Bên trong 'thành phố dưới băng', căn cứ hạt nhân của Mỹ ở Greenland - Kỳ cuối
Dù được thiết kế để tồn tại 10 năm, nhưng Trại Century chỉ hoạt động đúng vài năm.
Kỳ cuối: Cái kết của Trại Century
Hiện diện của Mỹ ở Greenland
Hiện diện quân sự của Mỹ ở Greenland bắt đầu từ Thế chiến II, khi chính phủ Mỹ ký một thỏa thuận với Đại sứ Đan Mạch lưu vong, ông Henrik Kauffmann, tại Washington, DC về việc bảo vệ Greenland. Trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh, do nằm trên tuyến đường ngắn nhất qua Bắc Cực từ Washington đến Moskva và gần như cách đều hai trung tâm của cuộc đấu tranh siêu cường, Greenland trở nên quan trọng đối với hệ thống phòng thủ không gian chiến lược của Bắc Mỹ.
Trong suốt thập niên 1950, tầm quan trọng chiến lược của Greenland ngày càng tăng khi căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô leo thang. Báo cáo chung năm 1958 của Viện Bắc Cực Bắc Mỹ và Văn phòng Nghiên cứu Hải quân nhận định: “Khoa học sẽ cho phép chúng ta sử dụng Greenland như một thanh kiếm và tấm khiên Bắc Cực - một pháo đài quyền lực răn đe thiết yếu cho NATO”.
Tiềm năng quân sự thực sự của Bắc Cực chỉ có thể được chuyển hóa thành thực tế thông qua các nghiên cứu chuyên sâu tập trung vào vấn đề này. Công nghệ hiện đại sẽ cho phép tiến hành các hoạt động quân sự ở cực Bắc – dưới băng và phía trên băng – điều mà trước đây không thể tưởng tượng được.
Việc Lục quân Mỹ đóng tại Trại Century ở Bắc Greenland không phải là nỗ lực đầu tiên nhằm dùng phía Bắc Greenland cho chiến tranh hiện đại trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mỹ đã từng bắt đầu xây dựng căn cứ không quân Thule năm 1951. Đây là cơ sở quân sự cực Bắc của lực lượng vũ trang Mỹ và vào thời điểm đó là dự án kỹ thuật lớn nhất từng được thực hiện tại vùng Bắc Cực. Căn cứ này ngay lập tức trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới căn cứ của Mỹ.
Quyết định xây dựng Trại Century là một phần mới của Lục quân Mỹ về kỹ thuật quân sự vùng cực. Biến vùng đất hoang tuyết trắng thành một thành phố thực thụ với mọi tiện nghi từ thư viện đến vòi sen ấm áp, Lục quân Mỹ xem Trại Century là bước đệm để tăng cường hiện diện quân sự ở đây.
Đáng chú ý nhất, sau khi Không quân Mỹ có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman còn Hải quân Mỹ có tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Polaris, Lục quân Mỹ đã đề xuất Dự án Iceworm – một hệ thống triển khai di động phiên bản cải tiến của tên lửa Minuteman, được gọi là Iceman, dưới lớp băng Greenland. Theo dự kiến, Iceworm sẽ bao phủ 135.000 km² với 600 tên lửa Iceman có thể được bắn từ 2.100 điểm phóng khác nhau. Một mạng lưới đường hầm và đường ray rộng lớn sẽ giữ cho các tên lửa luôn di động.
Mặc dù được Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá tích cực, nhưng vào đầu thập niên 1960, Iceworm bị đình chỉ do nhiều vấn đề kỹ thuật, do cạnh tranh giữa các quân chủng và những cân nhắc chính trị về tính khả thi của dự án Iceworm, cũng như mức độ chấp nhận của chính phủ Đan Mạch.
Tuy nhiên, Trại Century không chỉ là một trại quân sự-khoa học để phục vụ các kỹ sư, nhà khoa học và sĩ quan quân đội. Trại còn là một phần trong chiến dịch công khai và hợp pháp hóa những nỗ lực của Lục quân Mỹ trong lĩnh vực kỹ thuật vùng cực và an ninh quốc gia.
Trại Century cũng không chỉ là một trò chơi chiến tranh mong manh và cũng không chỉ là một thành phố Mỹ dưới lớp băng.
Phản ứng của Đan Mạch
Các yếu tố hạt nhân của Trại Century là những điểm mà công chúng khó chấp nhận. Quan điểm của người Đan Mạch về vấn đề hạt nhân có phần mâu thuẫn, một phần vì phong trào hòa bình mạnh mẽ và một phần vì Đan Mạch phải cân bằng giữa Liên Xô và Mỹ.
Vào tháng 3/1957, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch đã chấp nhận lời đề nghị của Mỹ về tên lửa Nike-Hercules, có thể mang đầu đạn hạt nhân nếu cần. Ngay sau đó, quân đội Đan Mạch bắt đầu chuẩn bị cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, chính sách chính thức của Đan Mạch vẫn dựa trên quyết định không cho phép lưu trữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Đan Mạch dưới các hoàn cảnh hiện tại, bao gồm caơở Greenland.
Trên báo chí Đan Mạch, tin tức về thành phố hạt nhân dưới lớp băng Greenland đã được đón nhận với thái độ hoài nghi do liên quan đến quân sự. Hầu như không có nỗ lực nào diễn ra để thuyết phục công chúng Đan Mạch về kỳ quan của Trại Century.
