Biết gì về hệ thống phòng không NASAMS mà Mỹ hy vọng có thể bảo vệ Ukraine trước UAV của Nga?

Mỹ viện trợ hệ thống phòng không tiên tiến NASAMS cho Ukraine với hy vọng rằng hệ thống này có thể giúp quân đội Kiev đối đầu các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Nga.

Theo tờ Asia Times, trong những ngày gần đây Nga được cho là đã triển khai hơn 400 máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất, nhắm vào các mục tiêu gồm cơ sở hạ tầng nước và năng lượng của Ukraine, dù chính quyền Tehran nhiều lần phủ nhận cung cấp UAV cho Moscow để sử dụng trong cuộc xung đột với Kiev.

Theo đó, các UAV và tên lửa hành trình này đã gây hư hại nghiêm trọng đến hệ thống cơ sở hạ tầng của Ukraine khiến hàng triệu người dân nước này mất điện, nước.

Trước tình hình đó, Mỹ đã lựa chọn đẩy nhanh việc cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không tiên tiến NASAMS (một sản phẩm từ dự án hợp tác từ 2 công ty sản xuất vũ khí của Mỹ và Na Uy).

Hệ thống phòng không NASAMS. ẢNH: THE DRIVE

Hệ thống phòng không NASAMS. ẢNH: THE DRIVE

Sức mạnh của NASAMS

Theo tờ Asia Times, NASAMS được sản xuất từ năm 1990 và đã trải qua nhiều lần nâng cấp hệ thống radar định vị cùng các cải tiến khác, song nó chưa bao giờ được đưa vào sử dụng trong các hoạt động chiến đấu trên chiến trường.

NASAMS được trang bị hệ thống phóng nhiều loại tên lửa (LCHR), có thể mang 6 tên lửa sẵn sàng khai hỏa, đồng thời 6 tên lửa này có thể nhắm vào 6 mục tiêu khác nhau và phóng đi chỉ trong vài giây. NASAMS có thể được sử dụng như bệ phóng cố định trên mặt đất hoặc gắn trên các xe tải quân sự.

NASAMS sử dụng tên lửa đối không AMRAAM - tên lửa sử dụng hệ thống truyền-nhận tín hiệu radar chủ động thay vì dùng radar bán chủ động để tiếp cận mục tiêu. Ngoài ra, NASAMS còn có khả năng phóng được các tên lửa không đối không tầm ngắn là Python và Derby do Israel sản xuất.

Một trong những lợi thế của NASAMS là nó có nguồn cung tên lửa AMRAAM được phân bổ trên khắp thế giới. Đa phần các tên lửa này là mẫu cũ nhưng vẫn được cho là đủ tốt để đánh chặn các tên lửa hành trình và UAV, dù rằng thông tin này vẫn chưa được kiểm nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực tế.

Ngoài ra, NASAMS cũng có thể bắn được các tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder. Đây là loại tên lửa được trang bị trong hầu hết các lực lượng không quân của phương Tây.

Những hạn chế của NASAMS

Mặc dù NASAMS là hệ thống phòng không đắt giá và tiên tiến hàng đầu, nhưng nó vẫn tồn tại một số hạn chế, khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng tác chiến thật sự của nó trên chiến trường, theo Asia Times.

Cụ thể, khi phóng từ mặt đất thông qua hệ thống phòng không NASAMS, tên lửa AMRAAM sẽ có tầm bắn ngắn hơn so với khi phóng từ máy bay. Người ta ước tính AMRAAM khi phóng từ bệ phóng của NASAMS chỉ đạt được tầm bắn khoảng 40 km, trong khi từ máy bay là 75 km.

Mặc dù có thể phóng được các tên lửa AIM-9 Sidewinder, nhưng các tên lửa này lại bị hạn chế trước các UAV siêu thanh với động cơ nhỏ.

Theo các chuyên gia về quân sự, NASAMS có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đối chọi các mục tiêu tấn công theo chiến thuật bầy đàn. Cụ thể, Nga có thể dùng UAV kết hợp với tên lửa hành trình theo số lượng lớn để tấn công nhằm đạt các mục tiêu lớn, điều này có thể khiến NASAMS giảm đi sức mạnh của mình trong việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng mà Ukraine mong muốn.

Theo Asia Times, dù có lợi thế trong việc hướng tới nhiều mục tiêu cùng lúc, song NASAMS vẫn có thể gặp phải 2 trở ngại như sau:

Thứ nhất là radar của tên lửa AMRAAM có thể gặp khó khăn trong việc dò tìm chính xác các UAV được sản xuất từ các vật liệu tổng hợp hoặc bằng nhựa.

AMRAAM vốn dĩ được thiết kế để đánh vào các máy bay trên không chứ không phải là các UAV hoặc tên lửa hành trình. Saudi Arabia đã bắn hạ UAV của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn bằng tên lửa AMRAAM phóng từ máy bay tiêm kích, nhưng điều này không có nghĩa là AMRAAM sẽ hoạt động tốt khi được phóng từ các bệ phóng tĩnh trên mặt đất.

Bản thân Mỹ cũng chưa thành công trong việc sản xuất các tên lửa có sẵn radar. Trong nhiều năm nay, các máy bay tiêm kích của Mỹ được trang bị thêm các tên lửa không-đối-không tầm trung Sparrow, dẫn hướng bằng radar bán chủ động, nhưng các tên lửa này vẫn thường xuyên bắn sai mục tiêu.

Thứ hai là tên lửa AMRAAM khó lọc được các mục tiêu nhất định. Tức là Nga có thể trộn nhiều loại UAV khác nhau trong các cuộc không kích, trong đó có một số UAV đóng vai trò như mồi nhử. Điều này khiến AMRAAM khó phát hiện các mục tiêu mà mình muốn nhắm tới.

Trong khi đó, giá của tên lửa AMRAAM và hệ thống phòng không NASAMS lại đắt vô cùng.

Theo Asia Times, tên lửa AMRAAM có giá khoảng 2,3 triệu USD/đơn vị, tức là đắt hơn gấp 20 lần giá của một quả tên lửa đánh chặn mà hệ thống phòng không TAMIR của Israel sử dụng.

Trong khi đó, giá của hệ thống phòng không NASAMS có thể lên tới 3 tỉ USD. Như vậy 2 hệ thống NASAMS đầu tiên Mỹ gửi cho Ukraine hồi tháng 10 có giá trị lên đến 6 tỉ USD, trong khi Washington định viện trợ cho Kiev 4 hệ thống NASAMS, tức là tổng giá trị lên đến 12 tỉ USD, Asia Times đưa tin.

CHÍ THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/biet-gi-ve-he-thong-phong-khong-nasams-ma-my-hy-vong-co-the-bao-ve-ukraine-truoc-uav-cua-nga-post706509.html