Bắt tay tạo chuỗi cung ứng giá trị và bền vững
Nhằm nâng cao nội lực cho doanh nghiệp (DN) Việt, đồng thời gia tăng giá trị hàng Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh sự tự nỗ lực, rất cần sự hợp lực hỗ trợ từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Sau đây là ý kiến phản hồi của một số chuyên gia, lãnh đạo DN sau khi Báo SGGP đăng loạt bài Ngành công nghiệp hỗ trợ 'lột xác'.
Ông CHOI JOO HO, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung: Triển khai nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp
Tập đoàn Samsung tại Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Công thương để hỗ trợ DN Việt Nam đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản trị.
Theo đó, với dự án hỗ trợ tư vấn cải tiến DN, các chuyên gia sản xuất từ Samsung Hàn Quốc đã hỗ trợ gần 400 công ty Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các công ty đã tăng năng suất sản xuất lên 40%, lỗi sản phẩm giảm 50% chỉ sau khoảng 3 tháng được hỗ trợ, tư vấn.
Hiện các DN tham gia chương trình hỗ trợ này cũng được ưu tiên tham gia mạng lưới các nhà cung cấp cho Samsung Việt Nam, ước tính đang có 33 DN. Với dự án hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Samsung Việt Nam đã hỗ trợ đào tạo hơn 400 chuyên gia tư vấn cải tiến địa phương.
Samsung Việt Nam cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương để triển khai dự án đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực khuôn mẫu; chương trình sẽ tổ chức đào tạo 200 chuyên gia trong hơn 4 năm, đến nay đã có hơn 100 chuyên gia được đào tạo.
Mặt khác, Samsung Việt Nam ký biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương triển khai dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh. Đây là dự án hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp có giá trị cao của Việt Nam. Theo đó, Samsung chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình về sản xuất thông minh cho 50 DN trong lộ trình 2 năm và sẽ nhân rộng với các DN khác trong thời gian tới.
Khi tham gia chương trình, các DN được đào tạo và hướng dẫn để hoạch định chiến lược cũng như xây dựng một lộ trình xuyên suốt hướng tới “nhà máy thông minh”. Các giải pháp quản trị trên nền tảng số hóa, tự động hóa được chuyển giao trực tiếp từ chuyên gia Samsung giúp hệ thống quản lý và hiện trạng sản xuất của DN thay đổi rõ rệt.
Những thay đổi này là nền tảng để các DN nâng cao năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu trên mọi quy trình như nghiên cứu, sản xuất... Từ đó, các DN có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung mà cả mạng lưới cung ứng toàn cầu.
Hiện số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 DN vào năm 2014 lên hơn 250 DN vào năm 2023. Tuy nhiên, để ngày càng có nhiều DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Samsung, Chính phủ và các DN trong nước cùng tập trung đầu tư hơn nữa vào nghiên cứu phát triển mảng khoa học - công nghệ.
Ông NOBUYUKI MATSUMOTO, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM: Tăng nhu cầu đơn hàng từ Việt Nam
Việt Nam là nước duy nhất trong số 6 nước ASEAN có tỷ lệ lớn DN Nhật Bản có nhu cầu mở rộng đầu tư. Qua khảo sát cho thấy, 56,7% trong số 849 DN Nhật Bản tại Việt Nam đã trả lời sẽ mở rộng đầu tư kinh doanh trong vòng 1- 2 năm tới.
Sở dĩ DN Nhật Bản chọn Việt Nam để gia tăng đầu tư xuất phát từ bối cảnh các DN này đang có nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế cho thấy, hiện tỷ lệ thu mua sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại chỗ của DN Nhật Bản ở Việt Nam đạt 41,9% (so với 10 năm trước, tỷ lệ nội địa hóa của DN Nhật Bản ở Việt Nam đã tăng gần 10%).
Ngoài ra, những chủ trương, chính sách từ phía Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã tạo kỳ vọng tích cực cho DN Nhật Bản vào ngành CNHT Việt Nam. Hiện có 43,2% DN Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện của DN Việt Nam trong 1-2 năm tới, cao hơn nhiều so với mức trung bình 28,8% của khu vực ASEAN.
Các DN Nhật Bản rất ưu tiên an toàn và chất lượng. DN Việt muốn đáp ứng tiêu chuẩn cao phải nâng cao tay nghề, công nghệ, trong đó có tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI). Do đó, nguồn nhân lực phải được đào tạo để theo kịp sự phát triển này.
