Bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Ðộ và Nam Phi mới đây đã nhất trí về những điểm chính liên quan việc miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin ngừa Covid-19. Bước tiến này mở ra hy vọng giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine trên thế giới.
Theo Reuters, thỏa thuận giữa bốn bên cho phép sử dụng "đối tượng được cấp bằng sáng chế" để sản xuất và cung cấp vaccine phục vụ mục tiêu chống dịch, mà không cần sự đồng ý của bên giữ bản quyền. Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ được miễn trừ đối với những thành phần và quy trình cần thiết để sản xuất vaccine. Giới chuyên gia cho rằng, điều khoản này rất quan trọng, tạo điều kiện để các quốc gia có cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA tiên tiến.
Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được giữa Mỹ, EU, Ấn Ðộ và Nam Phi vẫn đặt ra một số giới hạn. Việc miễn trừ chỉ dành cho những thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xuất khẩu dưới 10% trên tổng số liều vaccine ngừa Covid-19 xuất khẩu trên toàn cầu trong năm 2021. Thỏa thuận cũng không bao gồm quyền sở hữu trí tuệ đối với các liệu pháp điều trị hoặc xét nghiệm Covid-19. Ngoài ra, một số điều khoản trong thỏa thuận vẫn chưa được thống nhất, như thời gian từ bỏ tạm thời là bao nhiêu năm.
Tháng 10/2020, Nam Phi và Ấn Ðộ đề xuất ý tưởng tạm thời miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm và công nghệ y tế để ứng phó đại dịch Covid-19, cho đến khi thế giới đạt tình trạng miễn dịch cộng đồng. Ý tưởng được đưa ra nhằm tạo điều kiện để các nước có nhu cầu và năng lực, nhất là các nước đang phát triển, tự sản xuất vaccine, từ đó giải quyết bài toán tăng sản lượng và thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ tiêm chủng trên thế giới. Ðề xuất của Ấn Ðộ và Nam Phi nhận được phản ứng trái chiều từ các nước thành viên WTO. Ðề xuất được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế ủng hộ nhằm giúp các loại vắc-xin ngừa Covid-19 sớm được phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối của các "ông lớn" trong ngành dược phẩm và một số nước phát triển, trong đó có Mỹ, với lý do vấn đề bản quyền vaccine không phải rào cản lớn nhất trong việc tăng sản lượng. Ngoài ra, miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2021, Mỹ tuyên bố ủng hộ, đồng thời khẳng định sẽ tích cực tham gia các cuộc đàm phán với WTO để hiện thực hóa mục tiêu từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin ngừa Covid-19. Sau đó, Nghị viện châu Âu (EP) cũng kêu gọi EU ủng hộ sáng kiến của Ấn Ðộ và Nam Phi.
Mặc dù nhiều tháng qua, các bên tích cực thúc đẩy đàm phán, song việc từ bỏ các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19 vẫn là vấn đề bị bỏ ngỏ. Vì vậy, việc mới đây Mỹ, EU, Ấn Ðộ và Nam Phi nhất trí về những điểm chính liên quan việc tạm thời từ bỏ các biện pháp bảo hộ là tín hiệu tích cực đối với nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng toàn cầu. Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala (E.I-uây-la) nhấn mạnh, đây là một bước tiến quan trọng và sự thỏa hiệp này là kết quả của nhiều cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn. Nếu được tất cả thành viên WTO ủng hộ, các quốc gia có thể cho phép nhà sản xuất trong nước sản xuất vaccine ngừa Covid-19 mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới suốt hai năm qua chưa kết thúc và có thể kéo dài hơn nữa do tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong phân phối vaccine. Nghịch lý trong phân phối được thể hiện bằng những con số cụ thể: 1,5 tỷ liều vaccine được sản xuất hằng tháng trên thế giới, song hiện tại ba tỷ người vẫn đang chờ được tiêm mũi vaccine đầu tiên.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, để bảo đảm quyền tiếp cận công bằng vaccine ngừa Covid-19, ngoài việc các nước giàu chia sẻ vaccine và các hãng dược thực hiện đầy đủ cam kết về phân phối, thì mở rộng sản xuất là yếu tố quyết định. Việc mở rộng sản xuất đòi hỏi các hãng dược chia sẻ bí quyết và công nghệ với các công ty khác có khả năng sản xuất hoặc miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ trong một thời gian nhất định. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, việc tạm thời từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu có được 11 tỷ liều vaccine để tiêm cho khoảng 70% số dân toàn thế giới vào giữa năm 2022.
Ðại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với sự lây lan nhanh của biến thể Omicron tại nhiều nước. Các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ xuất hiện thêm các biến thể mới trong tương lai. Trong bối cảnh đó, việc san bằng khoảng cách trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 là yếu tố quan trọng giúp thế giới sớm vượt qua đại dịch.