Bể điều tiết ngầm chống úng ngập - Tại sao không?

Giải pháp chống úng ngập, trong đó kiến nghị xây dựng bể điều tiết ngầm chứa nước mưa khu vực ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong tại hội nghị giao ban công tác tháng 5-2022 của UBND thành phố Hà Nội mới đây đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. Đây được xem là giải pháp kỹ thuật mang tính chủ động để xử lý khu vực úng ngập bất lợi về địa hình, nằm xa nguồn xả.

Điểm úng ngập Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa.

Giảm mức độ và thời gian úng ngập

Thực tế, giải pháp xây dựng bể điều tiết ngầm chống úng ngập không phải ý tưởng lần đầu tiên được Hà Nội đề cập. Từ năm 2018, giải pháp này đã được Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, Sở Xây dựng đề xuất nhằm xử lý các điểm úng ngập có cốt địa hình trũng thấp so với khu vực xung quanh, nằm xa nguồn xả như: Ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa (quận Hoàn Kiếm); phố Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa). Song cho đến nay, mới có điểm úng ngập trên phố Nguyễn Khuyến đã được triển khai đầu tư xây dựng bể điều tiết ngầm thoát nước, đưa vào hoạt động từ năm 2020.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa - chủ đầu tư thực hiện dự án, năm 2019, cùng với triển khai dự án cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Quốc Tử Giám, quận Đống Đa đã thực hiện cải tạo thoát nước phố Nguyễn Khuyến, trong đó có việc đầu tư xây dựng bể điều tiết ngầm chống úng ngập nằm trong khuôn viên Trường THCS Lý Thường Kiệt.

Bể điều tiết nước ngầm được xây dựng từ tháng 3 đến tháng 8-2020, có kết cấu bê tông cốt thép, dài 34m, rộng 9m, sâu 6,6m, công suất trữ nước khoảng 2.000m3. Về cơ chế hoạt động, trong điều kiện bình thường, bể được bơm hút hết nước. Khi xảy ra mưa lớn, nước dồn qua ngưỡng tràn trên hệ thống ga thu và cống đường Nguyễn Khuyến chảy về bể. Sau đó, máy bơm công suất 250 m3/giờ sẽ bơm nước từ bể ngầm vào hệ thống thoát nước của thành phố.

Đánh giá về hiệu quả, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, nếu trước đây gặp phải trận mưa 138mm/2 giờ như chiều 29-5, điểm ngập tại phố Nguyễn Khuyến sẽ kéo dài nửa ngày, ảnh hưởng lớn đến giao thông đi lại cũng như học sinh đến trường. Tuy nhiên, từ khi bể điều tiết ngầm đưa vào hoạt động, thời gian ngập úng đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn 1-2 giờ. Việc chưa thể giải quyết triệt để úng ngập tại đây là do hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, trong đó nguồn xả là dự án cải tạo hồ Linh Quang chưa hoàn thành nên nước mưa trên hệ thống thoát nước chậm tiêu thoát.

Qua theo dõi các trận mưa năm 2021, Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá, công trình bể điều tiết ngầm Nguyễn Khuyến sau khi đưa vào vận hành đã phát huy được hiệu quả. Mức độ úng ngập và thời gian úng ngập đã giảm khoảng 70% so với năm 2020.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thường xuyên phải tổ chức công nhân ứng trực, bơm hút nước, giải quyết thoát nước cho khu vực.

Giải pháp mang tính chủ động

Thực tế, hệ thống thoát nước hiện nay mới chỉ được thực hiện đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh cho lưu vực sông Tô Lịch (diện tích khoảng 77,5km2 gồm các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận: Tây Hồ, Thanh Xuân), có thể giải quyết tiêu thoát cho những trận mưa cường độ 300mm/2 ngày; 50mm/2 giờ.

Còn ở các khu vực khác: Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, khu vực Long Biên, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch; nước mưa vẫn chủ yếu tiêu thoát tự chảy. Rõ ràng, để chống ngập hiệu quả cho khu vực nội thành, giải pháp vẫn là đầu tư hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, song việc này cần nhiều thời gian, kinh phí.

Để ứng phó trước mắt, trao đổi bên hành lang Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng, bên cạnh sử dụng hệ thống máy bơm để tiêu úng cục bộ, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu việc xây dựng hầm ngầm chứa nước lớn tại khu vực xung yếu thường xuyên xảy ra ngập. Đây cũng là giải pháp được nhiều nước trên thế giới áp dụng tại khu dân cư, không gian công cộng, như Nhật Bản, Malaysia... Các chuyên gia cũng cho rằng, bể điều tiết ngầm là giải pháp kỹ thuật mang tính chủ động, có thể giúp giảm tải cho hệ thống thoát nước khi có mưa lớn.

Tại Kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa năm 2022, ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa tiếp tục được Sở Xây dựng Hà Nội xác định là 1 trong 11 trọng điểm úng ngập. Nguyên nhân là do khu vực này cao độ mặt đường thấp (cốt 7.87), thấp hơn so với khu vực xung quanh trung bình khoảng 30cm (cốt 8.20). Vì vậy, khi mưa, nước dồn nhanh về khu vực trũng, gây úng ngập cục bộ. Để xử lý thoát nước tại khu vực, thời gian qua, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội bên cạnh tăng cường nạo vét cống, còn thường xuyên tổ chức công nhân ứng trực, khi có mưa đi tua rác, mở ga để tăng khả năng thoát nước; bố trí các xe hút, xe bơm tiêu úng cục bộ cho khu vực.

Trở lại với đề xuất nghiên cứu triển khai phương án xây dựng bể ngầm điều tiết chứa nước mưa khu vực ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa để chống ngập cho khu vực này (như đã làm tương tự trong xử lý úng ngập tại phố Nguyễn Khuyến ở trên), Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Mai Hương cho biết, trên cơ sở thống kê các điểm có nguy cơ úng ngập khi có mưa lớn (lượng mưa từ 50-100mm/2 giờ), có địa hình bất lợi, giải pháp thực hiện dự án xây dựng bể điều tiết ngầm chống úng ngập tại đây đã được Sở Xây dựng đề xuất, theo đó xây dựng bể chứa kích thước 12x58m, có khả năng chứa khoảng 2.000m3 nước.

Theo bà Hoàng Mai Hương, các công trình thoát nước, chống úng ngập nói chung cần nguồn vốn lớn, trong khi kinh phí của thành phố còn eo hẹp nên chủ yếu vẫn dựa vào các dự án ODA. Trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 không có dự án xây dựng bể điều tiết ngầm này.

Vì vậy, kiến nghị UBND thành phố giao UBND quận Hoàn Kiếm là chủ đầu tư nghiên cứu, đầu tư xây dựng bể điều tiết ngầm chống úng ngập tại khu vực ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa là phương án khả thi nhất, giống như UBND quận Đống Đa đã làm ở phố Nguyễn Khuyến, nhằm thúc đẩy triển khai dự án nhanh hơn, sớm giải quyết điểm úng ngập tại đây.

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/1033714/be-dieu-tiet-ngam-chong-ung-ngap---tai-sao-khong