Ở khía cạnh khác, nhiều DN Nhật Bản cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính và thủ tục thuế, minh bạch quy trình thủ tục đầu tư. Riêng các vấn đề liên quan đến xin visa, giấy phép lao động cho người nước ngoài cần được điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn…
Bà BÙI THỊ HỒNG HẠNH, Giám đốc điều hành NC Network Việt Nam: Tháo gỡ bất cập để phát triển nội lực
Khảo sát toàn diện về nội lực của DN ngành CNHT Việt Nam do NC Network Việt Nam thực hiện cho thấy, có đến 75% DN ngành CNHT có doanh thu hoàn toàn từ thị trường trong nước và khoảng 8% DN có doanh thu hoàn toàn từ xuất khẩu, 17% DN còn lại có doanh thu từ cả hai nguồn trong nước và xuất khẩu.
Thị trường thu hút được nhiều DN tham gia xuất khẩu các sản phẩm CNHT gồm Hàn Quốc (25%), Nhật Bản (18,5%), Trung Quốc (14,5%)...
Qua khảo sát cho thấy, mặc dù năng lực sản xuất của DN Việt không ngừng cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập mà DN CNHT mong muốn được cải thiện.
Trong đó, có 2.670 DN cho biết mong muốn được hỗ trợ về thủ tục hành chính; 1.489 DN muốn được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất; 3.089 DN muốn được hỗ trợ về thuế; 2.362 DN mong muốn được hỗ trợ vốn; 1.903 DN mong được hỗ trợ về công nghệ, máy móc, thiết bị; 1.516 DN mong nhận được hỗ trợ về đào tạo và phát triển nhân lực; 1.833 DN mong muốn được hỗ trợ về thông tin thị trường; 1.881 DN mong muốn được hỗ trợ về tiếp cận khách hàng và 961 DN mong muốn được hỗ trợ về liên kết các DN trong chuỗi sản xuất.
Có thể thấy, những lợi thế về lao động chi phí thấp và các ưu đãi không còn sức hấp dẫn. Hơn nữa, ngành công nghiệp trong nước chưa có DN công nghiệp có quy mô toàn cầu, đóng vai trò dẫn dắt để hình thành chuỗi cung ứng trong nước. Hệ thống chính sách chưa thực sự hỗ trợ cụ thể để ngành phát triển; thiếu nguồn lực triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp; chính sách tài chính chưa tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp.
Việc tháo gỡ những bất cập này từ Trung ương đến địa phương sẽ là tiền đề cần thiết để phát triển nội lực ngành CNHT trong thời gian tới.
TS VÕ TRÍ THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Nhận diện thế mạnh của thương hiệu sản phẩm trong nước
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các DN toàn cầu. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu thời gian qua là thách thức với nhiều DN, nhưng nhìn ở chiều ngược lại thì điều đó giúp Việt Nam nổi lên như một điểm sáng về thu hút đầu tư.
Cần phải thấy rằng, Việt Nam có những lợi thế về môi trường đầu tư như tình hình chính trị ổn định, vị thế địa lý trung tâm khu vực Đông Nam Á và châu Á; sản xuất tại Việt Nam liên tục phát triển và được chính phủ cam kết tiếp tục cải cách, đổi mới để tăng hiệu quả phát triển; dân số khá trẻ và chi phí lao động cạnh tranh đảm bảo nguồn nhân lực dồi dào cho DN khi tham gia đầu tư...
Đặc biệt, nhiều hiệp định thương mại đã và sẽ ký trong thời gian tới sẽ là chất xúc tác, thúc đẩy cải cách thể chế, mở rộng thương mại, xuất khẩu, đầu tư, cũng là điều kiện để đa dạng hóa thị trường và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Trên thực tế, trong những năm qua, Việt Nam vươn lên và trở thành tốp đầu nước xuất khẩu hàng hóa nói chung, trong đó có sản phẩm công nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy năng lực phát triển của DN, nhất là DN ngành CNHT, gia nhập sâu hơn và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN cần đầu tư thương hiệu sản phẩm Việt. Giá trị thương hiệu được củng cố sẽ tạo nền tảng vững chắc cho DN trên trường quốc tế.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách xây dựng thị trường tài chính linh hoạt, đa dạng cùng khung khổ pháp lý phù hợp; tạo hạ tầng chuyển giao công nghệ kết hợp xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư và thực thi các chương trình hỗ trợ phù hợp, thậm chí khác biệt dành cho DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực này.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bat-tay-tao-chuoi-cung-ung-gia-tri-va-ben-vung-post727755.html