Bên bếp chờ bánh in
Trong nỗi bận lòng của đứa con xa quê nghĩ mình sẽ lỗi hẹn mùa xuân, tôi tự hỏi mình, chừ xứ Quảng đã rục rịch chuẩn bị tết chưa?
Hồi đó, chừng giữa Chạp đã thấy má bày biện gian bếp làm đủ thứ bánh trái. Người nhà quê quan niệm: “Đói cũng ngày tết, hết cũng ngày mùa”.
Có bao nhiêu ngon ngọt, họ đều ráng nhín lại để dành cho bếp tết. Thể nào má cũng làm mấy mẻ bánh in dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên, ước vọng năm mới được trọn vẹn tốt đẹp như in.
Má dạo mấy vòng quanh chợ, tìm đúng loại nếp dẻo thơm, hạt to chắc mẩy. Canh củi lửa một chặp, cho đến khi nếp trong chảo ngả màu vàng mơ, thoảng chút thơm dịu, bà sẽ hì hụi giã nếp trong cối gỗ thành bột mịn.
Rồi bào đường bát thật mịn, thắng nước đường vừa tới và nhào trộn đều tay với bột nếp. Khi bột đủ độ mịn để nắm thành từng viên chắc chắn, người lớn sẽ cho bột vào đầy các lỗ khuôn gỗ chạm trổ nhiều hoa văn, hình thù đẹp mắt, ém chặt để in bánh. Khuôn gỗ có thể in ra những chiếc bánh hình vuông, hình tròn, hoa văn hoa mai, hoa cúc...
Úp ngược khuôn bánh lên mẹt tre, nong tre có lót sẵn giấy báo, dùng chày gõ lốc cốc lên đáy khuôn, những chiếc bánh in được lấy ra dưới mấy đôi mắt láy láy, tròn xoe của tụi trẻ con. Những ngày âm ẩm thiếu nắng, má khoanh tròn cái mành tre lại, đặt nồi than đỏ rực vào giữa, gác nong tre lên trên để sấy bánh.
Bánh in được sấy khô lại hơi cứng, cắn một miếng giòn rụm, bánh tan trong miệng ngọt thanh, thơm phức hương nếp chín quyện đường. Bánh in khô ăn được trong nửa năm mà không cần chất bảo quản nào.
Mấy mùa tết quê, bọn trẻ con ngồi quây tròn bên bếp lửa ấm ru canh sấy bánh in, cứ thấy cái nào nứt nhẹ hoặc cháy sém là mừng quýnh. Đợi tới lúc bánh chín, má đếm lại thì mẻ nào cũng thiếu một, hai cái.
Ngoài bánh in bột nếp, có năm má xay thêm đậu xanh cà tách vỏ, trộn chung với bột nếp và đường bát để làm bánh in đậu xanh. Bánh đậu xanh thơm thanh, bùi bùi, hơi khô cứng hơn bánh bột nếp. Cả hai loại đều khá ngon, tùy vào khẩu vị của mỗi người mà lựa chọn.
Giữa tiết trời se lạnh, ngồi hơ tay bên bếp lửa ấm, nghe mùi thơm nức mũi từ mẻ bánh in mới ra lò, lòng biết rằng tết đã đến thật gần hiên nhà.
Để rồi vào ngày đầu năm mới, má pha ấm trà lá vối, cả nhà quây quần bên nhau thưởng trà nếm bánh, cùng thắp lên bao ước vọng về một năm an lành. Bà con, khách ghé thăm nhà cũng được mời thưởng thức chiếc bánh in, vừa vặn khắng khít nghĩa tình.
Bàn khuôn năm đó in nên những chiếc bánh bột nếp thật đẹp, cũng in vào lòng trẻ thơ những thương yêu ngọt ngào. Cứ độ tết đến, mỗi đứa con xa quê lại nhớ như in khung cảnh bữa giáp tết của ấu thơ. Hoặc như em tôi, ngày cuối đông giữa phố thị, sửa soạn ký ức làm một chuyến vọng tết miên man...
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ben-bep-cho-banh-in-226467.htm