Bất chấp lệnh tạm ngừng của chính quyền Biden, cơ quan Mỹ vẫn cấp phép xuất khẩu khí khổng lồ

Các cơ quan quản lý liên bang Hoa Kỳ cuối tuần này đã phê duyệt một trong những dự án xuất khẩu khí đốt lớn nhất quốc gia, bất chấp nỗ lực của Nhà Trắng nhằm tạm thời ngừng gia tăng các chuyến hàng khí ra nước ngoài trong bối cảnh lo ngại về tác động khí hậu.

Ủy ban quản lý năng lượng liên bang Mỹ đã phê duyệt giấy phép cho dự án xây dựng terminal khí đốt tự nhiên hóa lỏng Calcasieu Pass 2, một dự án gây nhiều tranh cãi dọc theo bờ biển Louisiana. Ảnh Francis Chung/E&E News

Ủy ban quản lý năng lượng liên bang Mỹ đã phê duyệt giấy phép cho dự án xây dựng terminal khí đốt tự nhiên hóa lỏng Calcasieu Pass 2, một dự án gây nhiều tranh cãi dọc theo bờ biển Louisiana. Ảnh Francis Chung/E&E News

Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang Mỹ (FERC) đã cấp giấy phép xây dựng terminal khí tự nhiên hóa lỏng Calcasieu Pass 2, một dự án gây nhiều tranh cãi dọc theo bờ biển Louisiana.

Việc bật đèn xanh cho Venture Global có trụ sở tại Virginia diễn ra vài tháng sau khi Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) tuyên bố sẽ ngừng cấp giấy phép xuất khẩu mới nhằm nghiên cứu xem các chuyến hàng khí đốt ảnh hưởng như thế nào đến người tiêu dùng và gây ô nhiễm khí hậu ở nước này. Theo giấy phép của FERC được phê duyệt hôm thứ Năm, công ty có thể xây dựng cơ sở xuất khẩu nhưng cần phải đợi Bộ Năng lượng cấp phép để vận chuyển khí ra nước ngoài.

Mê-tan, thành phần chính của khí tự nhiên, một loại khí nhà kính mạnh góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu khi được thải vào khí quyển. Khí này cũng là nguồn nhiên liệu chính cho máy phát điện và hệ thống sưởi ấm gia đình ở Mỹ, một số khu vực ở châu Âu và khắp Châu Á.

Quyết định của FERC được đưa ra vài giờ trước khi Tổng thống Joe Biden chuẩn bị đối mặt với cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh luận đầu tiên trước cuộc bầu cử tháng 11 tới. Ông Trump đã chỉ trích các chính sách về năng lượng và khí hậu của ông Biden, chế nhạo việc ông Biden ủng hộ trợ cấp xe điện, và hứa sẽ hãm lại các khoản khuyến khích hàng trăm tỷ đô la của chính quyền cho các dự án năng lượng sạch.

Nhưng ông Biden cũng có thể tự hào vì Mỹ là nhà xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới. Điều đó chủ yếu xảy ra dưới thời ông Biden, khi giá dầu tăng trở lại sau khi Đại dịch Covid toàn cầu kết thúc và các thợ khoan ở Tây Texas lập kỷ lục khai thác mới. Nhà Trắng đã phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ các nhóm môi trường với lí do là ông Biden chưa đủ nỗ lực để cắt giảm việc khoan trên đất công và đưa ra đường lối cứng rắn hơn đối với lợi nhuận từ dầu mỏ.

Sau khi Nga mở Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, chính quyền Biden đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển đến các nước châu Âu khi cố gắng thay thế khí đốt Nga. Điều đó đã giúp hỗ trợ ngành năng lượng. Nhưng nó cũng làm nổi bật sự phụ thuộc của EU vào khí đốt để vận hành nền kinh tế.

Việc DOE dừng cấp phép chỉ là tạm thời, các quan chức Nhà Trắng đảm bảo với ngành và các đảng viên Cộng hòa khi quyết định được công bố lần đầu tiên vào tháng 1. Các quan chức cho biết DOE dự kiến sẽ dỡ bỏ lệnh tạm dừng vào cuối tháng 3/2025. Và trong thời gian này, điều đó không ngăn cản FERC tiếp tục cấp giấy phép cho cơ sở hạ tầng xuất khẩu khí, hầu hết nằm dọc theo Bờ Vịnh.

Cuộc chiến vì nhiên liệu hóa thạch

Dự án terminal Louisiana, được gọi là CP2, được thiết kế để gửi hơn 20 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng mỗi năm tới khách hàng toàn cầu.

Nếu được khởi động, terminal này sẽ nằm cạnh terminal LNG Calcasieu Pass ở Louisiana. Dự án mới đã trở thành điểm nóng trong cuộc tranh luận quốc gia xung quanh nhiên liệu hóa thạch và cơ sở hạ tầng xuất khẩu dầu khí.

Giám đốc điều hành Venture Global Mike Sabel cho biết trong một tuyên bố: “Dự án này sẽ rất quan trọng đối với an ninh năng lượng toàn cầu và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, cũng như cung cấp việc làm và tăng trưởng kinh tế trên khắp Louisiana và nước Mỹ”.

FERC là một cơ quan độc lập trực thuộc Bộ Năng lượng nước này, với các ủy viên do tổng thống đề cử và được Thượng viện xác nhận. Ủy ban đã bỏ phiếu 2-1 để cấp giấy phép.

Allison Clements, một đảng viên Đảng Dân chủ, đã bất đồng quan điểm. “Ủy ban chưa giải quyết thỏa đáng các tác động đến môi trường và kinh tế xã hội của dự án, bao gồm cả những tác động bất lợi đối với cộng đồng công bằng môi trường”, bà Allison Clements nói vào đầu cuộc họp.

Những người phản đối dự án tập trung bên ngoài trụ sở FERC, gần Union Station ở Washington.

Roishetta Ozane, người sáng lập nhóm Vessel Project ở Louisiana, cho biết đã đến lúc “loại bỏ FERC”. Bà cho biết các nhà hoạt động sẽ gây áp lực lên chính quyền Biden để hạn chế nhiên liệu hóa thạch.

“Chúng tôi cho rằng FERC là một cơ quan lừa đảo, không quan tâm đến cộng đồng”, bà Ozane nói với đám đông vài chục người. “Nhưng người cần hành động khi chúng tôi ở đây chính là chính quyền này. Chúng ta cần tiếp tục gây áp lực lên Bộ Năng lượng”.

Bà Ozane cũng kêu gọi DOE ngừng cấp phép xuất khẩu khí đốt vĩnh viễn.

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp mở của FERC, Chủ tịch Willie Phillips, một đảng viên Đảng Dân chủ, cho biết việc xem xét phê duyệt các dự án khí đốt đòi hỏi một sự cân bằng tinh tế. Ông cho biết FERC có nghĩa vụ đối với các cộng đồng bị thiệt thòi về môi trường và cũng có trách nhiệm tuân thủ pháp luật.

Ông Phillips nói: “Khi các vấn đề và quá trình xem xét của chúng tôi hoàn tất, chúng tôi sẽ tiến hành bỏ phiếu về những vấn đề đó. Và vụ việc này phù hợp với tiêu chuẩn mà chúng tôi đặt ra cho mọi dự án khác”.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/bat-chap-lenh-tam-ngung-cua-chinh-quyen-biden-co-quan-my-van-cap-phep-xuat-khau-khi-khong-lo-713523.html