Bên gốc trâm già
… Là tâm tình của người sống dựa cả đời vào trâm, là vui buồn từng ngày được họ chia sẻ cùng nhau trong buổi trưa vắng khách. Cũng bên gốc trâm, là những đứa trẻ bắt đầu lớn lên ở vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) lựa trái trâm chín ngọt bỏ vào miệng thay quà vặt phố thị.
Đối với người dân địa phương, hoặc người nhiều lần đi ngang thị trấn Tri Tôn về xã Cô Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), hình ảnh hàng trâm già cỗi trở nên quen thuộc vô cùng. Không ai trồng, mà tự chúng mọc dại ven đường, tạo thành hàng cây xanh mát đặc trưng xứ núi.
Cách đây 2 tháng, cô bạn đồng nghiệp của tôi thực hiện phóng sự “Chờ mùa trâm chín”. Đáng lẽ, phải cả năm nữa, trâm mới trở lại nơi này. Nhưng nói như cô bé 12 tuổi Neang Sóc Muôn: “Trâm này trái mùa. Bình thường giờ này đâu có trâm. Tự nhiên, trâm chín rộ, cả gia đình con mừng quá, xúm nhau bẻ, rồi chia nhau đi bán”.
Hễ nhắc đến trâm là chúng tôi bật ngay trong đầu câu hát đồng dao: “Trời mưa lâm râm/ Cây trâm có trái…”. Giờ, đã qua tiết mưa lâm râm, chuyển đến mùa mưa già. Dĩ nhiên, lượng trâm trái mùa sẽ không dồi dào như vụ chính, không phải cây nào cũng trĩu trái. Đợt lễ 30/4, Muôn bán cả ngày được 30kg. Hiện giờ, chỉ 1/10 mà thôi. Nhưng, “lộc trái mùa” này vẫn mang đến thu nhập phấn khởi cho gia đình Muôn và nhiều hộ dân tộc thiểu số Khmer quanh đây.
Bà Neang Kim (64 tuổi, áo xanh) mới bán trâm vài năm nay. Hộ nào có trâm trên đất, thì giống như cây “hái ra tiền”. Bà không may mắn như vậy, nên phải mua cây trâm của người khác, giá từ 700.000 đến 1 triệu đồng/cây, tùy theo số lượng trái nhiều hay ít.
Bù lại, bà thu hoạch kha khá trâm, bán đắp đổi cả năm, lấy vốn lại rất nhanh. Sáng giờ, bà chỉ bán được 5kg, do thiếu người leo cây hái trái. Trái mùa nên trâm khá nhỏ, giá từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Dẫu vậy, vị ngọt vẫn như cũ, đậm đà đầu lưỡi.
Bên gốc trâm một người ôm không giáp, bà và đứa cháu nhỏ thảnh thơi ngồi chờ khách vãng lai ghé mua.
Cùng chia sẻ bóng mát của cây trâm, là những người bạn vong niên của bà. Sau giấc ngủ trưa, họ ra ngồi vệ đường, nghe gió mát lùa qua từng nhánh trâm, luôn miệng kể chuyện phum sóc, chuyện trâm nuôi sống đời họ, bằng mấy câu tiếng Việt không sõi.
Rất nhiều người ngẩn ngơ khi lạc vào “rừng trâm”, “đồng trâm” Bảy Núi An Giang. Trâm mọc hoang vô số kể, cứ vững chãi phát triển dọc theo đường dân sinh, bờ đê…
Vòng đời của trái trâm thay đổi màu sắc liên tục, từ lúc xanh non, đỏ nhẹ, đỏ thẫm đến tím già; khô quắt rồi rụng khi người không kịp bẻ.
Người ta nhắc mãi nét đẹp thơ mộng của đồng trâm. Chúng nối tiếp nhau, uốn lượn mềm mại, nhìn từ trên cao xuống thành bức họa đồng quê riêng có ở Tri Tôn. Cánh đồng lúa nằm bình yên bên hàng trâm, màu xanh này hòa lẫn vào màu xanh kia…
Trâm sánh đôi cùng thốt nốt – loại cây cũng rất đặc trưng ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống.
Hoặc trâm an nhiên vươn mình, nhìn những liếp rau ngắn ngày hết được gieo trồng rồi thu hoạch, lại gieo trồng mùa vụ mới…
Không thích “sống cùng tập thể”, một vài cây trâm lại lẻ loi che mát khoảng không giữa đồng. Nhiều bạn trẻ gọi vui, đây là “cây trâm cô đơn”.
Nhưng cây trâm già này lại chẳng hề cô đơn, bởi lũ trẻ cứ chui vào bóng râm rộng lớn của cây. Với vóc dáng nhỏ bé của chúng, cây trâm là “thiên đường”, vừa che mát, vừa đủ diện tích cho những “siêu xe” của chúng cong quẹo đường đua.
Chơi chán chê thì bọn trẻ lại rủ nhau hái trâm chín, ăn đến khi môi lưỡi tím ngắt mới chịu ngừng. Rồi sau này, khi trưởng thành, nếu phải lập nghiệp ở nơi khác, rời xa đồng trâm, tạm biệt gốc trâm già, có lẽ, ký ức hôm nay sẽ trở thành vô giá với từng đứa trẻ. Trâm dùng cả đời mình cần mẫn nuôi lớn tâm hồn chúng, nuôi sống cả gia đình chúng, nghĩa tình ấy đong đầy biết dường nào…
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ben-goc-tram-gia-a367246.html