dĩ An), Vùng đô thị công nghiệp dịch vụ (TP.Thủ Dầu Một, TP.Bến Cát, TP.Tân Uyên), Vùng đô thị Bàu Bàng, Vùng Đông Bắc (huyện Bắc Tân Uyên và huyện Phú Giáo), Vùng Tây Bắc (huyện Dầu Tiếng).
Với nền tảng công nghiệp vững mạnh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, Bình Dương tự tin sẽ là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư và nhân tài toàn cầu; kiến tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế tri thức và chất lượng cuộc sống cho mọi người dân.
“Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, Bình Dương đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng chú trọng thu hút dự án chất lượng cao, đồng thời tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hệ thống các KCN. Bình Dương đang chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư chất lượng cao, khai thác tối đa tiềm năng từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/binh-duong-vung-buoc-tuong-lai-a331910.html