Bệ phóng từ đầu tư công: 'Trải thảm' hạ tầng gọi dòng vốn đổ về Bà Rịa - Vũng Tàu
Nhờ đầu tư mạnh vào hệ thống giao thông, Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong nước và doanh nghiệp FDI. Song song với đó, những nhà đầu tư cũ, ổn định cũng có xu hướng tăng vốn, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hút vốn tư nhân từ đầu tư công
Phố biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những địa phương có vị thế tốp đầu trong bản đồ du lịch phía Nam với bãi biển đẹp, con người thân thiện. Đặc biệt những năm gần đây, đằng sau thế mạnh du lịch còn là một cuộc chuyển mình mạnh mẽ khi hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, du lịch đẳng cấp được triển khai đầu tư tại địa phương, đưa Vũng Tàu ngày càng vươn ra biển lớn.

Bãi Sau Vũng Tàu hiện nổi bật với dự án chỉnh trang có lối đi bộ, cây xanh, cầu ngắm biển...
Theo ghi nhận của PV Báo Xây dựng, đường Thùy Vân - Bãi Sau ở Vũng Tàu đã mang diện mạo mới với công viên, phố đi bộ, cầu ngắm biển nổi bật. Cạnh đó, công nhân tiếp tục thi công những hạng mục còn lại để sớm đem làn gió mới, hình hài nổi bật phủ lên toàn bộ Bãi Sau.
Với dự án này, Bà Rịa – Vũng Tàu đã rót trên 1.000 tỷ đồng để nâng cấp đồng bộ hạ tầng gồm đường, vỉa hè, cảnh quan, phần ngầm, lối đi bộ, công viên, quảng trường ven biển… biến nơi đây thành đại lộ du lịch cao cấp, trở thành điểm nhấn đặc biệt của địa phương, từ đó thu hút thêm các dự án đầu tư tư nhân đổ về.
Không chỉ dừng ở các tuyến du lịch ven biển, hệ thống hạ tầng trục ngang huyết mạch như đường Cầu Cháy, Hàng Điều, Bình Giã… cũng được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mở rộng, kết nối nhanh đến các trục chính 3/2 – 2/9.

Hạ tầng giao thông trục ngang kết nối khu nội ô ra tận biển, giúp người dân, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các tiện ích của địa phương.
Mạng lưới giao thông liên hoàn đang dần hình thành, liên kết giữa khu trung tâm, khu dân cư, khu nghỉ dưỡng cao cấp và các khu hành chính, từ đó giúp bất động sản phát triển hài hòa từ ven biển đến nội đô.
Song song đó, tuyến đường kết nối TP Vũng Tàu với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang được gấp rút triển khai. Khi hoàn thành, tuyến này sẽ chia lửa cho quốc lộ 51, rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ về Vũng Tàu, tạo thuận lợi lớn cho nhà đầu tư và du khách.

Đường kết nối TP Vũng Tàu về cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là một trong những dự án được người dân, nhà đầu tư mong chờ để rút ngắn thời gian di chuyển.
Đáng chú ý, tỉnh cũng đang nghiên cứu đầu tư cảng tàu khách quốc tế Vũng Tàu quy mô 120ha với tổng vốn khoảng 8.000 tỷ đồng. Đây sẽ là cảng đón tàu du lịch lớn nhất miền Nam, đồng bộ về dịch vụ - logistics du lịch, kết nối với mạng lưới du lịch Côn Đảo, TP.HCM, Phan Thiết, miền Tây…
Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu dài 84km cũng đang được xúc tiến, hứa hẹn kết nối cụm cảng Cái Mép – Thị Vải với các vùng công nghiệp và đô thị, góp phần giảm tải cho quốc lộ 51.

Vùng đất Gò Găng nay cũng đã thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng phát triển.
Một điểm nhấn khác đang thu hút nhà đầu tư là đảo Gò Găng, nơi tỉnh đang đẩy nhanh quy hoạch phát triển đô thị sinh thái và sân bay Gò Găng. Đây sẽ là cánh cửa thứ hai đưa nhà đầu tư và du khách đến với thành phố biển, đồng thời mở rộng không gian đô thị về hướng Tây Nam, giảm tải cho khu trung tâm.
Rõ ràng, Bà Rịa – Vũng Tàu đang triển khai bài bản chiến lược phát triển đô thị ven biển và kinh tế biển, lấy đầu tư công làm đòn bẩy để dẫn dắt đầu tư. Từ các tuyến đường trục chính, cao tốc liên vùng, cảng biển, sân bay đến đường sắt, thành phố đang dần hiện rõ vai trò trung tâm du lịch – logistics – công nghiệp – đô thị biển của khu vực phía Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh (trái) gặp gỡ lãnh đạo Tập đoàn Hyosung, đây là tập đoàn lớn, đầu tư mạnh vào Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian qua.
Tại buổi làm việc với TP Vũng Tàu, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu thành phố triển khai nhanh các công trình hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị. Song song đó cũng tạo quỹ đất sạch, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị để phát triển du lịch đẳng cấp, nâng cao vị thế của TP Vũng Tàu.
"Thỏi nam châm" kinh tế mới của vùng Đông Nam Bộ
Hạ tầng đi trước, đầu tư tư nhân nối bước, nguyên lý này đang được Bà Rịa – Vũng Tàu vận hành hiệu quả. Diện mạo đô thị mới mẻ, kết hợp cùng chính sách cởi mở, đang hút dòng vốn đổ về. Quý I/2025, tỉnh đã thu hút hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư, riêng tháng 4 đã có thêm trên 141 triệu USD từ 8 dự án FDI và 3.700 tỷ đồng từ 7 dự án trong nước.

