Bất thường từ một phiên đấu giá nhà
Cho rằng căn nhà đang ở bị đưa ra bán đấu giá 'rẻ mạt', vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Anh (SN 1950) và bà Châu Thu Hà (SN 1954, cùng ngụ xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Sóc Trăng) đã kêu cứu nhiều cơ quan chức năng.
Nghi vấn có hiện tượng "dìm giá”
Theo hồ sơ, hộ gia đình ông Anh, bà Hà là chủ sở hữu căn nhà và đất có diện tích 284m2 tại thửa số 1608, tờ bản đồ số 07, ấp Phụng Hiệp, xã An Hiệp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số 01173 ngày 18/11/1999, do UBND tỉnh Sóc Trăng cấp. Ngày 29/7/2020, vợ chồng ông Anh - bà Hà ký "hợp đồng (HĐ) thế chấp bất động sản bảo đảm nghĩa vụ thanh toán đối với hợp đồng đại lý số 58/2020 với Công ty TNHH MTV XSKT Cà Mau (Công ty XSKT Cà Mau)" để bảo đảm nghĩa vụ cho hộ kinh doanh đại lý vé số Hoàng Anh. Đối tượng thế chấp là quyền sử dụng đất thuộc thửa số 1608. HĐ được công chứng số 3135 và đăng ký giao dịch bảo đảm tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Châu Thành.
Cũng trong ngày 29/7, vợ chồng ông Anh tiếp tục ký "HĐ thế chấp bất động sản bảo đảm nghĩa vụ thanh toán đối với hợp đồng đại lý số 58A/2020 với Công ty XSKT Cà Mau" để bảo đảm nghĩa vụ cho hộ kinh doanh đại lý vé số Hoàng Anh. Đối tượng thế chấp là căn nhà trên đất thuộc thửa số 1608. HĐ thế chấp này không được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 20/10/2020, Công ty XSKT Cà Mau và đại lý vé số Hoàng Anh ký "biên bản về việc thanh toán nợ vượt định mức". Số nợ của đại lý vé số Hoàng Anh nợ Công ty XSKT Cà Mau đã vượt định mức theo HĐ đại lý. Ngày 26/10/2020, ông Anh và Công ty XSKT Cà Mau ký kết "văn bản thỏa thuận về việc bán tài sản thế chấp". Trong đó, 2 bên thỏa thuận: Bán đấu giá tài sản thế chấp để thanh toán nợ vượt mức; việc bán đấu giá tài sản sẽ dừng lại khi đại lý vé số Hoàng Anh thanh toán xong nợ vượt mức; giá khởi điểm là giá ghi trong HĐ thế chấp.
Ngày 02/11/2020, Công ty XSKT Cà Mau và Công ty Đấu giá Sóc Trăng ký "HĐ dịch vụ đấu giá tài sản" để bán đấu giá tài sản thế chấp. Ngày hôm sau, Công ty Đấu giá Sóc Trăng tổ chức bán đấu giá nhà và đất tại thửa số 1608. Giá khởi điểm là 1,398 tỷ đồng (làm tròn), người trúng đấu giá là ông H.V.Đ mua với giá 1,430 tỷ đồng.
Vì giá trị nhà đất gần 4 tỷ đồng, nhưng giá bán qua đấu giá quá "bèo", có hiện tượng "dìm giá” và phía ông Anh không có đại diện tham gia. Nhận thấy việc đấu giá có dấu hiệu bất thường nên vợ chồng ông Anh khởi kiện ra TAND H.Châu Thành, yêu cầu tuyên vô hiệu đối với "văn bản thỏa thuận về việc bán tài sản thế chấp" ngày 26/10/2020 được giao kết giữa ông Anh và Công ty XSKT Cà Mau; hủy bỏ "biên bản đấu giá tài sản" ngày 03/12/2020 của Công ty đấu giá hợp danh Sóc Trăng; tuyên vô hiệu đối với "HĐ mua bán tài sản đấu giá” số 103A giữa Công ty XSKT Cà Mau với ông Anh và ông H.V.Đ.
Nhiều bất thường cần được làm rõ
Ngày 30/6, TAND huyện Châu Thành đã mở phiên xử sơ thẩm. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị hủy kết quả bán đấu giá do vi phạm thủ tục, quy trình bán đấu giá. Tuy nhiên, tòa đã tuyên công nhận kết quả bán đấu giá và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của phía gia đình ông Anh. Gia đình ông Anh cho biết, sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành, mong TAND cấp phúc thẩm có một phán quyết bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp cho gia đình ông.
Chúng tôi nhận thấy, "HĐ thế chấp bất động sản bảo đảm nghĩa vụ thanh toán đối với hợp đồng đại lý số 58A/2020 với Công ty XSKT Cà Mau" để bảo đảm nghĩa vụ cho hộ kinh doanh đại lý vé số Hoàng Anh. Đối tượng thế chấp là căn nhà trên đất thuộc thửa số 1608, tờ bản đồ số 07. Vợ chồng ông Anh nhân danh bản thân để giao kết, không đại diện cho hộ gia đình, vượt quá phạm vi ủy quyền (chỉ ủy quyền đất, không ủy quyền nhà), không tuân thủ đúng quy định Điều 212 Bộ luật Dân sự về sở hữu chung của các thành viên gia đình. HĐ thế chấp này không được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, các văn bản khác như "văn bản thỏa thuận về việc bán tài sản thế chấp", "HĐ dịch vụ đấu giá tài sản" ngày 02/11/2020 và "HĐ mua bán tài sản đấu giá” ngày 08/12/2020 chỉ do ông Anh nhân danh cá nhân ký kết, không đại diện cho hộ gia đình, cũng như vượt quá phạm vi ủy quyền theo HĐ ủy quyền của các thành viên hộ gia đình.
Theo ông Anh, Công ty Đấu giá Hợp danh Sóc Trăng cũng có vi phạm về thủ tục đấu giá. Theo biên bản đấu giá tài sản ngày 03/12/2020, danh sách người tham gia đấu giá chỉ bao gồm 3 cá nhân, trong đó có 2 cá nhân chỉ tham gia đấu giá vòng 1 và không tham gia đấu giá vòng 2. Do đó, ông H.V.Đ là người đưa ra giá cao nhất vòng 1 với mức giá, chỉ hơn giá khởi điểm khoảng 31 triệu đồng là bên trúng đấu giá và không phải tổ chức đấu giá vòng 2. Ông Anh cho biết, những cá nhân này có mối quan hệ thân thích với nhau và với đấu giá viên tham gia đấu giá. Nếu ông Anh có thể chứng minh điều này là đúng thì hành vi này của các cá nhân liên quan có dấu hiệu "thông đồng, móc nối, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá, dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản hoặc kết quả đấu giá tài sản". Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 1, khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Người thân của gia đình ông Anh sau khi biết Công ty Đấu giá Sóc Trăng bán đấu giá đối với tài sản của gia đình thì mong muốn mua hồ sơ và tham gia đấu giá. Tuy nhiên, khi liên hệ với Công ty đấu giá để mua hồ sơ thì không được bán hồ sơ mà được hướng dẫn để tham gia đấu giá đối với các tài sản khác?