Bế mạc Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018

Sau 6 ngày diễn ra sôi nổi, tối 21/9, Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018 đã chính thức bế mạc.

Theo Ban tổ chức Hội giảng, 56 tỉnh, thành phố tham gia Hội giảng năm nay đã mang tới 373 bài giảng của 90 nghề, tập trung vào các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn vừa có khả năng đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH và hội nhập quốc tế, vừa phù hợp với xu hướng phát triển khoa học kỹ thuật hiện đại, như nghề: Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Điện công nghiệp, Quản trị khách sạn, …

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ bế mạc

Đánh giá của Hội đồng Giám khảo cho biết, nhiều thầy, cô giáo đã nắm vững kiến thức, kỹ năng chuyên môn và tỏa sáng “nghệ thuật” sư phạm, thông qua việc kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học mới, hiện đại, tạo môi trường học tập sinh động, phát huy được tính chủ động sáng tạo của người học. Nhiều bài giảng đã thành công trong việc áp dụng công nghệ mới; ứng dụng thành thạo, hiệu quả công nghệ thông tin, các phần mềm mô phỏng vào việc minh họa các kỹ năng khó, tạo nên sức hấp dẫn đối với người học. Một số bài giảng sử dụng thiết bị tự làm phù hợp với thực tiễn, có tính sáng tạo, đạt hiệu quả cao.

Trong khuôn khổ Hội giảng cũng diễn ra 3 hội thảo với sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các địa phương, cơ sở giáo dục nhà nước trên phạm vi cả nước và quốc tế. Qua đó, nhiều góc tiếp cận mới, ý tưởng thú vị đã được gợi mở. Các đại biểu cũng đã có dịp tham quan các gian trưng bày thiết bị giáo dục, tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trao giải nhất cho các nhà giáo

Đặc biệt với thông điệp “Đổi mới phương pháp sư phạm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”; “Thực tâm, thực tài, thực nghề; gương mẫu, sáng tạo, đổi mới” và tinh thần đổi mới trong khâu tổ chức, lần đầu tiên BTC Hội giảng đã tổ trức livestream các bài trình giảng và công bố công khai kết quả đánh giá bài giảng của nhà giáo vào mỗi cuối buổi (thay vì tổng hợp vào lúc bế mạc Hội giảng như trước kia).

Kết thúc Hội giảng, BTC đã lựa chọn được 1 bài giảng điển hình về ứng dụng CNTT có hiệu quả; 1 bài giảng về sử dụng thiết bị giáo dục nghề nghiệp tự làm hiệu quả nhất; 15 bài giảng tỏa sáng về kỹ năng nghề và phương pháp sư phạm; 256 nhà giáo đạt giải khuyến khích; 48 nhà giáo đạt giải ba; 32 nhà giáo đạt giải nhì; 16 nhà giáo đạt giải nhất và 7 tỉnh, thành phố đạt giải nhất, nhì, ba toàn đoàn.

Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Bộ trường Bộ Lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chăm lo của toàn xã hội, sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp CNH – HĐH và hội nhập quốc tế. Tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 tổ chức tại Thái Lan vừa qua, đoàn Việt Nam đạt thành tích thứ 3 toàn đoàn với 7 Huy chường Vàng, 7 Huy chương Bạc và 6 Huy chương Đồng, 16 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Có được những kết quả đó là nhờ sự cố gắng chung của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, cơ sỏ giáo dục nghề nghiệp và đặc biệt là đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp – những người giữ vai trò quyết định chất lượng đào tạo.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, đã có nhiều kỳ Hội giảng toàn quốc được tổ chức nhưng đây là lần đầu tiên tổ chức Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp với số lượng bài trình giảng nhiều nhất từ trước đến nay. Trong đó, có nhiều nhà giáo đến từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu vùng xa; số ngành nghề đa dạng ở các cấp trình độ đào tạo; có những ngành nghề đặc thù lần đầu tiên tham gia trình giảng… Những tín hiệu này thể hiện sự quyết tâm, nố lực vượt bậc của toàn ngành Giáo dục nghề nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trao giải ba cho các nhà giáo

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH chỉ rõ, nhiệm vụ của ngành trong những năm tới là phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55% vào năm 2020. Bên cạnh đó cần tập trung mọi nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục nghề nghiệp.

“Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và cho biết hiện tại, Bộ LĐTB &XH đang triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm hướng dẫn thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, đồng thời phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư quy định mã số chức danh nghề nghiệp. Theo đó, sau nhiều năm, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có mã số và chức danh riêng. Đây là một trong những giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp.

*Tại Lễ bế mạc, BTC đã trao 5 Giải ứng dụng CNTT và sử dụng hiệu quả thiết bị tự làm; trao 7 giải tập thể và 96 giải cá nhân cho các nhà giáo, trong đó có 48 giải ba, 32 giải nhì, 16 giải nhất.

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/be-mac-hoi-giang-nha-giao-giao-duc-nghe-nghiep-toan-quoc-nam-2018-d2055628.html