Bình Định siết chặt kiểm soát khai thác IUU

Mỗi ngày, tỉnh Bình Định có hàng nghìn tàu đánh cá rời bến, mang theo hy vọng của ngư dân về những chuyến biển bội thu. Nhưng đằng sau bức tranh lao động cần cù ấy, một thách thức lớn đang đe dọa sự bền vững của ngành thủy sản Việt Nam, đó là khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Tàu cá từ 15m trở lên phải có hệ thống giám sát hành trình hoạt động ổn định trước khi xuất bến.

Tàu cá từ 15m trở lên phải có hệ thống giám sát hành trình hoạt động ổn định trước khi xuất bến.

Giữ biển xanh, giữ nghề cá

Trước cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), tỉnh Bình Định đã và đang triển khai những biện pháp kiểm soát mạnh mẽ nhất, không chỉ bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn bảo đảm sự phát triển dài lâu của ngành.

Trong những tháng đầu năm 2025, Bình Định đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản.

Theo đó, kiểm tra 100% tàu cá xuất/nhập bến tại các cảng cá, bảo đảm tuân thủ đầy đủ thủ tục, giấy phép khai thác. Buộc tàu cá từ 15m trở lên phải có hệ thống giám sát hành trình hoạt động ổn định trước khi xuất bến. Trực ban hệ thống trạm bờ 24/24, giám sát và xử lý các tàu cá vi phạm quy định về sử dụng thiết bị giám sát hành trình. Xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo đúng quy trình, hạn chế nguy cơ vi phạm.

Đặc biệt, trong quý I năm 2025, các lực lượng chức năng đã xử phạt 31 trường hợp vi phạm khai thác IUU với số tiền 857,5 triệu đồng. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát đang được siết chặt. Các trạm kiểm soát biên phòng hoạt động 24/24 để giám sát tàu cá, xử lý ngay các trường hợp vi phạm về quản lý giám sát hành trình.

Thủy sản khai thác đều phải có nguồn gốc rõ ràng.

Thủy sản khai thác đều phải có nguồn gốc rõ ràng.

Chi cục Thủy sản cùng Ban Quản lý cảng cá Quy Nhơn, cảng Đề Gi, cảng Tam Quan tổ chức chặt chẽ việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, bảo đảm minh bạch. Vì thế, không có tàu cá của tỉnh vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài bị bắt giữ từ tháng 6/2024 đến nay. Đây là một thành tích đáng tự hào, chứng tỏ tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát.

Không dừng lại ở những biện pháp kiểm soát thông thường, Bình Định đã phát động chiến dịch cao điểm từ nay đến tháng 9/2025, trong đó tập trung vào tuần tra và kiểm soát nghiêm ngặt trên biển, cũng như tăng cường phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản và chính quyền địa phương để giám sát chặt chẽ hoạt động đánh bắt.

Cấm xuất bến đối với các tàu cá không có thiết bị giám sát hành trình, đồng thời có chính sách hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị theo quy định. Lập danh sách các tàu chưa đăng ký, hết hạn đăng kiểm, yêu cầu hoàn thành hồ sơ hoặc niêm phong, không cho xuất bến. Các huyện, thị xã ven biển phải báo cáo hằng tuần về tiến độ chống khai thác IUU, bảo đảm liên tục cập nhật tình hình và kịp thời xử lý các bất cập.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, chúng ta không được phép lơ là. Chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành thủy sản và thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, từ nay đến tháng 9/2025, cần tập trung thực thi pháp luật, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và tại các cảng cá, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác.

Áp lực phải thay đổi

Thực tế, cảnh báo từ EC không chỉ là vấn đề ngoại giao mà còn tác động trực tiếp đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Nếu không nhanh chóng hành động, nguy cơ bị nâng lên “Thẻ đỏ”, dẫn đến cấm xuất khẩu sang châu Âu là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong khi châu Âu lại là một trong những thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam, việc bị cấm xuất khẩu đồng nghĩa với hàng nghìn doanh nghiệp, hàng vạn ngư dân sẽ mất đi cơ hội kinh tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản.

Để hạn chế điều này xảy ra, Bình Định đã đề ra tầm nhìn dài hạn nhằm bảo đảm sinh kế lâu dài cho ngư dân và phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững. Trong đó, đặc biệt hỗ trợ chuyển đổi nghề cho tàu cá không đủ điều kiện khai thác, giúp ngư dân ổn định cuộc sống, tránh rủi ro mất thu nhập.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân.

Tỉnh cũng ứng dụng công nghệ trong giám sát, quản lý đội tàu, giúp quy trình kiểm soát trở nên minh bạch hơn. Nhiều nơi phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản, song song với hoạt động đánh bắt, nhằm bảo tồn nguồn lợi biển một cách bền vững.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn ghi nhận nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong thời gian qua. Đồng thời, ông yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, nhằm hướng tới phát triển thủy sản bền vững.

Để đạt mục tiêu này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể như hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác đối với tàu cá chưa đủ điều kiện. Giải bản tàu cá không có nhu cầu đăng ký, không đủ điều kiện hoạt động, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân. Không cho xuất bến với tàu cá không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ người dân lắp đặt thiết bị theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá có nguy cơ vi phạm, phối hợp lực lượng chức năng để giám sát toàn diện.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn từ sớm, từ xa hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt là xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá khai thác trái phép.

Bình Định đang hành động mạnh mẽ, quyết liệt chống khai thác IUU. Nhưng muốn chống khai thác IUU thành công, không thể chỉ có mỗi chỉ đạo từ cấp quản lý, mà cần sự chung tay của từng ngư dân, từng con tàu ra khơi.

LƯƠNG TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-dinh-siet-chat-kiem-soat-khai-thac-iuu-post880091.html