Nằm sâu dưới lòng đất ở phía tây thủ đô Ottawa, Canada là một hầm trú ẩn bom hạt nhân Diefenbunker từ thời Chiến tranh lạnh có diện tích hơn 9.300 m2. Công trình ngầm này được thiết kế, xây dựng để làm nơi trú ẩn an toàn cho giới lãnh đạo trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Theo các thông tin được công bố, hầm trú bom hạt nhân Diefenbunker được xây dựng từ năm 1959 - 1961 với sức chứa hơn 500 người.
Hầm trú ẩn bom hạt nhân Diefenbunker là một tòa nhà 4 tầng với 300 phòng. Trong suốt nhiều năm, địa điểm này được giữ bí mật với công chúng.
Công trình này được thiết kế có thể chịu đựng được vụ nổ 5 megaton từ khoảng cách 1,8 km. Giới lãnh đạo Canada có thể điều hành đất nước dưới lòng đất tối đa 30 ngày trong trường hợp bị tấn công hạt nhân.
Từ năm 1994, hầm trú ẩn dừng hoạt động. Cũng trong năm đó, công trình được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia Canada và trở thành một công trình tiêu biểu được xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Năm 1998, công trình ngầm thời Chiến tranh Lạnh này được chuyển đổi thành bảo tàng Diefenbunker. Tên gọi này được đặt theo tên Thủ tướng thứ 13 của Canada, ông John Diefenbaker - người cho phép xây dựng công trình làm trụ sở chính phủ khẩn cấp.
Trong số các căn phòng bên trong hầm trú ẩn bom hạt nhân Diefenbunker có dãy phòng dành cho Thủ tướng (gồm văn phòng làm việc, phòng ngủ và phòng tắm riêng), một phòng phát sóng khẩn cấp của CBC... Thậm chí, kho tiền để chứa vàng phục vụ ngân hàng trung ương Canada cũng được xây dựng trong căn hầm này.
Ngày nay, du khách có thể ghé thăm hầm trú ẩn bom hạt nhân Diefenbunker và đặt chân vào khu vực được thiết kế để dự trữ vàng phục vụ cho ngân hàng trung ương Canada.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của ngân hàng trung ương Canada cho biết nơi này chưa từng thực sự dùng để cất giữ vàng. Đến những năm 1970, nơi này được chuyển đổi thành phòng tập thể thao.
Mời độc giả xem video: Bộ trưởng ngoại giao Nga cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (theo CBC)