Nhà địa lý học và nhà thám hiểm Bắc Cực người Mỹ, Paul Siple, người đứng đầu Văn phòng Vấn đề Bắc Cực của Lục quân Mỹ, đã đến Đan Mạch để nhận Huy chương Hans Egede danh giá từ Hội Địa lý Hoàng gia Đan Mạch vào ngày 3/2/1960, ngay khi tin tức về lò phản ứng hạt nhân của Trại Century sắp được công bố trên báo chí Đan Mạch. Ông đã đảm bảo với độc giả của tờ báo Politiken rằng không có bí mật quân sự và mục đích của Mỹ hoàn toàn là khoa học.
Tuy nhiên, sau đó, phóng viên của Politiken, Paul Hammerich, đã phản bác lại lời của ông Siple trong một loạt bài viết từ Greenland. Nhà báo Hammerich chỉ ra rằng Đại tá Kerkering không muốn nói về các tác động của việc xây dựng Trại Century và ông suy đoán rằng Lục quân Mỹ muốn sử dụng Trại Century để nhằm bốn mục đích. Một là luyện tập và phòng thủ chống chiến tranh Bắc Cực toàn diện. Hai là xem xét lá chắn bảo vệ của lớp băng đối với các vụ nổ bom hydro và bức xạ phát sinh. Ba là dùng những hố khổng lồ dưới lớp băng để lưu trữ thực phẩm và các vật dụng khác (đảm bảo bảo quản đông lạnh vĩnh viễn). Bốn là sử dụng lớp băng để phóng tên lửa vào không gian và chuẩn bị cho các phi hành gia sống trong điều kiện khắc nghiệt.
Các nhà chức trách Đan Mạch đã bày tỏ lo ngại và cố gắng hạn chế công chúng tiếp cận thông tin về việc sử dụng Trại Century cho các mục đích quân sự. Tuy nhiên, thông tin về các tác động quân sự và khoa học công nghệ của Trại Century đã được công khai.
Cái kết
Dựa trên những thông tin về quá trình di chuyển của lớp băng, Trại Century chỉ có thời gian sử dụng là 10 năm, từ 1960 đến 1970, sau đó trại sẽ không còn được sử dụng. Để tránh sụp trại, nhân viên làm việc tại đây đã thực hiện một hoạt động rất mất thời gian và nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn tích tụ tuyết và ngăn các đường hầm sập. Họ phải loại bỏ hơn 120 tấn tuyết và băng khỏi bề mặt lớp băng trên trại mỗi tháng.
Đến năm 1962, chỉ hai năm sau khi Trại Century mở cửa, mái trên lò phản ứng hạt nhân đã bị sụt xuống 1,5m do nén tuyết trên đường hầm của lò phản ứng. Các nhân viên phải nâng mái lên để lò phản ứng tiếp tục họa động.
Hai năm sau, vào năm 1964, một lần nữa rõ ràng là băng đã làm đảo lộn hoàn toàn kế hoạch: mái và tường của lò phản ứng đã bị sập đến mức nguy hiểm. Quyết định là phải tháo dỡ hoàn toàn lò phản ứng.
Walter Sullivan, nhà báo khoa học của tờ New York Times, giải thích quyết định của Lục quân Mỹ về việc tháo dỡ lò phản ứng sau chưa đầy ba năm hoạt động và sau khi đã chi hàng triệu USD: “Lý do cho quyết định này là vì lò phản ứng đang bị dồn ép tới mức không thể tồn tại. Áp lực không thể tránh khỏi của tuyết Bắc Cực, chồng chất lên nhau, biến tuyết thành băng và đang thu hẹp đường hầm lò phản ứng”.
Ông cho rằng lý do cơ bản để đóng cửa Trại Century là vì trại đã phần lớn hoàn thành mục đích. Trại là một mẫu thử nghiệm của một căn cứ ngầm, lấy nhiệt, ánh sáng và điện từ năng lượng hạt nhân. Trại này hầu như không thể phát hiện từ trên không. Ngày nay, những căn cứ như vậy dường như ít cần thiết hơn. Các tàu ngầm Polaris có thể di chuyển liên tục dưới lớp băng Bắc Cực có vẻ đáng tin cậy hơn nhiều. Hơn nữa, khu vực băng lớn duy nhất ở phía Bắc là Greenland, vốn là lãnh thổ của Đan Mạch trong khi người Đan Mạch rất nhạy cảm với các hoạt động của Mỹ.
Trong đoạn cuối cùng của bài viết, nhà báo Sullivan đề cập đến di sản quan trọng và lâu dài nhất của Trại Century, đó là các lõi băng do Lục quân Mỹ khoan. Vào năm 1964, khi lò phản ứng đang được tháo dỡ khỏi Trại Century, nhà khoa học người Đan Mạch Willi Dansgaard, vốn biết rằng các lớp băng của tấm băng Greenland chứa thông tin về khí hậu trước đây của Trái đất, nên ông đã đến thăm trại. Trong chuyến thăm, ông bất ngờ phát hiện ra rằng các kỹ sư đang khoan qua lớp băng, nhưng không được thấy các lõi băng thực tế. Sau đó, ông Dansgaard mới được phép sử dụng lõi băng từ Trại Century cho nghiên cứu khoa học. Lõi băng từ Trại Century chứa thông tin về các sự kiện khí hậu từ 100.000 năm trước. Tuy nhiên, đây lại là một câu chuyện khác.
Năm 1965, các kỹ sư Lục quân Mỹ rút khỏi Trại Century nhưng đã để lại toàn bộ cơ sở vật chất cùng với rác thải hạt nhân độc hại, những tưởng băng giá sẽ bảo vệ chúng mãi mãi. Nhiều thập kỷ sau đó, tuyết rơi dày đã chôn vùi Trại Century sâu thêm 35 mét dưới băng, khu trại này đã chìm vào quên lãng cho tới khi chịu tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu. Người ta lo ngại rằng khi lớp băng tan, những chất thải độc hại sẽ tràn ra và gây nguy hại cho môi trường.