Bất ổn bao trùm khắp thị trường, nhiều chuyên gia nhận định cơn bán tháo trên Phố Wall sẽ kéo dài và thậm chí còn tồi tệ hơn
Đà bán tháo mạnh ở phiên 21/9 lại khác so với đợt giảm giá vừa rồi trong tháng 9 – tập trung chủ yếu ở cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng. Thay vào đó, sự sụt giảm lại được dẫn đầu bởi những 'cái tên' giá trị, được kỳ vọng rằng sẽ thăng hoa khi nền kinh tế hồi phục.
Nhà đầu tư tại TTCK Mỹ đang để mắt đến những mối lo ngại mới về tình hình dịch bệnh và nền kinh tế, khiến Phố Wall trải qua cơn bán tháo ở ngay phiên đầu tuần. Theo các chuyên gia, thị trường vốn đã không vững chắc về mặt kỹ thuật và thậm chí sẽ còn sụt giảm mạnh hơn nữa vào những ngày tới.
Tuy nhiên, đà bán tháo mạnh ở phiên 21/9 lại khác so với đợt giảm giá vừa rồi trong tháng 9 – tập trung chủ yếu ở cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng. Thay vào đó, đà giảm lại được dẫn đầu bởi những "cái tên" giá trị, được kỳ vọng rằng sẽ thăng hoa khi nền kinh tế hồi phục.
Sam Stovall – chiến lược gia trưởng tại CFRA, nhận định: "Tình hình đã thay đổi, đó là lý do tại sao nhà đầu tư lo lắng. Khi châu Âu bắt đầu nhận thấy dịch bệnh tái bùng phát mạnh, có thể rằng hoạt động kinh tế sẽ phải ngừng lại như trước?". Mới đây, các nhà khoa học hàng đầu của chính phủ Anh cảnh báo nước này có thể ghi nhận gần 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vào giữa tháng 10, nếu không thực hiện biện pháp nào để ứng phó.
Một yếu tố khác đó là bất ổn về chính trị sau khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời, khiến các thành viên đảng Cộng hòa gấp rút tìm người thay thế bà nhưng đảng Dân chủ lại muốn lùi ngày nhậm chức vào tháng 1. Các nhà phân tích cho biết, việc này đã làm gia tăng sự chia rẽ vốn đã căng thẳng, theo đó đẩy những bất ổn trong thời gian bầu cử leo thang và khiến Quốc hội ít có khả năng đi đến thống nhất về gói kích thích mới.
Stovall cho hay: "Bởi sự hồi phục từ ngày 8/9 là quá ít động lực, nên đây là dấu hiệu cho thấy thị trường cần phải nhận được nhiều hỗ trợ trước khi tăng trở lại."
Trong khi đó, các nhà phân tích kỹ thuật cho rằng Phố Wall đã chứng kiến sự biến động, có thể khiến mức trung bình động 200 ngày của S&P 500 rơi xuống mức 3.104 hoặc thậm chí thấp hơn. Scott Redler – chiến lược gia kỹ thuật tại T3Live.com, cho biết S&P 500 có thể đối diện ngưỡng tâm lý 3.200 điểm.
Sau đợt bán tháo mạnh ở phiên vừa rồi, các chỉ số lớn đã hồi phục phần nào vào những giờ giao dịch cuối cùng, khi Dow Jones giảm 1,8%, S&P 500 mất 1,2%. Nasdaq Composite tăng điểm dù trước đó chứng kiến áp lực bán mạnh nhất, được thúc đẩy bởi sự hồi phục Apple và Amazon.
Đối với các ngành lớn, vật liệu đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, sau đó là năng lượng và công nghiệp, đều giảm hơn 3%. Tiếp theo là tài chính, giảm khoảng 2,5%. Cổ phiếu ngành hàng không mất tới 7%. Công nghệ diễn biến tích cực và tăng 0,7% trong giờ giao dịch cuối cùng. Dịch vụ truyền thông giảm 1,2%.
Cổ phiếu Apple hiện đã rơi vào thị trường "con gấu" – giảm 22% so với đỉnh, đã hồi phục và tăng nhẹ, tương tự như diễn biến của Tesla. Các chiến lược gia trước đó đã dự đoán rằng công nghệ sẽ là một "chiến trường" trên TTCK trong tuần này, khi nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội mua vào những cổ phiếu họ ưa thích.
Redler cho biết: "Tôi cho rằng Apple đã tạo ra một chút hy vọng cho lĩnh vực công nghệ rằng một số nhà đầu tư sẽ mua vào. Cổ phiếu này đã giúp nâng các chỉ số lớn sau khi lao dốc mạnh. Liệu chúng ta đã chứng kiến mức đáy của tuần này hay tuần tới chưa? Chưa, đó chỉ là một phiên. Nếu diễn biến này tiếp tục, có lẽ đó là điều tốt cả cả thị trường, nhưng hiện tại khó có thể tự tin quá nhiều."
Peter Boockvar – chiến lược gia trưởng tại Bleakley Advisory Group, nhận định: "Tôi nghĩ một phần trong số cổ phiếu chu kỳ đã trải qua 1 tháng tích cực. Tôi cho rằng nhà đầu tư đã mua vào một số cái tên được hưởng lợi khi người dân ở trong nhà, sau thông tin về dịch bệnh tại châu Âu, đặc biệt là Anh. Đối với tôi, đây là một sự thay đổi trong việc phân bổ. Nhà đầu tư đã quay trở lại mua cổ phiếu Zoom, Walmart và Peloton và bán bất kỳ cổ phiếu nào liên quan đến giải trí và du lịch."
Redler cho hay, biểu đồ diễn biến S&P 500 đã bắt đầu hình thành mô hình vai đầu vai (head and shoulders pattern) và đây là một dấu hiệu xấu đối với thị trường. Ông nói: "Theo đó chỉ số này có thể giảm xuống 3.136 điểm." Ông cũng cho biết, thị trường đã cảnh báo về một đợt bán tháo lớn hơn, bởi có 4 đến 5 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp.
Trong khi đó, Stovall cho biết thị trường đang ở thời điểm tiêu cực theo giai đoạn, với tháng 9 thường là quãng thời gian tiêu cực nhất trong năm. Thời điểm cuối tháng và cuối quý cũng đang đến gần, dù một số nhà phân tích cho rằng đây có thể dấu hiệu tốt cho thị trường khi nhà đầu tư lớn cân bằng lượng nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu. Ông nói: "Tháng 10 thường là tháng nhà đầu tư bán tháo."
Nhà phân tích kỹ thuật của Funstrat – Rob Sluymer, dự kiến thị trường sẽ chạm đáy vào tháng 10 và chứng kiến biến động mạnh hơn trước thềm bầu cử. Ông cho biết có những dấu hiệu cho thấy cổ phiếu công nghệ đã sẵn sàng cho sự hồi phục trong 1 thời gian, nhưng sau đó nhóm này và thị trường có thể tiếp tục biến động.
Tham khảo CNBC