Bệnh viện Mắt Quảng Trị phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng tốt hơn
Bệnh viện Mắt Quảng Trị, trụ sở tại 309 đường Hùng Vương, thành phố Đông Hà được thành lập theo Quyết định 2238, ngày 26/8/2019 của UBND tỉnh, trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Mắt Quảng Trị. Sự ra đời của Bệnh viện Mắt nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc mắt ngày càng cao của nhân dân, đồng thời tạo thuận lợi cho việc phát triển khoa học kĩ thuật trong việc chẩn đoán và điều trị, ứng dụng các thành tựu khoa học kĩ thuật tiên tiến trong lĩnh vực chuyên khoa mắt.
Bệnh viện có nhiệm vụ thực hiện việc cấp cứu, khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú các bệnh về mắt cho mọi trường hợp bệnh nhân mắc bệnh về mắt vượt khả năng tuyến dưới và tương đương hoặc các bệnh nhân về mắt đến khám và điều trị theo yêu cầu, kể cả bệnh nhân ngoại tỉnh, nước ngoài. Bệnh viện còn tổ chức các hoạt động phòng chống mù lòa tại cộng đồng; tham gia khám giám định sức khỏe và giám định pháp y khi được yêu cầu; thực hiện hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng chống mù lòa và các bệnh về mắt; điều tra, giám sát tình hình bệnh về mắt trong cộng đồng; xây dựng chiến lược chăm sóc mắt cho nhân dân toàn tỉnh.
Bên cạnh đó giúp đỡ tuyến dưới xây dựng kế hoạch chăm sóc mắt tại cộng đồng; kiểm tra, giám sát, đôn đốc tuyến dưới thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch và hỗ trợ thực hiện chuyên môn kĩ thuật; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các chiến dịch phòng chống mù lòa và truyền thông giáo dục sức khỏe; thực hiện việc chuyển giao kĩ thuật chuyên khoa mắt cho tuyến huyện; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên khoa mắt cho tuyến dưới.
Sự ra đời của Bệnh viện Mắt Quảng Trị là cơ sở thực hành cho sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị và các cơ sở đào tạo khác trong nước. Cùng với đó là việc tổ chức tổng kết đánh giá các đề tài sáng kiến và áp dụng vào khám, chữa bệnh về mắt cũng như chương trình về chăm sóc mắt trong cộng đồng. Tham gia các công trình nghiên cứu khoa học về nhãn khoa. Áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong lĩnh vực nhãn khoa trong nước cũng như thế giới vào thực tế khám và chữa bệnh tại bệnh viện. Bệnh viện cũng là đầu mối hợp tác trực tiếp, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình hợp tác nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức phòng chống mù lòa quốc tế trong công tác chăm sóc mắt trên toàn tỉnh.
Bệnh viện hiện có 5 khoa, 3 phòng với 36 CBCNV, trong đó có 9 bác sĩ, 1 tiến sĩ, 2 bác sĩ chuyên khoa 2. Về cơ sở vật chất, bệnh viện được quy hoạch trên khu đất có diện tích 2.321 m2 ; đã có hai khu nhà 3 tầng, bố trí khoa khám bệnh, các phòng khám mắt, phòng khám nội, siêu âm, điện tim, điện quang, xét nghiệm, cấp phát thuốc; phòng mổ, kho thuốc, khu xét nghiệm; phòng trực bác sĩ, phòng trực điều dưỡng. Có 15 buồng bệnh với 50 giường bệnh. Ngoài ra còn có khu hành chính và hệ thống phụ trợ. Qua đó cho thấy nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và qui mô hiện tại đã đáp ứng điều kiện về bệnh viện chuyên khoa.
Trong những năm qua được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở Y tế, các cấp, các ngành đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ, Trung tâm Mắt (nay là Bệnh viện Mắt) đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, đảm bảo phục vụ tốt công tác chuyên môn như: Máy sinh hiển vi phẫu thuật, máy sinh hiển vi khám bệnh, siêu âm A-B, máy phẫu thuật Phaco, máy chụp đáy mắt, máy điện tim, máy xét nghiệm huyết học, sinh hóa tự động, máy xét nghiệm nước tiểu, hệ thống hấp sấy tập trung đủ đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh hiện tại với quy mô 50 giường bệnh. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quỳnh, Giám đốc Bệnh viện cũng cho biết Quỹ phát triển cộng đồng Quảng Trị đã và đang hỗ trợ cho bệnh viện máy chụp đáy mắt; máy điều trị laser quang đông.
Theo đánh giá của ngành Y tế, Quảng Trị là một trong những tỉnh có tỉ lệ người mù cao, hiện có khoảng 7.000 người mù. Trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực trong khám, chữa trị, từng bước cải thiện tình trạng mù lòa. Tuy vậy tỉ lệ mù lòa còn cao, trong đó ước tính số trường hợp đục thủy tinh thể ở người trên 50 tuổi gần 5.000 người. Số trường hợp mắc mới hằng năm khoảng 600 người, như vậy mỗi năm Quảng Trị có 5.600 trường hợp đục thủy tinh thể cần được mổ.
Theo điều tra năm 2010 trên 10.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố, tỉ lệ mắc tật khúc xạ là 13%, tỉ lệ bậc phổ thông trung học là 22,2%; như vậy trong tổng số 120.280 học sinh các cấp thì có khoảng 15.630 mắc tật khúc xạ. Để hoàn thành công việc khám sàng lọc cấp kính cho các đối tượng mắc tật khúc xạ trong học sinh là một trong những nhiệm vụ nặng nề của nhân viên y tế ngành mắt trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê toàn tỉnh tỉ lệ mù lòa do Glucom chiếm 6,8% tổng số chung, tương đương 390 người. Đây là căn bệnh khó phát hiện và điều trị, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mù vĩnh viễn. Cùng với đó là các dị tật mắt trẻ em bao gồm lác, sụp mi, chấn thương mắt trẻ em. Hiện tại Quảng Trị chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng trong các chiến dịch khám sàng lọc dị tật trẻ em cho khoảng 4.000 trẻ em đã phát hiện khoảng 64 dị tật mắt, bao gồm lác, sụp mi ( tỉ lệ 1,6%) các em này cần được phẫu thuật để bảo đảm hồi phục thị lực và thẩm mĩ.
Đánh giá về những thành tựu nổi bật trong khám, chữa trị về mắt thời gian qua, ông Nguyễn Quỳnh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Trị cho rằng, thành tích lớn nhất là giải phóng mù lòa do đục tinh thể cho hàng ngàn người dân bằng phương pháp mổ Phaco, làm giảm đáng kể các bệnh về mắt. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là đối với người già. Hiện nay nhu cầu của người dân không chỉ chữa trị mà còn làm đẹp về mắt. Vì vậy thời gian tới bệnh viện dự kiến phối hợp với chuyên gia Cuba để phát triển nhãn khoa; phối hợp hỗ trợ điều trị mắt cho người dân tỉnh Savannakhet (Lào). Đầu tư trang thiết bị hiện đại để phát triển các dịch vụ chuyên sâu về mắt. Cùng với việc tăng cường đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn cao, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143626