Vừa nâng cấp hạ tầng, khu đất 60ha tại phố biển Vũng Tàu đã được đấu giá thành công và dự kiến khởi công xây dựng dự án từ 16/5.
Điểm sáng mới là khu đất 60ha mặt tiền đường 3/2 vừa hoàn tất đấu giá, dự kiến khởi công ngày 16/5, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Vũng Tàu (thuộc Sun Group) triển khai. Sự hiện diện của Sun Group, tên tuổi lớn trong ngành du lịch, nghỉ dưỡng kỳ vọng tạo đà cho làn sóng đầu tư thứ cấp và các vệ tinh khác.
Các “ông lớn” khác như Novaland, Hưng Thịnh cũng đã và đang tăng tốc với loạt dự án cao cấp. Ngoài ra, dọc các trục 3/2, 2/9, Trần Phú cũng xuất hiện nhiều dự án lớn, đặc biệt là tổ hợp The Maris rộng 23ha ở phía tây bắc Vũng Tàu. Nhiều tập đoàn khác cũng đang đàm phán hoặc triển khai các dự án du lịch, đô thị ven biển Bãi Sau ra Bãi Trước.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) nhà đầu tư lớn tại KCN Cái Mép – dự kiến bơm thêm 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó tập trung mạnh cho nhà máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Lee Sang Woon, Phó Chủ tịch Hyosung, đánh giá cao sự đồng hành của chính quyền tỉnh và khẳng định môi trường đầu tư nơi đây rất hấp dẫn. Tương tự, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn cũng lên kế hoạch đầu tư thêm 400 triệu USD mở rộng nhà máy, sử dụng khí ethane nhập khẩu làm nguyên liệu.

Những dự án lớn về bất động sản, nghỉ dưỡng cũng đang mọc lên nhanh tại phố biển Vũng Tàu.
Với tốc độ phát triển hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tăng tốc trở thành đầu mối hạ tầng kinh tế biển, trung tâm du lịch thông minh của vùng Đông Nam Bộ. Ông Don Lam, CEO VinaCapital, cho rằng Bà Rịa – Vũng Tàu đang hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành “bệ phóng” mới.
Ông đánh giá môi trường đầu tư tốt, hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải là điểm đến của các hãng tàu lớn, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và cầu Phước An đang xây dựng sẽ kết nối thuận lợi với Long Thành, TP.HCM, miền Tây. Khi sân bay Long Thành và tuyến đường sắt Biên Hòa – Cái Mép hoàn thành, tỉnh sẽ sở hữu đầy đủ 5 phương thức vận tải – điều mà rất ít địa phương có được.

Phối cảnh dự án The Maris tại trục đường lớn ở phố biển Vũng Tàu khẳng định đẳng cấp cho vùng đất ven biển.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, tỉnh xác định hạ tầng giao thông đô thị phải đi trước một bước để giao thông giao thương thuận lợi. Từ đó kêu gọi đầu tư hiệu quả hơn. Với tấm thảm hạ tầng giao thông kết nối các khu vực cảng biển, du lịch và công nghiệp, đưa Bà Rịa - Vũng Tàu xích gần hơn với Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM, Long An giúp phát triển hệ thống cảng biển, phát triển du lịch, thu hút đầu tư.
Theo các chuyên gia, chiến lược phát triển của Bà Rịa – Vũng Tàu đang đi đúng hướng khi nâng cấp hạ tầng bằng đầu tư công, tạo dư địa phát triển đô thị theo cụm, có trọng tâm. Các cực phát triển mới như Gò Găng – Long Sơn hay diện mạo nổi bật của phố biển Vũng Tàu nhờ giao thông gắn kết với sân bay, cảng biển sẽ là thỏi nam châm hút nhà đầu tư.