Bể chứa nước mưa ngầm bằng nhựa: Giải pháp mới giúp kiểm soát ngập úng đô thị
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thu gom nước mưa qua các bể chứa ngầm bằng nhựa đã chứng minh là một giải pháp bền vững, thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí và có thể mở rộng
![(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_293_51437977/b2651e63252dcc73953c.jpg)
(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Tình trạng ngập úng đô thị, suy giảm nguồn nước ngầm và nhu cầu sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đang là những thách thức lớn đối với các thành phố lớn tại Việt Nam (điển hình như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh). Vì vậy, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, như bể chứa nước mưa ngầm bằng nhựa, không chỉ góp phần giảm thiểu tác động của ngập úng mà còn giúp bổ sung nguồn nước ngầm và tối ưu hóa việc tái sử dụng nước.
Thông tin trên vừa được đưa ra tại Hội thảo kết nối hợp tác Việt Nam-Nhật Bản với chủ đề “Giải pháp mới trong kiểm soát ngập úng đô thị, bổ sung nước ngầm và tái sử dụng nước” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức ngày 10/2, tại Hà Nội.
Giải pháp kiểm soát ngập úng đô thị
Phát biểu tại hội thảo, ông Triệu Đức Huy - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia nhấn mạnh quá trình đô thị hóa nhanh chóng và tác động của biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức lớn đối với công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là tại các đô thị đông dân.
Theo ông Huy, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng nghiêm trọng về ngập úng đô thị gia tăng, suy giảm nguồn nước ngầm và tình trạng khan hiếm nước. Cùng với đó, việc đảm bảo an ninh nguồn nước cho các mục đích sử dụng khác nhau cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm ngập lụt thường xuyên, thiếu hụt nước trong mùa khô và việc sử dụng nước không hiệu quả.
“Đặc biệt, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu và hệ thống thoát nước lạc hậu đã làm trầm trọng thêm những vấn đề trên,” ông Huy nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, Chương trình quốc gia về kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về việc đảm bảo an ninh nguồn nước đến năm 2045, và Luật Tài Nguyên Nước 2023, đều ưu tiên sử dụng nước theo hướng tuần hoàn và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các nguyên lý kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng nước (đặc biệt là các giải pháp sáng tạo và bền vững).
Đại diện Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cũng lưu ý ở nhiều quốc gia, việc thu gom nước mưa qua các bể chứa ngầm bằng nhựa đã chứng minh là một giải pháp bền vững, thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí và có thể mở rộng. Các hệ thống này có thể lưu trữ nước mưa, giảm thiểu dòng chảy bề mặt, ngăn ngừa ngập lụt đô thị và thúc đẩy tuần hoàn nước bằng cách tái sử dụng cho các mục đích không phải nước uống như tưới tiêu và sử dụng trong công nghiệp.
Thực tế tại các nước như Nhật Bản cho thấy công nghệ bể chứa nước mưa ngầm bằng nhựa mang lại giải pháp tiềm năng giúp giảm thiểu rủi ro ngập úng đô thị, bổ sung nguồn nước ngầm và tối ưu hóa việc tái sử dụng nước. Việc tích hợp những giải pháp này vào hệ thống hạ tầng đô thị không chỉ giúp giảm gánh nặng do ngập lụt mà còn góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững môi trường.
![Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_293_51437977/ba90189623d8ca8693c9.jpg)
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
“Tôi tin rằng việc ứng dụng các giải pháp mới trong kiểm soát ngập úng đô thị, bổ sung nước ngầm và tái sử dụng nước,” ông Huy nêu quan điểm.
“Hướng đi” quan trọng với các đô thị Việt Nam
Đề cập thêm về hiện trạng hệ thống thoát nước đô thị tại Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Vũ Thị Vinh, chuyên gia quản lý Hạ tầng kỹ thuật đô thị (nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam) cho biết hầu hết các đô thị sử dụng hệ thống thoát nước hỗn hợp, tức là thu gom cả nước mưa và nước thải sinh hoạt trong cùng một đường cống. Điều này dễ gây ra tình trạng quá tải cống thoát nước khi có mưa lớn.
Bên cạnh đó, nhiều hệ thống thoát nước đã xây dựng từ lâu, không đáp ứng được nhu cầu thoát nước trong điều kiện đô thị hóa hiện nay; đường kính cống nhỏ, khả năng thoát nước cũng không đủ trong các trận mưa lớn. Thực tế tại các thành phố lớn (như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) cho thấy ngập úng đô thị thường xuyên xảy ra; ngập lụt cục bộ do hệ thống thoát nước không đủ năng lực; khu vực thấp trũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nước mưa kết hợp với triều cường.
Đáng chú ý, ở các thành phố lớn, hệ thống thoát nước mới chỉ phục vụ khoảng 50 - 60% dân số, các thành phố nhỏ hơn (tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 30%). Trong khi đó, về xử lý nước thải, theo các số liệu gần đây, tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tại Việt Nam vẫn còn khá thấp. Tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 15% (tính đến tháng 6/2022); đến tháng 4/2023, con số này tăng nhẹ lên khoảng 17%.
Trong bối cảnh các thành phố ở Việt Nam còn phụ thuộc vào hệ thống thoát nước truyền thống trong việc thu gom nước mặt, sự gia tăng thiếu kiểm soát của tỷ lệ bề mặt không thấm nước đã làm các đô thị chịu nhiều rủi ro ngập úng hơn, bà Vinh cho rằng việc tiếp cận giải pháp như sử dụng bể chứa nước mưa ngầm bằng nhựa, là hướng đi quan trọng đối với các đô thị Việt Nam. “Đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là sự cam kết cho sự phát triển xanh bền vững,” bà Vinh nói.
Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng nhấn mạnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, với một đất nước mà phương tiện di chuyển chủ yếu là xe máy thì mức độ ảnh hưởng, thiệt hại do ngập lụt, ngập úng là rất lớn.
“Vì vậy, việc sử dụng bể chứa nước mưa ngầm bằng nhựa ở các đô thị lớn, cũng như các khu công nghiệp tại Việt Nam là rất quan trọng. Tôi hy vọng hội thảo này sẽ mở ra cơ hội hợp tác cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp 2 bên trong phòng chống thiên tai, lũ lụt,” đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ./.